Trí tuệ và trách nhiệm
Sau nhiều lần tìm hiểu, người viết cho rằng: mọi cuộc tranh luận về tương lai của AI suy cho cùng không chỉ làm sáng rõ giới hạn của công nghệ mà còn giúp định nghĩa lại những quan niệm cũ. Một định nghĩa mới ra đời sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi: Sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ liệu có thể tạo ra mối quan hệ mới trong xã hội con người đã trải qua hàng ngàn năm?
Trong một bài viết có nhan đề: Khi trí tuệ nhân tạo làm những điều không tưởng”, tác giả Ngô Di Lân (nghiên cứu sinh, tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Brandeis - Mỹ) cho rằng: “Khi đó tôi e rằng việc sử dụng công nghệ trong cuộc sống không còn là một lựa chọn nữa mà sẽ là một điều bắt buộc. Chúng ta sẽ phải trở thành những "nhân mã" đúng nghĩa. Nói cách khác, con người sẽ phải học cách san sẻ bớt trách nhiệm cũng như công việc cho trí tuệ nhân tạo, và qua đó vô tình tạo ra một cách định nghĩa mới về hai chữ "con người" (theo Báo Dân trí).
Điều đáng nói nhất trong đoạn văn này là chuyện “con người sẽ phải học cách san sẻ bớt trách nhiệm cũng như công việc cho trí tuệ nhân tạo”. Hãy thử điểm lại chặng đường phía trước: Nếu như từ thế kỉ XVIII, những nhà sáng chế như James Watt, George Stephenson đã chế tạo và phát triển động cơ bằng hơi nước để san sẻ công việc cho con người thì đến cuộc cách mạng lần thứ 4 này khái niệm “trách nhiệm” của công nghệ mới được đặt ra. Thay vì tác dụng, hiệu quả, trợ giúp là trách nhiệm. Có điều, nội hàm của trách nhiệm ấy như thế nào? AI có chịu trách nhiệm về những gì được uỷ quyền hay không thì cần phải phân tích kĩ càng.
Người viết chỉ bàn đến một vài khía cạnh cụ thể của trách nhiệm này ở ý thức và cách thực hiện với mỗi người chúng ta. Lâu nay đang có những bất cập liên quan tới khái niệm “những vấn đề rối rắm” (Wicked Problems) đặt ra trong cuộc sống. Khái niệm này thường được hiểu là “theo nghĩa là sẽ không có giải pháp, hoặc chỉ có giải pháp tạm thời” trước một vấn đề nào đó đang thách thức từng cá nhân cũng như cộng đồng, xã hội.
Xin lấy một ví dụ cụ thể: Trong một bài viết của mình trên Vnexpress.net, chuyên gia chính sách công Trần Hương Giang đã phân tích về biến đổi khí hậu dưới góc nhìn như thế này: “Cách hành xử đúng chuẩn mực đối với môi trường không nên chỉ dừng lại dưới dạng phong trào hay được xem như một lối ứng xử đẹp, đáng ngưỡng mộ mà cần được chuyển thành một nếp sống cơ bản, đại trà mà mọi công dân, tổ chức đều thực hiện như điều hiển nhiên”.
Ở đây có sự kết hợp, đan xen giữa trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và ứng xử. Hàng ngày, người dân không thể chỉ “uỷ quyền” cho cơ quan chức năng theo kiểu tư duy “anh ăn lương rồi thì anh phải làm sao cho môi trường xanh, sạch, đẹp”. Ngược lại, các tổ chức cũng không thể chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức mà cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Như thế có nghĩa là lợi ích của nhóm này chính là trách nhiệm của nhóm kia, sự uỷ thác, trông cậy chỉ mang tính tương đối, thay vào đó cần sự hợp tác, hỗ trợ.
Người viết kể hai câu chuyện về mối quan hệ giữa con người với con người và con người với AI ở trên để muốn nói rằng: Giữa trí tuệ và trách nhiệm có một mối quan hệ thật đặc biệt trong cuộc sống hôm nay. Mối liên quan đó không chỉ đặt ra trong lĩnh vực công nghệ mà còn mang những yếu tố văn hóa, chi phối đến sự phát triển xã hội ở cách mà chúng ta lựa chọn.
Mới đây, mạng xã hội Facebook chia sẻ bộ ảnh cưới mà “chú rể là "anh nuôi" của hàng nghìn em nhỏ vùng cao": Trung úy Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sơn La, anh đã chia sẻ: “Bộ ảnh cưới được tôi thực hiện vào giữa tháng 10. Tôi mới đăng lên Facebook cách đây 2 hôm để cảm ơn bạn bè và người thân. Đặc biệt, tôi muốn truyền tải thông điệp là các em nhỏ, người dân vùng cao đã gắn liền với công việc, cuộc sống của tôi nhiều năm nay". Điều đặc biệt trong câu chuyện này chính là một cách thực hiện trách nhiệm của người sĩ quan trẻ tuổi. Anh không tô hồng, không quảng bá cho công việc của mình để nổi tiếng mà thực sự anh Dương Hải Anh đã nhận ra những giá trị thực sự trong công việc hàng ngày, trong địa bàn công tác và vị thế của mình trong xã hội.
Chuyện một người phải “mỹ lệ hóa”, phải “trang trí” cho cuộc sống của mình cũng đâu có gì đáng chê trách bởi sự lãng mạn, sự mỹ lệ cũng sẽ đem lại cảm hứng, tạo ra động lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn nhận ra giá trị trong chính môi trường sống, trong công việc thì đó cũng là khi bạn thực hiện trách nhiệm của mình một cách linh hoạt. Lâu nay, quyền lợi thường khiến người ta vui vẻ, trách nhiệm thường làm chúng ta thấy áp lực nặng nề. Hẳn là sẽ không ít người khi đăng ảnh trên trang cá nhân, khi chụp ảnh cưới phải sống ảo hơn, phải né tránh thực tại đầy áp lực ấy bằng một thế giới ảo khác. Background sẽ nói lên đẳng cấp, ước mơ của bạn. Vâng, không ai có thể phủ định nhưng nếu bạn biết yêu chính background hàng ngày của mình thì bạn đã có một trách nhiệm hạnh phúc.
Nhìn rộng ra, thứ trách nhiệm ấy nhiều khi không thể phó mặc mà còn phải được thực hiện tốt bằng cái tâm của mình. Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên từng nhận định: “Điểm chung của các doanh nhân là họ đều có khát khao giúp phát triển đất nước”. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua một ví dụ cụ thể: “Vingroup đã góp phần vào phát triển các đô thị hiện đại, nâng cao chất lượng sống của người dân hay hiện thực hóa giấc mơ sản xuất ô tô của người Việt, thậm chí cạnh tranh ở nước ngoài. Tập đoàn Thaco đã tạo ra một tổ hợp sản xuất tầm cỡ thế giới với hàng loạt thương hiệu ô tô. Các tập đoàn xây dựng Sungroup, Novagroup đã phát triển hàng loạt các khu các đô thị hiện đại, các khu nghỉ dưỡng để thu hút khách quốc tế. FPT đã vươn ra những thị trường cạnh tranh nhất về công nghệ như Mỹ, EU, Nhật Bản. Tập đoàn kinh tế Nhà nước như Viettel vừa chiếm lĩnh thị trường trong nước, vừa vươn ra nước ngoài” (theo Báo điện tử Vietnamnet).
Ở đây, không chỉ là câu chuyện của kinh doanh, chuyện chiếc xe ô tô của người Việt cạnh tranh với xe của các nước phát triển mà đó còn là việc tạo ra hiệu ứng về tâm lý: Doanh nghiệp Việt đã hướng tới, đã có trách nhiệm với người Việt. Trách nhiệm với người tiêu dùng cũng là trách nhiệm với dân tộc.
Trong một thời đại phát triển bằng công nghệ, trí tuệ con người trở thành một trong các chủ đề được bàn luận nhiều nhất. Có nhận định cho rằng: “Khả năng ra quyết định: Trí tuệ con người có thể học cách ra quyết định từ kinh nghiệm. Với trí tuệ nhân tạo thì ngay cả những phát minh tiên tiến nhất cũng không thể so sánh được khả năng quyết định của một trẻ em”. Vậy là đằng sau trí tuệ còn cần một điều quan trọng hơn, đó là khả năng đưa ra quyết định cũng chính là chính kiến của con người.
Đúng như lời Phó giáo sư Jon Lindsay (Trường An ninh mạng & Quyền riêng tư và Trường Quan hệ Quốc tế Sam Nunn) và Giáo sư Avi Goldfarb (Đại học Toronto) từng nhận định: “Máy móc rất giỏi trong việc dự đoán, nhưng chúng phụ thuộc vào dữ liệu và khả năng phán đoán, thế nhưng những vấn đề khó khăn nhất trong chiến tranh là thông tin và chiến lược. Những điều kiện khiến AI hoạt động được trong môi trường thương mại là những điều kiện khó đáp ứng nhất trong môi trường quân sự vì tính không thể đoán trước của nó” (theo Báo Tổ quốc).
Biết lựa chọn đúng sai, biết đưa ra quan điểm, đó chính là thứ trách nhiệm cao cả nhất mà chúng ta không thể “ủy quyền” cho bất cứ ai, bởi các quyết định ấy còn phụ thuộc vào lập trường, tư tưởng, vốn văn hóa, xã hội của mỗi người…