Tránh những cạm bẫy trên Internet và mạng xã hội

Thứ Tư, 02/08/2023, 12:01

Internet và mạng xã hội ngày càng thể hiện được giá trị và tầm quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng, đặc biệt là giới trẻ. Không ai có thể phủ nhận được những tiện ích mà Internet và mạng xã hội mang lại: Cung cấp nguồn thông tin, kho kiến thức khổng lồ, mở ra thế giới giải trí, kết nối bạn bè, học tập, mua sắm trực tuyến và cả việc kiếm tiền từ Internet.

Lợi ích mà phương tiện đem đến cho con người là không bàn cãi. Tuy nhiên, sự vật, hiện tượng nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, Internet cũng như mạng xã hội cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cũng chính vì đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của những người sử dụng cho nên dần dần, người sử dụng sẽ dễ dàng bị lệ thuộc, giảm kết nối, tương tác trực tiếp, suy giảm sự sáng tạo, dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân... Nhưng điều nguy hiểm nhất là rất nhiều “cạm bẫy” trên không gian mạng và những “góc khuất” rất đáng để chúng ta phải quan tâm giải quyết.

tội phạm mạng là loại tội phạm phổ biến và nguy hiểm trong thời đại internet bùng nổ.jpg -0
Tội phạm mạng là loại tội phạm phổ biến và nguy hiểm trong thời đại Internet bùng nổ.

Nick chat, Blog, Zalo, Facebook, Email… đó là những phương tiện phổ biến để liên lạc, chia sẻ thông tin, trao đổi công việc, làm quen… trên Internet và mạng xã hội. Những phương tiện đó đã khiến mọi người có thể rút ngắn được khoảng cách địa lí, giao lưu kết bạn được với nhiều người hơn. Nhưng cũng vì những thuận tiện đó mà nó cũng đã bị nhiều kẻ xấu lợi dụng.

Việc tham gia mạng xã hội, đăng ký để tạo tên tài khoản đăng nhập hay truy cập vào là điều kiện bắt buộc, nhưng vẫn còn có người khi đăng ký tham gia mạng xã hội không lường trước được hậu quả của việc vô tình tiết lộ bí mật đời tư hay tiết lộ những thông tin cá nhân để cho những kẻ xấu dễ dàng tiếp cận, làm quen. Bên cạnh đó, việc thường xuyên lên mạng để khoe gia đình giàu có, khoe đồng hồ đắt tiền, túi xách hàng hiệu, xe hơi giá triệu đô, những bữa tiệc xa hoa... Chính điều đó vô tình biến mình thành “con mồi” của những kẻ có mục đích lừa đảo. Thực tế đã có không ít người “sập bẫy” thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, dẫn đến mất tiền oan.

Thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang liên tục gia tăng, diễn biến phức tạp trên môi trường mạng. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư, quảng cáo “việc nhẹ, lương cao”, gửi tin báo trúng thưởng, đăng ký nhận quà, chuyển tiền cấp cứu con bị tai nạn... tinh vi hơn cả là các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi video với hình ảnh, khuôn mặt giả mạo để lừa đảo nạn nhân.

Mới đây nhất, vào ngày 22/7/2023, Công an huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận thông tin trình báo của bà Nguyễn Thị Nhị, ngụ tại thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai về việc bà bị lừa đảo mất hơn 2 tỷ đồng thông qua hình thức đăng ký nhận quà trên mạng xã hội. Với chiêu tặng quà qua Facebook, một nhóm 4 người thay nhau bày trò, dẫn dụ suốt 3 ngày để bà N. chuyển tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng vào tài khoản, sau đó các đối tượng đồng loạt “biến mất”.

Hiện tại, Công an các địa phương trong cả nước đều tiếp nhận khá nhiều vụ trình báo bị lừa đảo qua mạng, nhưng rất ít kẻ lừa bị sa lưới. Bởi những kẻ giấu mặt điều hành các đường dây lừa đảo qua mạng hầu hết là ở nước ngoài, khi lừa xong chúng chỉ cần khóa tài khoản thì coi như vô phương tìm kiếm.

Bộ Công an đã liên tục đưa ra cảnh báo nhận diện các phương thức, thủ đoạn lừa đảo và cách phòng ngừa với loại lừa đảo này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tự học cách phòng, tránh để mình trở thành một người dùng mạng thông minh, tránh bị "sập bẫy" kẻ xấu. Trong đó, cần trang bị 3 kỹ năng cơ bản, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Ðó là: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng, trừ khi biết chắc thông tin được sử dụng có kiểm soát, chỉ cung cấp thông tin cho cá nhân, tổ chức tin tưởng; Sử dụng mật khẩu an toàn để bảo vệ tài khoản trên mạng; Chủ động nâng cao kiến thức bảo mật, cập nhật tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật, học cách phòng ngừa, sử dụng công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và chống đánh cắp thông tin, cũng như thường xuyên cập nhật các tình huống lừa đảo trên mạng để phòng tránh, hạn chế tối đa rủi ro.

Cù Tất Dũng
.
.