Từ chiếc điện thoại 2G nghĩ về nhân dạng số

Thứ Sáu, 15/03/2024, 07:49

Mấy bữa nay, ai đã có trong túi chiếc điện thoại 2G hẳn sẽ có một kí ức để nhìn lại. Hơn ba mươi năm là một chặng đường dài với "cục gạch", "dế yêu" một thuở và từ chỗ là đỉnh cao công nghệ, đến lúc thất thế, rồi vô tình trở thành kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng phát tán tin rác. Điện thoại bấm phím đơn giản, điện thoại nghe, gọi, nhắn tin đã từng lộng lẫy như thế...

Nhưng, ngày hôm nay, một chàng trai ba mươi tuổi cầm chiếc smartphone sẽ dửng dưng với chuyện của 2G. Đơn giản, với thế hệ Millennials (hoặc Gen Z) có sứ mệnh và áp lực riêng của mình khi đang phải kiến tạo một xã hội số, thiết lập một cuộc sống số để làm sao ở đó vẫn có cây đa, bến nước, sân đình, điệu lý, câu hò, sắc màu thổ cẩm... vẫn tiếp biến được với nhịp sống mới. Một nhịp sống công nghệ ngày càng nhanh gấp, tạo ra những bước ngoặt, những đột phá nghiệt ngã nhưng cũng tạo ra những khoảng lặng để chúng ta cùng hoài niệm. Điều mà người viết muốn nhắc đến là những khoảng lặng sâu lắng và kết tinh giá trị...

9c046df5-760f-4762-86ab-a33058ce2303.jpg -1
Những chiếc điện thoại 2G đã hoàn thành sứ mệnh kết nối của mình.

Kể từ ngày 3/4/1973, khi Martin Cooper công bố chiếc điện thoại di động đầu tiên, chúng ta luôn có cảm giác cuộc sống mất đi sự thân thiện như thư tay, gặp gỡ. Mới đây, tại Trường trung học KTCT ở thành phố Thiruvananthapuram, bang Kerala, đã có buổi ra mắt "Cô giáo AI" Iris. Liệu đây là có phải là thời điểm bắt đầu cuộc chuyển giao giữa người và máy móc hay bắt đầu cuộc giải phóng con người khỏi những gánh nặng để tập trung vào tư duy đỉnh cao?

Những câu chuyện ấy cho chúng ta thấy điều gì? Ngày nay, không còn dừng ở việc kết nối giữa con người với nhau mà đã đến lúc bàn tới một quan hệ khác. Từ đó, đặt ra những câu hỏi về giá trị sống: Con người với trí tuệ nhân tạo như thế nào? Bởi thế, khi AI là chủ đề xuất hiện ở nhiều diễn đàn. Nói như ông Brad Gerstner, Chủ tịch và CEO của Altimeter Capital, đây là thời điểm mà: "Sự hội tụ của AI và Internet hứa hẹn về một thế giới thông minh hơn, kết nối hơn và hiệu quả hơn" (theo vnexpress.net). "Một thế giới thông minh hơn" có lẽ là khát vọng chưa bao giờ nguội tắt với nhân loại. Nhưng, trong hai chữ "thông minh" đó có cả sự tiện ích mà công nghệ mang lại và cả sự lựa chọn tỉnh táo của mỗi người.

Cũng phải nói rằng, chúng ta thường khó tránh khỏi một cảm giác thường thấy trong cuộc sống là: con người bị lấn át bởi công nghệ. Nhà bác học Albert Einstein từng nói: "Nó đã trở nên rõ rệt tới kinh hoàng rằng công nghệ đã vượt xa nhân loại". Nếu nhìn ở một góc độ khác thì tất cả các phát minh sinh ra trên đời đều muốn "đặt con người làm trung tâm". Công nghệ vốn không phục vụ cho các âm mưu vụ lợi và chúng ta tin công nghệ sẽ mang những giá trị nhân văn phục vụ con người.

5d5fe026-1939-4ff3-80d3-25e49ee5fd0f.jpg -0
Cha mẹ cần trao đổi cởi mở với con cái để hình thành nhân dạng số trong tương lai.

Người viết cho rằng, điều quan trọng ở đây là cảm hứng, sự cải tiến nào cũng cần tạo ra cảm hứng cho người sử dụng dịch vụ, thụ hưởng tiện ích. Trong thời đại công nghệ, cảm hứng lan tỏa như một giá trị văn hóa được thừa nhận. Bạn hãy thử tư duy như thế này: Trước đây khi mới xuất hiện các mạng xã hội đơn giản như Blog và giờ là những Facebook, Instagram, TikTok, WhatsApp, Twitter và YouTube... Từ chỗ bị thu hút bởi thế giới ảo một cách phiến diện, con người hôm nay đã tìm cách kết hợp, tìm ra sự hài hòa với thế giới thực. Đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và công nghiệp văn hóa. Mới đây, tỷ phú Bill Gates đã có chuyến du lịch đến thành phố biển Đà Nẵng và để lại nhiều dư âm. Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã nhận xét về sự kiện này: "Đó là một kiểu truyền thông miễn phí, khi Bill Gates tới Việt Nam, những người theo dõi ông ấy cũng dành sự quan tâm nhất định, tò mò sao ông tới đây".

 Lâu nay, cư dân toàn cầu biết đến ông với phần mềm Microsoft đã tạo ra nền tảng cho sự phát triển công nghệ. Khi một nhân vật có tầm ảnh hưởng bởi chính trí tuệ, lòng nhân ái đã lựa chọn sản phẩm nào thì sự lựa chọn đó là một chứng chỉ đáng tin cậy. Khi con người là trung tâm và công nghệ lan tỏa sự tin cậy, liệu lòng tin có tỉ lệ thuận với từng nấc thang công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G... hay không?

Trong thực tế, lòng tin trong thời công nghệ lại không hề đơn giản. Nghiên cứu viên Lang Minh trong bài viết có tên: "Hơn thua trên Facebook" trên vnexpress.net có nhận xét: "Những cuộc chiến ấy dần hình thành nên nhân dạng số (digital persona) của bạn, khiến bạn có xu hướng rơi sâu vào việc nhìn tin tức nào cũng thành chia phe tranh cãi. Những thông tin tự thân (không chứa tính phân cực), dần dần và vô hình, biến mất khỏi bảng tin mạng xã hội của bạn".

"Nhân dạng số" (digital identity hay digital persona) chính là hiện thân của mỗi chúng ta. Chính kiến, hiểu biết, lòng tin tạo ra một "nhân cách số" như thế. Khi deepfake xuất hiện, đến cả diện mạo người gọi đến còn bị đặt trong mối nghi ngờ nói gì đến cuộc gọi âm thanh đơn thuần thời điện thoại "nguyên thủy" 2G. Có phải liệu lòng tin ở nhân cách số đang tỉ lệ nghịch với công nghệ?

Thật ra, tất cả đến từ cách ứng xử, tiếp cận của mỗi người. Phải thừa nhận rằng, đã có giai đoạn chúng ta có những ứng xử với công nghệ có phần duy ý chí và tiêu cực. Đã đến lúc thay chữ tránh, né, cấm bằng những ứng xử mềm mại, tinh tế và hòa hợp hơn.

Tác giả Đức Thiện trên Báo Tuổi trẻ đã nêu 7 lời khuyên cho cha mẹ giúp con sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trong đó có các phương pháp đáng chú ý như: "Thảo luận về an toàn trực tuyến và cách tìm hỗ trợ; Trao đổi với con về công cụ giám sát của cha mẹ và đặc biệt là Cẩn trọng trong trao đổi về bạo lực trực tuyến".

Tác giả viết: "Các bậc phụ huynh không nên phản ứng quá mức nếu con đề cập đến vấn đề con gặp phải trên nền tảng trực tuyến, bao gồm bạo lực trực tuyến, lời lẽ thù địch hoặc nội dung đáng lo ngại. Phản ứng thái quá từ cha mẹ có thể khiến các em e ngại trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ và lời khuyên". Những gì chúng ta cần phải dạy bảo con trẻ cũng chính là giá trị văn hóa vừa được hình thành trong tâm hồn cha mẹ, phụ thuộc vào nỗ lực tích lũy của mỗi người...

a056385f-cb14-441e-9a3f-806fad9d8b7f.jpg -2
Liệu AI có tạo ra một thế giới thông minh hơn cho chúng ta.

Ngày nay, khi ngẫm lại câu nói của nhà triết học người Đức có tên là Albert Schweitzer (1875-1965), chúng ta càng thấy sâu sắc: "Chân giá trị của mỗi người không nằm trong bản thân anh ta, mà nằm ở những sắc màu và đường nét đã trở nên sống động trong người khác". Ấn tượng, sự ám ảnh, niềm tin... chưa bao giờ bị xem thường trong xã hội, dù hình thức kết nối có thay đổi như thế nào, dù chúng ta đã trao quyền cho trí tuệ nhân tạo và vào vai nhân dạng số ra sao.

Suy cho cùng, sẽ chỉ có một cái tên, một bản ngã, một đối tượng chịu trách nhiệm, đó là chính chúng ta. Văn hóa vẫn sản sinh trong những thực tại đời sống, cảnh huống khác nhau chứ không đóng khung, không tự hủy hoại. Chúng ta sẽ còn đón nhận những tính năng cao hơn của công nghệ, đối diện với những thách thức lớn hơn của văn hóa nhưng cũng sẽ tìm thấy cơ hội để làm giàu thêm cho đời sống tinh thần của mình.

Từ biệt một nền tảng công nghệ, khép lại một trang đầy kí ức để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn từ chính sự tinh tế và sâu sắc của tâm hồn và nhân cách của chúng ta...

Phương Việt
.
.