Từ ngập lụt đô thị nghĩ về thành phố thông minh
Tôi đã từng sống ở thành phố Sơn La từ nhỏ. Cách đây ít ngày, thành phố miền hoa ban của tôi bị ngập bởi những cơn mưa mùa hạ. Cũng giống như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, các đô thị vùng cao cũng xảy ra ngập lụt. Xem ra, bài toán về thoát nước và quy hoạch đô thị cần rất nhiều dữ kiện để giải hơn là những điều ta thấy trước mắt.
Liệu có phải vì chúng ta chưa thật sự chú ý đến sự cân bằng của tự nhiên để rồi phải nhận về những cơn mưa như trút giận hờn hay còn điều gì lớn hơn, cần nhìn rộng hơn là cảnh những chiếc xe hơi chìm giữa phố?
Một lần vào dịp nghỉ lễ, tôi theo bạn bè lên thăm mấy xã miền núi. Điều đặc biệt là, nếu nhìn từ xa, bạn sẽ thấy những mái nhà sàn thấp thoáng rất bình yên, dịu mát. Vậy mà, khi đến gần bạn nhận ra đó chỉ là những ngôi nhà xây theo kiểu nhà sàn chứ chẳng còn kèo, cột, rui, mè gì nữa. Người chủ nhà nói với tôi rằng, thường thì đến tối, anh phải xuống tầng 1 (phần gầm sàn được xây bưng kín) để ngủ cho mát. Thậm chí, có đêm anh vẫn phải bật điều hòa vì oi bức.
Tôi nhìn ra cái sân bê tông phía trước nhà và nghĩ: phải chăng là một kiểu “phố hóa” nông thôn. Vật liệu mới tạo ra sự bền chắc, kiên cố nhưng cũng gây ra sự hấp nhiệt và không thấm nước mưa… Nước mưa không được hút, thấm tại chỗ. Có lẽ dần dà, những người nông dân đã hiểu ra mình đang đối diện với những thay đổi cục bộ của khí hậu do chính sự lựa chọn của mình. Sống ở đâu không quan trọng bởi bạn đừng ỉ lại ở những gì sẵn có mà cần tạo ra chất lượng cho môi trường sống của mình.
Có người bảo: Đừng coi thành phố là hoa lệ tuyệt đối mà phải chấp nhận một thực tế: ở phố cũng chịu sự tác động của thiên nhiên như mọi vùng quê. Và ngược lại, người quê cũng phải nếm trải sự nóng nực của phố xá. Phố và quê không còn ranh giới nữa. Hay nói cách khác, phải tính toán từ nhiều góc độ, nhiều thời điểm nhiều khả năng xảy ra.
Nhưng không chỉ có thành phố và nông thôn, một hệ sinh thái khác cũng đang đối diện với những điều lạ như thế. Trên mạng xã hội lại đang xuất hiện một kiểu “ngập lụt” khác. Còn nhớ, vào những ngày lễ thần tài thì người người đua nhau khoe vàng. Khi dịch COVID -19 bùng phát thì họ khoe kit test COVID -19 với các “làn điệu”: một vạch (âm tính) thì hớn hở thế nào, hai vạch (dương tính) thì ngậm ngùi ra sao…
Theo chuyên gia Lê Trần Bảo Phương, sức hút từ các trào lưu này xuất phát từ lí do, cư dân mạng muốn: “được giải trí; được chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc, thành công; được biểu lộ quan điểm, cảm xúc, bức xúc của mình; tìm kiếm được sự quan tâm của bạn bè, sự khen ngợi về tính hài hước/ duyên dáng (thông qua số LIKE, số SHARE, COMMENTS); được trút hết bầu tâm sự, họ có thể tìm được đồng cảm, thương cảm, được lắng nghe; được thuộc về một nhóm có chung 1 vấn đề nào đó, để giao lưu, để được cập nhật về thông tin mà họ quan tâm”. Tưởng như hai điều này hoàn toàn khác biệt, không hề có mối liên hệ nào, nhưng không hẳn. Bởi, chúng ta sống thế nào, chúng ta sẽ có cách nhìn cuộc sống như thế.
Có người bạn từng nói với tôi rằng: “Mạng xã hội đang là một con phố, với rất nhiều nhà, anh muốn đi đâu đều phải qua các nhà ấy nhưng họ đang bày biện đồ đạc, đang xả nước, đang vứt rác… nhưng chúng ta cũng không thể quay lưng với nó, vẫn phải đi qua, vẫn phải trực diện với nó”.
Người viết ngẫm ra, sự bất cập nào cũng có nguyên nhân từ sự hạn chế nào đó. Trong số hàng trăm người check in hoặc chia sẻ ảnh ngập lụt, mỉa mai đặt tên cho phố này là “đầm”, ngã ba kia là “vịnh”, bến xe này là “cảng nước sâu”… liệu có mấy ai lắng nghe người trong cuộc giãi bày về những nguyên nhân sinh ra các “dòng sông phố” mà không ai mong muốn kia.
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thành phố TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện tại, hệ thống tiêu thoát nước của thành phố đã cũ, không còn đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng để thiết kế hệ thống mới, tần suất lớn hơn thì phải có sự đầu tư rất lớn. Ví dụ, thay vì hệ thống cống rộng 1m như hiện nay, thành phố cần chuyển đổi lên 2m, 3m mới có thể đáp ứng được. Thay vì lan truyền và ca thán, cười cợt, sao chúng ta không nghĩ rộng hơn về một thành phố hiện đại, chỉ có điều đó mới giải quyết triệt để vấn nạn này trong tương lai gần.
Tác giả Nguyễn Văn Long, Giảng viên ngành Cảnh quan & Kỹ thuật Hoa viên, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Thiết kế đô thị cần coi lũ là một nguồn tài nguyên cho hệ sinh thái đô thị; Thiết lập không gian chứa lũ dựa trên hạ tầng sinh thái thích ứng với các động thái của lũ; Cấu trúc đô thị luôn tính đến các tình huống rủi ro và sẵn sàng chuyển sang cơ chế thích nghi với lũ; Phổ biến động thái của lũ và nâng cao nhận thức sống chung với lũ tới công chúng”.
Có lẽ, lâu nay chúng ta chưa thật sự ý thức về một đô thị bốn mùa ở miền nhiệt đới này. Phố xá có thể nóng bức như sa mạc nhưng cũng ngập lụt như miền sông nước. Điều đáng bàn là làm sao để chủ động hóa giải lượng nước đó. Người dân nông thôn phải xây nền nhà cao, phải có rãnh thoát nước, phải tôn trọng sự có mặt của ao hồ trong không gian sống. Đại biểu Quốc Hội Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) nói: “Chúng ta phải xây dựng được các đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh hay nói cách khác là thiết kế được một cách thông minh các đô thị để đảm bảo được tính bền vững”.
Một đô thị thật sự hiện đại là gì? Hiện đại đâu chỉ có cao ốc, đường phố, các trung tâm thương mại, giao thông? Sự phát triển nào cũng kéo theo sức hút của lao động và những bài toán về sinh hoạt. Tương ứng với các công ty, chung cư, trung tâm thương mại kia là một nhà máy xử lý rác thải ra sao? An ninh trật tự, trường học, y tế và đặc biệt hơn nữa là văn hóa đô thị ấy như thế nào?
Mới đây, sự việc người đàn ông có tên là Vũ Trọng Đ. đánh bé gái N.V.A.T. (4 tuổi) tại khu vui chơi ADCBook, khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội là một dấu hỏi? Ở những khu đô thị hiện đại, trong không gian giải trí tập thể cũng cần một ý thức văn minh. PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: “Những người trưởng thành phải ý thức và hành động theo pháp luật. Hãy sử dụng những bộ não trưởng thành của người lớn để tìm ra những cách thức ứng xử thông thái, phi bạo lực, phi lạm dụng để dạy trẻ làm những điều đúng đắn. Nếu không, ngoài thân xác to cao, bạn có khác gì chúng!”. Một câu hỏi nhức nhối chẳng kém gì những trận ngập lụt vẫn trở lại trên phố xá.
Cũng như những cơn mưa như trút của thời kì biến đổi khí hậu. Trước nhịp sống của một xã hội hôm nay, mỗi người sẽ tìm ra một cách phản ứng, thể hiện suy nghĩ, cách nhìn. Thật đơn giản nếu đổ lỗi cho ai đó hoặc chia sẻ theo một quán tính, biến chính những người thân thiết thành nạn nhân của fake new.
Trong khi, để có một đô thị đáng sống, một cuộc sống chất lượng, cần có sự thấu hiểu, đồng thuận của các cư dân. Có thể sẽ phải thay đổi nơi sống, có thể không được cấp phép xây dựng hoặc lựa chọn một phương tiện giao thông công cộng… tất cả chỉ để hướng tới lợi ích do chính chúng ta tạo ra và chúng ta thụ hưởng.