Từ chuyện thú cưng...

Thứ Bảy, 20/04/2024, 10:55

Gần đây, khi lướt mạng xã hội, chúng ta đã quen với hình ảnh một chú mèo Anh, chú chó cảnh con hay rồng Nam Mỹ, chim, chuột hamster, nhím kiểng, rùa... trên sofa, trên cửa sổ, thậm chí trên giường với danh xưng thú cưng. Bắt đầu từ chỗ độc lạ, các loại thú này bước vào đời sống hiện đại của chúng ta, nhất là với người nhàn nhã hoặc độc thân và kéo theo các dịch vụ như bán thức ăn, thuốc, cát vệ sinh, lồng, áo... thậm chí tổ chức cả tiệc sinh nhật.

Ngẫm ra, thói quen nuôi thú cưng có lẽ được tạo cảm hứng từ các bộ phim, nhất là điện ảnh châu Á. Hẳn nhiều người còn nhớ một chú rùa có tên Trầm Mặc trong phim "Hãy nhắm mắt khi anh đến" của Trung Quốc, một chú chó tên là Runie trong phim "Tìm nhà cho boss" của Hàn Quốc. Thậm chí, cách đây một năm, ở Thái Lan, chuỗi rạp Major Cineplex còn khai trương rạp phim thân thiện với thú cưng.

Từ chuyện thú cưng... -0
Cần giáo dục người dân ý thức bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Lê Phong

Theo một con số thống kê ở một quốc gia như Thái Lan với khoảng 39,3% số người tham gia khảo sát cũng cho biết, mỗi tháng họ chi khoảng 1.000 - 2.000 baht (704.000 đồng đến 1,4 triệu đồng) để mua thức ăn cho vật nuôi. Chi phí chăm sóc, làm đẹp mèo, chó trung bình mỗi năm là khoảng 14.200 baht (khoảng hơn 10 triệu đồng). Trong đó, dịch vụ tắm và tỉa lông là phổ biến nhất, chiếm 61% tổng số dịch vụ (theo: Theo Ngô Thị Hồng Phượng/VOH).

Thực ra việc nuôi thú cưng sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như tuần qua không xuất hiện hai thông tin khác nhau nhưng đều liên quan đến chủ đề này. Chú vịt có tên "Bim Bim" đã giúp cô chủ Thùy Trang (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nổi tiếng khắp châu Á. Cụ thể là: “Câu chuyện của nữ sinh nghèo quyết tâm thay đổi cuộc sống và chú vịt Bim Bim đã được Room to Read (tổ phi lợi nhuận của Mỹ mang cơ hội bình đẳng giáo dục cho trẻ em gái trên toàn thế giới) chọn làm thành phim hoạt hình và tài liệu "She Creates Change" (Những cô gái thay đổi thế giới)” (theo: Phan Dương - vnexpress.net). Rõ ràng, từ khi có nút bạc (từ 100.000 người đăng ký), cuộc đời cô gái miền Tây đã thay đổi. Một chú vịt trắng may mắn sống sót từ mớ trứng vịt hỏng đã tạo ra sự khác biệt trong nội dung số để mở ra một trang mới cho cuộc đời cô chủ.

Thú cưng đáng yêu là vậy nhưng yêu thú cưng đến mức nào là đủ? Câu hỏi được đặt ra với nhiều người khi đọc bài báo có tựa đề: "Làm ơn xin đừng đưa chó vào quán xá được không?" của tác giả Bạch Vân (Báo Tuổi trẻ). Trong bài, có đoạn viết: “Chúng tôi không hề ghét chó, mèo. Tôi biết rằng, với người nuôi chó và coi như con, chuyện sinh hoạt, ăn uống chung với chúng là bình thường. Nhưng, khi đến không gian chung hoặc trong những quán xá, có thể nào đừng để chó đi tới đi lui dính lông, vi khuẩn vào thức ăn được không? Đằng sau đó còn là câu chuyện sức khỏe, bởi trong da, lông chó tiềm ẩn trứng giun, virus, vi khuẩn gây bệnh, có thể dẫn đến chết người. Chưa kể, ai cũng nói chó mình hiền, nhưng lỡ chúng nổi hứng ngoạm một cái làm người khác khổ sở vô cùng”.

Ở đây, người viết không có ý định góp thêm một ý kiến vào chủ điểm của tác giả Bạch Vân đã nêu ra mà chỉ nhấn mạnh một điều: Thú cưng đã tạo ra những tình huống đòi hỏi nhận thức của chúng ta lựa chọn giữa lợi ích của từng cá nhân và cộng đồng. Nếu như chú vịt Bim Bim đã thay đổi cuộc đời cô gái Thùy Trang vì sự tò mò thích thú của mọi người: “Những clip Trang đăng tải có sự xuất hiện của Bim Bim luôn nhận nhiều lượt quan tâm của cư dân mạng, đa số đều thích thú trước sự đáng yêu, dễ thương của Trang tương tác với vịt cưng” (theo: Bảo Kỳ - Báo Dân trí), thì ngược lại, việc chiều chuộng thú cưng ở các nơi công cộng không tránh khỏi những hệ lụy ảnh hưởng đến người khác. Đằng sau những yêu cầu về văn minh đô thị hay vệ sinh nơi công cộng đều là câu chuyện của văn hóa. Từ thú cưng thiết lập những quy tắc hành xử chuẩn mực.

Từ chuyện thú cưng... -1
Nhiều bạn trẻ vô tư dẫn chó, mèo vào nhà hàng. Ảnh: Phương Thu

Công bằng mà nói, thú cưng đem lại những lợi ích rất lớn. Những chú chó, mèo, chim, thỏ, rùa... đã vượt ra ngoài giá trị về mặt thực phẩm để tạo ra lợi ích tinh thần. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên Báo Tuổi trẻ, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa chia sẻ: “Thú cưng đem đến lợi ích to lớn cho con người về mặt tinh thần. Trước hết chúng như người bầu bạn - một nhu cầu có ý nghĩa đặc biệt với người già yếu, bệnh tật, căng thẳng, đau buồn, cô đơn. Chúng còn khơi dậy bản năng chăm sóc, lòng yêu thương, sự chấp nhận vô điều kiện ở con người và cả cảm nhận được chữa lành đối với những ai từng trải qua sự kiện đau buồn... Chúng giúp chủ nuôi kết nối, tương tác xã hội khi dắt chúng dạo chơi và tham gia hoạt động cộng đồng, hoặc tâm trạng vui vẻ cùng thú cưng cũng giúp phát triển các mối quan hệ trong công việc và cuộc sống”.

Những ích lợi đó không chỉ giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn mà còn giáo dục cho con trẻ lòng nhân ái, sự bao dung, sự quan tâm. Và, sâu xa hơn nữa là duy trì sợi dây kết nối giữa những cô bé, cậu bé đang sống trên chung cư cao tầng với thiên nhiên, kéo các em ra khỏi thế giới ảo bằng những giá trị thực, biết trân trọng môi trường sống, biết gìn giữ tương lai cho hệ sinh thái...

Nhà văn Elbert Hubbard (1856-1915) từng nói: “Tình yêu lớn lên nhờ sự cho đi. Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là sự yêu thương duy nhất chúng ta giữ được”. Quả thật, tình yêu mà chúng ta dành cho người thân yêu, bạn bè hay ngay cả với động vật, cây cỏ đều cao quý nhưng làm sao để đạt tới giá trị qua cách thể hiện thì lại không đơn giản. Đôi khi, một ý định xuất phát từ trái tim nhưng cách thức thực hiện lại vô tình tạo ra những bất cập.

Mới rồi, khi đọc bài "Mua khỉ thả về rừng", nhà báo Trần Long phân tích: “Cách mà nhiều người dân mua rồi bàn giao cho kiểm lâm, chủ rừng để tái thả trong thời gian qua ít nhiều góp phần cứu sống một số cá thể. Tuy nhiên, thay vì mua bán, một hành vi hồn nhiên phạm luật, người dân có thể chủ động cung cấp thông tin để cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản, tịch thu và xử phạt. Cách làm này không chỉ thực hiện được tâm nguyện giải cứu, mà còn tránh khả năng vi phạm pháp luật, hoặc tiếp tay cho nạn săn bắt trái phép” (theo: vnexpress.net).

Hóa ra, bấy lâu nay suy nghĩ giải cứu đơn giản lại vi phạm pháp luật về buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Không những thế, ngay cả với những loài vật hoang dã (không bị nghiêm cấm), việc mua và thả chúng về tự nhiên cũng vô tình tiếp tay cho một nghề đáng lên án. Khi chúng ta thanh thản vì cứu được những con chim, con thú thì lại là lúc những kẻ săn bắt hả hê vì kiếm được khách hàng và còn muốn bắt lại những con vật đó để bán tiếp.

Phải chăng, cần có một bước tiến mạnh mẽ hơn trong việc vận động, tuyên truyền, giáo dục nhận thức, sẽ đến lúc cộng đồng lên tiếng bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật tự nhiên thay vì nỗ lực và nguồn lực của số ít cá nhân. Khi ấy, không chỉ thú cưng mà những cánh chim trời, thú rừng hay thậm chí là giun đất, trứng, ấu trùng bướm, bọ cánh cứng... sẽ không còn bị truy bắt, tận diện để bảo vệ giới tự nhiên.

Ứng xử với thú cưng (nói riêng), với động vật (nói chung) có những tác động không nhỏ với xã hội chúng ta. Hãy yêu thương, gìn giữ các loài vật một cách khoa học, vệ sinh và tôn trọng sự cân bằng sinh thái trong đó có cả sức khỏe của mình và chính cộng đồng như một nét văn hóa mới...

Lương Việt
.
.