Trách nhiệm của nhà quảng cáo

Thứ Bảy, 06/11/2021, 15:07

Nếu mở những nội dung YouTube nhiều người xem, ở các kênh nhiều người đăng ký, không khó gì để chúng ta chạm mặt các quảng cáo nhãn hàng được chèn vào. Bên cạnh đó, ở những nội dung văn bản (text) của nhiều KOLs trên Facebook cũng khá thường xuyên xuất hiện các bài đăng mang tính PR cho một sản phẩm nào đó. Tất cả cũng chỉ là các giao dịch thông thường phù hợp nhu cầu thời đại. Nhưng chúng sẽ trở nên bất thường nếu quảng cáo được đặt ở những kênh, tài khoản thường xuyên cung cấp nội dung gây bất ổn xã hội.

Thực tế, cộng đồng sẽ luôn tồn tại những bức xúc cho dù xã hội có tiến bộ đến đâu đi nữa. Việc này sẽ dẫn tới chuyện có những nhân vật lợi dụng bức xúc này để tung ra các thông tin sai lệch, thiên kiến để xách động nhằm lôi kéo lượng theo dõi. Có thể nói, ở thời đại thông tin, lượng theo dõi là một tài sản lớn có thể mang lại cho chủ nhân các tài khoản trên mạng rất nhiều lợi ích về tài chính. Bởi thế, lợi dụng bức xúc chung, lập lờ khoác tấm áo “cảm xúc nhân dân”, lạm dụng quyền tự do ngôn luận để khai thác tài nguyên này nhằm trục lợi đã trở thành phương châm hành động của không ít nhân vật đình đám.

Trước những nội dung mang tính kích động, gây hỗn loạn xã hội và nhiều khi là chống phá Nhà nước kiểu này, mỗi người rất cần sự tỉnh táo để phân tích thật giả. Nhưng các nhà quảng cáo thì dường như đang cố tình tảng lờ nghĩa vụ phân tích này. Họ chỉ quan tâm đến tầm ảnh hưởng của một tài khoản, kênh dựa trên số lượng người theo dõi cũng như lượt xem, nghe, đọc…

Cách đây khoảng 5 năm, nước Anh và một loạt quốc gia EU đã yêu cầu các nhãn hàng không hợp tác quảng cáo trên các nội dung phi đạo đức xã hội và gây kích động hận thù. Các chính phủ cũng mạnh tay với Google và Facebook khi quy trách nhiệm trực tiếp trong việc đặt các quảng cáo trong các nội dung được xem là phản động. Họ chủ yếu lập luận dựa trên cơ sở việc quảng bá phục vụ kinh doanh và thực hành kinh doanh trên các nội dung đi ngược lại lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia là hành vi phi đạo đức. Sau chiến dịch ''bàn tay sắt'' này của Anh và EU, hàng chục nhãn hàng lớn đã tạm thời chấm dứt quảng cáo với Google và Facebook cho tới khi hai nền tảng này phải rà soát lại nội dung đăng tải từ người dùng.

Ở Việt Nam, hoạt động quảng cáo trên các nền tảng hiện đại như Facebook, YouTube… không phải là mới. Việt Nam bắt kịp khá nhanh so với xu hướng chung trên thế giới. Nhưng kiểm soát nội dung gắn quảng cáo lại chưa bao giờ được các nhãn hàng xem trọng. Các chủ kênh, tài khoản chuyên cung cấp nội dung không lành mạnh vẫn kiếm rất nhiều tiền từ các nền tảng này, dùng nó để tái đầu tư sản xuất nội dung. Như một vòng lặp, số lượng nội dung xấu vì thế càng ngày càng nhiều, càng gây nhức nhối.

Đối với những nội dung mang tính chống phá, trách nhiệm của nhà quảng cáo còn lớn hơn nữa, bởi ngoài trách nhiệm đạo đức kinh doanh còn là cả trách nhiệm chính trị theo đúng tinh thần pháp luật. Đặt quảng cáo ở các kênh chống phá này, phải chăng chính các nhãn hàng đã tiếp tay cho hành vi lợi dụng nhân dân, giả danh chính nghĩa để trục lợi và phá hoại an ninh trật tự xã hội?

Đó là một câu hỏi mà bất kỳ nhà quảng cáo nào cũng phải tự trả lời ngay lúc này và tự tìm giải pháp phù hợp nhất.

Văn Đoàn
.
.