Từ món quà đến giá trị

Thứ Năm, 24/11/2022, 13:00

Nếu được hỏi: bạn sẽ tặng món quà gì cho thầy cô giáo của mình hoặc của con em mình nhân ngày lễ, ngày sinh nhật thì hẳn sẽ là một câu hỏi hóc búa. Tại sao chúng ta có thể kể ra rất nhiều những tình cảm với thầy, cô, các nhà giáo trong xã hội nhưng khi thực hiện điều này lại thấy lúng túng.

Thực ra, chuyện tặng quà, nhận quà và ý nghĩa đằng sau đó không chỉ là một cách ứng xử mà còn là biểu hiện văn hóa. Đâu phải món quà nào cũng mang một ý nghĩa tự thân. Nó còn phụ thuộc vào nhiều góc độ.

Sớm nay, sau khi quan sát hình ảnh các lễ kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, người viết lướt xem bài viết của nhà báo Trần Đăng Tuấn với tiêu đề: “Giá như có thêm một ngày của giáo viên vùng cao” (Báo điện tử Dân Việt), bắt gặp một câu chuyện như thế này: “… Lúc tiễn chúng tôi ra xe, cô Đào xách một can 5 lít mật ong, nói là mật ong tự quay được. Đi miền núi, ngại nhất là chuyện các thầy cô cho quà. Trọng tình lắm nhưng thật lòng không muốn nhận. Tôi nói chưa hết câu từ chối, thì mắt cô giáo đã đầy lệ. Bạn tôi vội vàng cầm can mật ong. Lên xe, bạn nói: "Tôi thấy cô ấy sắp khóc òa lên rồi!". Về Hà Nội, chúng tôi thông tin trên trang của Quỹ rằng mật ong của giáo viên trên núi tặng, bán lấy tiền nhập quỹ. Chỉ một lúc mọi người mua ủng hộ hết ngay. Có người gửi 10 triệu đồng cho một lít mật ong. Riêng tiền từ can mật ong đó, đã đủ để sau đó làm bếp cho lớp học của cô Đào”.

Từ món quà đến giá trị -0
Những món quà đặc biệt đối với giáo viên vùng cao.

Đọc xong, tôi nhận ra cái cách tặng quà, cách nhận quà rồi lại trao về cho lớp học vùng cao ấy thật cảm động. 5 lít mật ong rừng chất lượng (như lời cô giáo Đào đã nói là “tự quay được”) không chỉ đọng hương hoa mật ngọt của núi rừng mà còn là thứ mật quý của những tấm lòng yêu trẻ và thật sự trân trọng những nhà giáo đang công tác ở vùng cao.

Những lớp học vùng cao sẽ còn là câu chuyện dài và cần sự nỗ lực từ nhiều phía nhưng ngẫm ra ý nghĩa của những món quà ấy mới đáng để bàn luận. Những món quà hàng ngày xuất hiện trong đời sống, trong ý thức, đôi khi ta nhận ra đâu phải thói quen nào cũng có giá trị. Có những món quà không được bọc trong giấy màu đẹp đẽ, không được gắn nơ hồng nhưng đã và đang được gửi đến với những nhà sư phạm…

Nếu như ngày tri ân những người thầy đã được lưu tâm suốt 40 năm qua thì Internet cũng đã có 25 năm đặt nền móng và phát triển ở Việt Nam (với gần 70 triệu người dùng Internet, với lưu lượng hơn 6.977 Petabyte). Thẳng thắn mà nói, cho đến giờ phút này vẫn sẽ có người đặt câu hỏi: “Internet có phải là một món quà với chúng ta hay đó chỉ là một trò giải trí tốn thời gian?”.

Để tham chiếu, bạn hãy lắng nghe một nhà quản lý giáo dục chia sẻ về câu chuyện này để xem “món quà” công nghệ đã được đón nhận như thế nào: "Sẽ có một bộ phận nhà giáo không thích nghi được, vì thế chúng tôi xác định thành lập nhóm tiên phong trong chuyển đổi số, rồi dần lan tỏa đến nhóm cán bộ chủ chốt. Sau 3 năm thực hiện, cán bộ giảng viên đã hình thành một thói quen làm việc mới rất hiệu quả theo hình thức chuyển đổi số" (Nhà giáo Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, theo Báo Dân trí).

“Nhóm tiên phong” mà thầy Lưu nhắc đến chính là mũi đột phá để thay đổi tư duy, quan niệm trước khi thay đổi quy trình hay thao tác trong công việc cụ thể. Hay nói cách khác, người mở đường chính là bài học cho các đồng nghiệp đi sau. Những người thầy cũng cần một bài học trước khi biến nó thành tri thức để truyền thụ cho thế hệ sau…

Không chỉ các nhà giáo và các ngày kỉ niệm, “món quà” mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta luôn âm thầm và ý nghĩa của nó không đến từ giá thành mà phụ thuộc vào chính bản thân người nhận. Nói về điều này, người viết tâm đắc với đoạn trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Chưa bao giờ, người dân Việt Nam lại được sống trong một đời sống nhiều của cải vật chất như bây giờ. Sự đổi mới và chính sách dân chủ của Đảng đã mang lại cơ hội lớn cho con người Việt Nam trong đó có các nhà văn chân chính và một nền văn học chân chính. Nhưng dân chủ cũng đặt các nhà văn Việt Nam đứng trước những thách thức vô cùng nặng nề. Chính vì thế mà sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và càng phức tạp. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con nguười, của lòng trung thực, của sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này” (theo Vietnamnet). “Lòng trung thực của sự quả cảm” của những người cầm bút, những nhà văn hóa phải chăng chính là bản lĩnh văn hóa để cùng với  tài năng tạo ra món quà về nghệ thuật, tư tưởng tiến bộ dành tặng cho độc giả, cho nhân dân…

chuyển đổi số sẽ là món quà cho giáo dục nghề nghiệp ở việt nam -  nguồn ảnh ảnh n.n-trường cđ nghề công nghiệp hà nội.jpg -0
Chuyển đổi số sẽ là món quà cho giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Nếu quan tâm đến những vấn đề hàng ngày được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến, bạn sẽ ấn tượng với câu nói của Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres: “Chúng ta đang chuẩn bị cho một thế giới với dân số 8 tỉ dân, đầy căng thẳng, ngờ vực, khủng hoảng và xung đột”. Nếu “khủng hoảng và xung đột” là câu chuyện muôn thuở thì “căng thẳng, ngờ vực” lại là điều đáng bàn. Internet đã giúp hơn 7 tỉ người trên trái đất gắn kết, chia sẻ nhưng vì sao sự ngờ vực ấy không giảm đi? Nhà văn Nga Lev Tolstoy từng nói: “Bạn đừng nên chờ đợi những quà tặng bất ngờ của cuộc sống mà hãy tự mình làm nên cuộc sống”.

Cuộc sống ấy là gì nếu không phải chính là niềm vui khi chúng ta vượt khó, tìm thấy hạnh phúc sau cánh cửa thử thách. Gắn kết, trao đổi, cho và nhận đều không quan trọng bằng sự nỗ lực của mỗi người. Có một điều thật nghiệt ngã mà Stephen Grellet: “Tôi chỉ có thể đi qua cuộc đời này có một lần. Vì thế, bất cứ việc tốt nào tôi có thể làm, bất cứ sự tử tế nào tôi có thể cho đi, xin hãy cho tôi được thực thi ngay từ phút này. Đừng để tôi hờ hững hay trì hoãn, bởi tôi không thể sống thêm một lần nữa”. Phải chăng, chính cách sống, cách lựa chọn hướng đi mới là món quà lớn nhất mà bạn dành tặng cho mình.

Trở lại với câu chuyện các cô giáo vùng cao của nhà báo Trần Đăng Tuấn trong bài viết đã nói ở trên (Giá như có thêm một ngày của giáo viên vùng cao), ông không có ý định tặng cho chúng ta một câu chuyện văn chương, thực tại mà ông nhắc đến cũng đâu chỉ là thiếu thốn vật chất, trở ngại về địa hình mà là tình người. Ông kể như thế này: “Tôi nhớ cô giáo cắm bản nơi heo hút, ríu rít nói cười khi có khách đến, rồi khi chúng tôi chuẩn bị đi thì tìm mãi mới thấy cô trốn ra hiên sau khóc, vì chút nữa lại một mình với núi”.

Cô giáo một mình nơi đồi núi hoang vắng để gieo chữ - việc làm khó khăn nhưng chưa bao giờ các thầy cô thấy những năm tháng của mình trở nên vô nghĩa. Họ đã rất hạnh phúc ở nơi gian nan nhất, thử thách nhất vì họ đã không toan tính, vụ lợi và lo âu. Món quà mà các thầy cô cắm bản, các kĩ sư, bác sĩ túc trực ngày đêm, của chị lao công cặm cụi đêm giao thừa và bao người đang âm thầm chính là hạnh phúc trong tâm hồn họ. Món quà lương thiện, an nhiên và vô cùng quý giá. Từ món quà đến giá trị là một bài học về cách sống và sự sống…

Mai Phương
.
.