Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt

Thứ Năm, 09/06/2022, 15:28

Nhân dân tin tưởng vào việc triển khai mô hình Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực tế sẽ được cụ thể hóa bằng những chương trình hành động, cách làm cụ thể, nghiêm minh với tinh thần mạnh dạn, sáng tạo, quyết tâm nhằm đạt mục tiêu từng bước tiến tới hạn chế, triệt tiêu hành vi, mầm mống tham nhũng, tiêu cực đúng với kỳ vọng của Ðảng, của nhân dân.

Kết thúc Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bàn và thống nhất rất cao với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngày 2-6-2022, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngay sau khi có chủ trương và quy định của Trung ương, Thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa đã thành lập được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đảng ta đã xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong bối cảnh tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn chưa bị đẩy lùi, thì chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện quyết tâm cao hơn trong việc loại ra khỏi đảng những phần tử tha hóa, biến chất. Đây chính là tiền đề, là điều kiện phát triển kinh tế - xã hội được tốt hơn.

biểu quyết thông qua nghị quyết hội nghị t.ư 5 khóa xiii về việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.jpg -0
Biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Thực tế cho thấy sau gần 10 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, từ đó đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã có những bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương vi phạm đến đâu, xử lý đến đó, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp nào”. Những thành quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Mặc dù kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đạt được là rất quan trọng, song công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều ngành, nhiều địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong cuộc chiến với “giặc nội xâm”. Bởi vì lâu nay câu chuyện “cục bộ”, “địa phương chủ nghĩa” bao bọc cho nhau đã từng diễn ra. Một số vụ việc sai phạm mặc dù nghiêm trọng, song chỉ phê bình rút kinh nghiệm, xử lý hành chính, kỷ luật cán bộ còn nương nhẹ, chưa đủ sức răn đe, gây bức xúc trong nội bộ, cũng như dư luận xã hội; công tác tự kiểm tra còn yếu, phê bình và tự phê bình còn nể nang, né tránh... Nhiều vụ án, vụ việc Trung ương phải vào cuộc chỉ đạo, đôn đốc thì mới làm, thậm chí phải yêu cầu thanh tra, kiểm tra lại và trực tiếp xử lý với mức kỷ luật cao hơn so với mức đề xuất của cơ sở.

Chính vì vậy, muốn chống tham nhũng triệt để và thành công hơn nữa thì những mô hình, định hướng cần phải được tiếp tục triển khai sâu rộng, toàn diện, lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương. Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo được sự liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng từ sớm, từ xa. Khi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được làm tốt ở các địa phương thì càng tăng thêm hiệu quả, uy tín cho Trung ương. 

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".

Nhân dân tin tưởng vào việc triển khai mô hình Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực tế sẽ được cụ thể hóa bằng những chương trình hành động, cách làm cụ thể, nghiêm minh với tinh thần mạnh dạn, sáng tạo, quyết tâm nhằm đạt mục tiêu từng bước tiến tới hạn chế, triệt tiêu hành vi, mầm mống tham nhũng, tiêu cực đúng với kỳ vọng của Ðảng, của nhân dân.

Cù Tất Dũng
.
.