Trân trọng sự sáng tạo để phát triển văn hóa

Thứ Bảy, 09/12/2023, 11:07

Cùng hơn 20 nhà thơ đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải lần thứ VIII với chủ đề "Thơ trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI)" (diễn ra từ ngày 2 đến 5/12/2023) tại Trung Quốc, nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Chủ biên trang web Vanvn.vn đã nói về sự phát triển của thơ Việt và vai trò quan trọng của thơ 1-2-3 trong đời sống sáng tạo thi ca nước ta hiện nay.

"Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Thế nhưng AI không thể thay thế được tâm hồn con người. Mà thơ là tiếng nói của tâm hồn. Vì vậy, AI chỉ có thể là công cụ giúp ích cho nhà thơ trong đời sống thường nhật, chứ không thể thay thế tiếng nói đặc sản riêng từ tâm hồn nhà thơ. Chẳng hạn, thể thơ 1-2-3 mới xuất hiện và lan tỏa ở Việt Nam là kết quả mấy mươi năm nghiên cứu, sáng tạo, kết tinh từ tâm hồn con người chứ không máy móc nào sáng tác ra được" - nhà thơ Phan Hoàng cho hay.

Như chúng ta đã biết, thể thơ 1-2-3 là thể thơ ngắn gọn, chỉ có 6 câu thơ chia làm ba khổ (kể cả nhan đề), mỗi câu tối đa từ 11 đến 13 chữ. Về cơ bản, thể thơ này không hiệp vần chặt chẽ như các thể thơ truyền thống, không bị ràng buộc bởi các phép tắc tu từ, ngắt nhịp… nên người viết thoải mái hơn trong trình bày ý tưởng và sử dụng ngôn từ. Cho nên, đây là thể thơ khá mới mẻ với công chúng nước ta.

Trân trọng sự sáng tạo để phát triển văn hóa -0
Văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện con người Việt Nam - ảnh TTX.

Trong đời sống, gần như cái gì mới thì cũng cần có thời gian để đi vào cuộc sống. Thơ ca cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, dù mới lạ nhưng trên các diễn đàn văn học của nước ta gần đây cũng đã xuất hiện những tác phẩm thuộc thể thơ 1-2-3 này.

Chẳng hạn bài thơ sau đây của tác giả Lưu Minh Hải:

Sao phải sống bằng cuộc đời người khác

Con ong sống đời ong đam mê hút tìm mật
mối sống đời mối chăm chỉ đắp lâu đài

Nhiều con người sống bằng cuộc đời người khác
bỏ bản thể, tâm hồn… cầu cạnh lợi danh
đánh đổi mình mà không giá trị như loài ong loài mối

Hay như nhà thơ Phan Thảo Hạnh với bài sau đây:

Nghe tiếng chuông chùa ở nơi xa

Chờ hết mùa thu anh mới về nhà
Cây xoan rụng lá cây đào đơm nụ nở hoa

Anh chờ giông bão đi qua con chim bay về trú ngụ
Chờ nghe chuông chiều nhắc nhủ
Anh lặng lẽ về trong tiếng mẹ ru

Những bài thơ này hay thể loại thơ 1-2-3 này hay/dở thế nào thì xin để cho công chúng yêu thơ và các nhà lý luận. Vấn đề là thể thơ này và nhiều thể thơ khác nữa đã và đang làm đa dạng thêm, phong phú thêm cho đời sống văn nghệ nước nhà.

Ở một đất nước mà tự do sáng tác, tự do sáng tạo không được tôn trọng thì mọi sự sáng tác… hẳn sẽ phải bó buộc trong các khuôn phép, trong những sự rập khuôn, khó hy vọng có những đột phá. Cho nên, sự du nhập hay sáng tạo của những thể loại văn học nghệ thuật nói chung, mà thể thơ 1-2-3 là một ví dụ, cho thấy trong đời sống của nước ta, việc tự do sáng tác, tự do sáng tạo là điều có thật, không phải bàn cãi. Dĩ nhiên, mọi sự tự do đều phải có giới hạn, ở quốc gia nào cũng vậy.

Trở lại với chủ đề "Thơ trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI)", nhà thơ Phan Hoàng đã nói ra một ý hay, rằng "thể thơ 1-2-3 mới xuất hiện và lan tỏa ở Việt Nam là kết quả mấy mươi năm nghiên cứu, sáng tạo, kết tinh từ tâm hồn con người chứ không máy móc nào sáng tác ra được". Thơ ca mà sản xuất được hàng loạt như sản phẩm công nghiệp, không kết tinh từ tâm hồn con người, thì khó để có được những tinh chất thực thụ chỉ sản sinh ra từ con tim biết thổn thức trước những nỗi niềm nhân thế, để gánh vác được sứ mệnh "vị nhân sinh".

Ở nước ta, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta xác định rất rõ vị trí vai trò của văn học nghệ thuật đối với xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích mọi sự sáng tạo, tôn trọng sự tự do sáng tác của các cá nhân, để từng bước xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Tinh thần này được thể hiện tập trung trong nhiều nghị quyết. Trong đó có Nghị quyết 05 của Bộ chính trị khóa VI, được phát triển toàn diện và sâu sắc trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; Nghị quyết 23 của Bộ chính trị khóa X và Nghị quyết Trung ương 9 - Khóa XI và gần đây là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 Thông qua các nghị quyết này, Đảng ta xác định văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh cho các thế hệ người Việt Nam.

Lương Duy Cường
.
.