Từ “cục gạch biết nói” đến văn hóa truyền cảm hứng

Thứ Năm, 13/04/2023, 07:39

Cách đây 50 năm, ngày 3/4/1973, Martin Cooper đứng trên vỉa hè đại lộ ở Manhattan (New York City) thực hiện cuộc gọi di động đầu tiên bằng một thiết bị có kích thước tương đương cục gạch. Ông đã thực hiện cuộc gọi cho Joel Engel (người đứng đầu phòng thí nghiệm Bell Labs thuộc sở hữu của AT&T) với một câu nói đã đi vào lịch sử: “Tôi đang gọi cho anh bằng điện thoại di động, là di động thực sự, điện thoại di động cầm tay" (theo Bảo Lâm- vnexpress.net).

Nửa thế kỉ sau, người phát minh ra thiết bị gắn kết cả thế giới này đã thừa nhận sự phát triển của thiết bị này: “Điện thoại bây giờ đã trở thành một phần mở rộng của con người”. “Phần mở rộng” mà Martin Cooper nhắc đến không chỉ là một thiết bị kết nối; đã “cáo chung” cho những thư từ, điện tín hay thay đổi văn hóa đọc… cũng không chỉ kết nối giữa hai cá nhân với nhau mà tạo ra một kết cấu xã hội khác. Steve Jobs với tập đoàn Apple của mình đã đưa điện thoại thông minh lên một tầm cao mới và trở thành “nhân vật lớn” trên thị trường kinh tế và có tầm ảnh hưởng xã hội.

Năm 2018, Apple từng cam kết góp 350 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ, tạo 20.000 việc làm (trong 5 năm); Theo một vài con số thống kê: “Việt Nam có 53% dân số sở hữu smartphone, đứng thứ 25 trong 39 quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu smartphone nhiều nhất trên thế giới và đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á; hay: “tính riêng 3 tháng đầu năm 2017, người Việt chi tới gần 20.000 tỷ đồng mua smartphone”. (theo Báo Kinh tế Đô thị).

martin cooper đã thực hiện cuộc gọi lịch sử từ cách đây 45 năm-nguồn ảnh báo thanh niên.jpg -0
Martin Cooper đã thực hiện cuộc gọi lịch sử từ cách đây 45 năm.

Có lẽ, từ chiếc smartphone Simon của hãng IBM sản xuất ra mắt năm 1993 tại Hội nghị không dây, ít ai có thể ngờ thiết bị này lại làm được nhiều điều cho xã hội loài người từ giao lưu kết nối; chơi game trực tuyến; trung tâm tri thức; hình thức thanh toán online, tạo việc làm cho nhiều người trên thế giới…

Khác với máy tính, điện thoại thông minh là sở hữu cá nhân như một vật bất li thân, gắn với những quyền riêng tư. Chính điều đó đã góp phần tạo ra xu thế truyền thông cá nhân, thay vì phụ thuộc vào các thiết bị chuyên dụng, đòi hỏi phải đầu tư tốn kém về tiền của hay có sự phối hợp của nhóm. Ngày nay, bạn không chỉ viết các dòng trạng thái mà còn có thể tạo ra các clip ngắn, thu hút không ít người theo dõi với các quan điểm cá nhân.

Nhưng ở chiều ngược lại, thay vì “sử dụng”, “tiện lợi” như trước đây, các nhà khoa học chỉ ra rằng con người ngày nay đang “phụ thuộc” quá nhiều vào chiếc smartphone dẫn đến: lười suy nghĩ, ỷ lại vào công nghệ. Thậm chí, các chuyên gia còn ví điện thoại thông minh như một chất gây nghiện với thuật ngữ: “chất bột kỹ thuật số".

thầy giáo lương anh quang đã truyền đạt kiến thức và hứng thú học tập cho các em học sinh thông qua chiếc điện thoại thông minh-ảnh gddt.daklak.gov.vn.jpg -0
Thầy giáo Lương Anh Quang đã truyền đạt kiến thức và hứng thú học tập cho học sinh thông qua chiếc điện thoại thông minh.

Vậy smartphone có phải là một vật hữu ích, là “kẻ” lợi dụng con người hay “người bạn” đáng tin cậy? Nên nhớ rằng chính điện thoại thông minh đã mang những: Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok… đến cho chúng ta. Khi các ứng dụng này trở thành một phần không thể thiếu, chúng ta bắt đầu có những “nhân vật” mới kiểu như: “bác sĩ tik tok” với vụ việc mới đây ở TP Hồ Chí Minh mà một cô gái bỏ ra số tiền 100 triệu đồng để nâng mũi nhưng lại bị tai biến thẩm mỹ rất nặng.

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu, Anh… là các nước cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị làm việc; cũng không phải tự nhiên mà Google tạo ra dự án có tên là “Envelope” trên chiếc chiếc smartphone “chống nghiện” có tên là Pixel 3A (chỉ để nghe gọi và xem giờ).

Người viết cho rằng, công nghệ, vốn dĩ sinh ra để phục vụ cho mục tiêu, động lực của con người. Nếu bạn có một mục tiêu, một động cơ tích cực, chiếc smartphone sẽ là cánh cửa thần kì để mở ra một thế giới và ngược lại, chiếc điện thoại thông minh sẽ là “bộ não” truyền cảm hứng cho bạn. Một ngày vẫn luôn có 24h nhưng đã thực sự hiệu quả hơn khi có thiết bị này. Công ty viễn thông O2 - Vương quốc Anh công bố ngày 29/6/2012: “54% người dùng điện thoại thay đồng hồ báo thức, 46% thay đồng hồ xem giờ. Còn đối với những ai sở hữu một ứng dụng lịch nhắc việc chuyên nghiệp (S-Planner trên các điện thoại Samsung Galaxy chẳng hạn) thì sẽ yên tâm rằng mình không bao giờ để quên một cuộc hẹn hay sự kiện nào” (theo Minh Kỳ-Báo Thanh niên).

Bản thân chúng ta luôn cần một người bạn thấu hiểu. Sự thấu hiểu đó phải chăng còn đến từ nền tảng AI (trí tuệ nhân tạo) trong các dòng sản phẩm smartphone. Thấu hiểu chính là một văn hóa mới trên nền tảng mới, không những giúp thuận tiện trong công việc mà còn tạo ra sự hưng phấn, sảng khóai về mặt tâm lý. Với sứ mệnh “học hỏi từ người dùng để điều chỉnh Smartphone theo “suy nghĩ”, các AI-bộ não của điện thoại thông minh đang cho chúng ta một bài học về sự lắng nghe, về sự thấu hiểu. Anh Đỗ Duy Thiện, Giám đốc chiến lược nội dung tại Việt Nam, tác giả nhiều đầu sách dịch thuật về quảng cáo chia sẻ: “Đi ngủ với mình, nhắc mình công việc, nhắc mình uống bao nhiêu nước một ngày, giúp mình quản lý chi tiêu, giữ cho mình cảm hứng, cùng mình làm việc và kiếm tiền… Công nghệ có làm mình hạnh phúc hay không là do cách người dùng” (theo Báo Dân trí).

iệc sử dụng smartphone sao cho hiệu quả, tích cực cũng là thách thức với người sử dụng-nguồn ảnh vietnamnet.vn.jpg -0
Việc sử dụng smartphone sao cho hiệu quả, tích cực cũng là thách thức với người sử dụng.

Nếu biết sử dụng đúng hướng, chiếc điện thoại thông minh (nói riêng) và công nghệ (nói chung) sẽ đem lại tiện ích truyền cảm hứng cho bạn trong cuộc sống. Chắc hẳn, chúng ta còn nhớ trong nhũng năm gần đây (nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát) đã có những lớp học online miễn phí như của Thầy giáo Lương Anh Quang (giáo viên Trường tiểu học Ngô Gia Tự, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk). Trong khi đó, người làm nông nghiệp có thể sử dụng hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, bằng điện thoại di động. Dù ở địa điểm nào người dân cũng có thể chủ động trong việc ngăn mặn, trữ ngọt, điều tiết mực nước… hay giúp người già theo dõi sức khoẻ thông qua các ứng dụng Google Fit, Apple Health...

Nhà thơ Allen Ginsberg (một trong những thủ lĩnh của Thế hệ Beat của thập niên 1960 Mỹ) từng nói: “Ai kiểm soát truyền thông đại chúng, người đó kiểm soát văn hóa”. Không thể phủ nhận vai trò của chiếc smartphone trong văn hóa khi nó là cầu nối, là cánh cửa, là cuốn nhật kí mở để chúng ta bộc lộ suy nghĩ của mình thay bằng độc thoại nội tâm. Chúng ta có thể ứng dụng những tiện ích công nghệ, có thể chia sẻ kinh nghiệm sống và lan tỏa những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, văn hóa cũng không thể là sự tự phát, thiếu định hướng và tùy tiện mà dựa trên cơ sở những lợi ích cộng đồng cũng như thuần phong mỹ tục.

Như chúng ta đã biết, mới đây người đứng đầu Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Lê Quang Tự Do đã nêu ra 6 vi phạm của TikTok tại Việt Nam, cụ thể như: xuất hiện nhiều video chứa nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến chính trị; "Có những trend ở nước ngoài tạo thành xu hướng, khi lan vào Việt Nam, chúng tôi yêu cầu TikTok ngăn chặn, nhưng họ không thể, nên đã trở thành trend tại Việt Nam", rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai sự thật, lừa đảo... xuất hiện ngày càng nhiều trên nền tảng này"… đây thực sự là vấn nạn, là mặt trái của công nghệ.

Chiếc điện thoại thông minh đã là “trợ lý ảo”, là “bảo bối” để chúng ta xây dựng một đời sống vật chất và tinh thần. Xét ở phương diện nào đó nó có vai trò quan trọng trong việc hình thành các giá trị văn hóa. Bởi thế, sử dụng nó như thế nào để nó truyền đi những cảm hứng tích cực là một cơ hội và thách thức của mỗi người.

Lâm Việt
.
.