Từ bản quyền nhìn lại chuyện cấp phép

Thứ Tư, 02/08/2023, 12:04

Trước khi show diễn đình đám Born Pink diễn ra chỉ 1 tuần, Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) đã gửi thư tới Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và đơn vị tổ chức là Công ty TNHH Âm nhạc IME với cảnh báo “Trong trường hợp giấy phép bản quyền âm nhạc không được cấp trước khi diễn ra chương trình, đề nghị IME ngừng biểu diễn các tác phẩm âm nhạc thuộc kho tác phẩm của KOMCA”.

Trong bức thư này, KOMCA cũng khẳng định tính chính danh về pháp lý của VCPMC khi khẳng định “Bằng lá thư này, KOMCA xác nhận một số khía cạnh mà KOMCA ủy quyền cho VCPMC theo thỏa thuận song phương giữa KOMCA/VCPMC. Thỏa thuận này được ký kết ban đầu giữa KOMCA và VCPMC vào ngày 1/5/2009”.

Lá thư trên gây sốt mạng xã hội được một thời gian rất ngắn bởi sau đó mọi chuyện đều được giải quyết ổn thoả nhằm mục đích show diễn sẽ được tổ chức suôn sẻ nhất. Có người đã đặt ra câu hỏi đại ý rằng “tại sao có những bài do thành viên nhóm Black Pink sáng tác mà khi họ trình diễn vẫn phải nộp tiền bản quyền?”.

Trả lời câu hỏi này không khó. Nhạc mục của đêm diễn gồm cả những bài do các tác giả khác sáng tác và ngay cả ở các sáng tác của thành viên nhóm Black Pink cũng vẫn có liên quan đến phần sở hữu trí tuệ của những tác giả khác như nhạc sĩ phối khí là một ví dụ điển hình. Và một khi các tác phẩm ấy đã được uỷ quyền quản lý khai thác cho KOMCA, KOMCA sẽ yêu cầu truy thu các phát sinh ở bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào mà ở đó họ có đối tác hợp tác về sở hữu trí tuệ.

VCPMC là một đơn vị đã ký kết rất nhiều hợp đồng khai thác với nhiều tổ chức trên thế giới dạng như KOMCA. Do đó, khi tác phẩm của tác giả Việt Nam được khai thác ở nước ngoài, hoặc ngược lại, tác phẩm của tác giả ngoại quốc được khai thác ở Việt Nam, các đơn vị kiểu như VCPMC, KOMCA sẽ đại diện truy thu các khoản bắt buộc liên quan đến quyền lợi của các bên liên quan.

Nhưng câu chuyện bản quyền kể trên thực tế chỉ là phần nổi của vấn đề nên được đặt ra ở đây. Đó chính là câu hỏi “Tại sao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội lại có thể cấp phép biểu diễn cho Công ty TNHH IME một cách nhanh chóng như thế khi mà đối tác này chưa hề có các chứng từ chứng minh họ đã nộp các khoản phí liên quan tới bản quyền?”.

Theo đúng như trình tự cấp phép tổ chức biểu diễn vẫn được thực hiện từ trước tới nay, trong hồ sơ nộp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa phương diễn ra sự kiện, đơn vị tổ chức phải cung cấp được đầy đủ các văn bản giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, rất nhiều chương trình suốt nhiều năm qua đã thường được cấp phép nhanh mà chưa có chứng từ bản quyền cũng như đăng ký ấn chỉ. Chính vì thế, tình trạng đêm diễn đã hoàn tất rồi mà bản quyền chưa được thanh toán đã gây cho VCPMC nhiều khó khăn trong việc truy thu trong khi cơ quan thuế chỉ nhận được các báo cáo vào cuối năm với số liệu về phát hành vé là không chính xác.

Trong các trường hợp linh động, nhất là các trường hợp liên quan đến giao lưu quốc tế, việc cấp phép nhanh cho thấy sự ủng hộ nhiệt tình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, sự nhiệt tình ấy cần được đáp lại từ các đơn vị đáng tin cậy và nghiêm túc thực hiện. Với các đơn vị mới thành lập và mới tổ chức lần đầu ở Việt Nam như Công ty TNHH Âm nhạc IME, việc cấp phép nhanh (diễn ra trước gần 1 tháng) mà không có cam kết về chi phí bản quyền cũng như đăng ký ấn chỉ có lẽ là hơi vội vàng. Cũng nhân trường hợp này, có lẽ, các đơn vị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương cũng cần thắt chặt lại hơn trình tự cấp phép để các đơn vị tổ chức biết đi vào quy củ thực hiện đủ và đúng các nghĩa vụ của mình.

Văn Đoàn
.
.