Trả lại vỉa hè cho những con phố

Thứ Năm, 09/03/2023, 10:38

Mới đây, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn năm 2023. Đây không phải là lần đầu chính quyền quyết tâm lập lại trật tự, giành lại vỉa hè cho những bước chân của cư dân Thủ đô, của du khách.

Thực ra những chuyện liên quan đến ý thức của người Việt thường khá phức tạp bởi ít nhiều vẫn có một lằn ranh giới mơ hồ giữa cái lý và cái tình theo kiểu “cài răng lược”. Nghĩa là, khi vui vẻ thì cái lí có thể lui một bước, còn khi đã hết bình tĩnh và kiên nhẫn, cái lý có thể quyết liệt đến mức cay nghiệt.

trả lại vỉa hè cho những tâm hồn-ảnh báo hà nội mới.jpg -0
Vỉa hè là tâm hồn của phố.

Nói đến vỉa hè, người ta nghĩ ngay đến một người xứ Bắc từng rất quyết liệt đó là ông Đoàn Ngọc Hải (khi còn làm Phó Chủ tịch Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Không biết, khi tuyên bố đanh thép: “Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”, người đàn ông quê gốc Thanh Trì, Hà Nội ấy có mang trong lòng những kí ức và xúc cảm về một Hà Nội thời còn xe đạp, tàu điện leng keng, hàng quán thưa thớt, vỉa hè thông thoáng như một mảnh tâm hồn. Một thời vỉa hè nên thơ mà khi bước chân ra Hà Nội, nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn đã viết: “Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ/Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”.

Đâu chỉ có trong nhạc Trịnh, vỉa hè từng mỹ lệ như một địa danh lưu giữ bao kỉ niệm. Mùa hè thì có: “Hoa phượng tháng năm rơi đầy vỉa hè/ Rụng xuống trên vai người thầy học cũ” (Đỗ Trung Quân).

Nhưng thực ra, câu chuyện vỉa hè lâu nay không mỹ lệ, êm đềm như thế. Chẳng rõ, có phải từ lúc cái ông Công xứ người Pháp có tên là Bonnal cho xây dựng vỉa hè đầu tiên ở phố Hàng Khảm (bao gồm Tràng Tiền, Hàng Khay ngày nay) vào năm 1885, rồi đến ông Paul Doumer (yêu cầu Tòa thị chính phải lát vỉa hè trước hết ở các phố Tây: Gambetta (Trần Hưng Đạo), Carreau (Lý Thường Kiệt), Bobillot (Lê Thánh Tông)… mà người ta cứ truyền tai nhau một bí quyết lập thân: “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”. Hẳn là, một anh dân quê lên phố thì kiếm đâu ra nhà cửa, cũng chẳng bon chen được với các hãng buôn lớn trường vốn nên chỉ có thể “đánh du kích” bằng cái chiêu thức “ngồi lê” ấy.

vỉa hè không phải tài sản riêng của các hộ kinh doanh-ảnh báo người lao động.jpg -0
Vỉa hè không phải tài sản riêng của các hộ kinh doanh.

Thế mới biết, vỉa hè không chỉ là chỗ để đi bộ mà còn là “khúc đệm” trước để bước vào guồng quay của phố thị. Vỉa hè là không gian cho những sự khởi nghiệp nhỏ, lẻ, chớp nhoáng nên mới có chuyện cái sai, cái liều lĩnh, tạm bợ “mọc rễ”, lâu dần thành quen mắt và được chấp nhận một cách phi chính thức. Chả thế mà giới trẻ vẫn hát: “Cho tôi ly trà chanh và nhiều đá/ Giống những khi tụm năm tụm ba/ Mong hôm nay đường không bụi quá/ Có ai cùng tôi trà đá vỉa hè” ("Hà Nội trà đá vỉa hè" - Đinh Mạnh Ninh).

Từ chỗ là nơi kinh doanh nhỏ lẻ, vỉa hè định hình thành không gian sinh hoạt đặc biệt của nhiều đô thị. Khi không gian sống của từng gia đình đã trở nên chật hẹp, vỉa hè thay cho vườn, cho công viên, người ta ngồi ở đó ngắm phố và cũng dễ bắt gặp những người bạn thân quen. Chỉ cần đọc thơ, nghe bài hát đủ thấy vỉa hè có chỗ đứng như thế nào trong đời sống hàng ngày. Từ “không gian bụi” với những quán cơm trong thơ Nguyễn Duy: “Cực kỳ gốc sấu bóng me/ Cực ngon cực nhẹ cực nhòe em ơi” (Cơm bụi ca), đến “quán bia” của nhạc sĩ Trần Tiến: “Hà Nội cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè”.

Điều ấy lí giải tại sao ồn ão, xô bồ là thế mà vỉa hè vẫn đi vào nghệ thuật. Dẫu chưa đạt đến tầm của “họa sĩ cầm phấn” Julian Beever ở châu Âu hay Leon Keer của Hà Lan, nhưng bức vẽ họa sĩ Nguyễn Ngọc Anh (trong triển lãm "Ba sáu cộng" nhóm họa sĩ sinh ra ở Thanh Hóa) đã thể hiện chân thực vỉa hè sâu lắng trên phố. Một hôm nào đó đi trên phố, nếu có duyên du khách cũng có thể bắt gặp một Lê Đắc Tú hay họa sĩ yêu vỉa hè Hà Nội… Thôi thì, vỉa hè cứ lai rai thế đó, có vướng víu, bộn bề nhưng quen mắt rồi. Ở một đất nước mà gần như ai cũng có phương tiện giao thông cá nhân, thử hỏi có mấy ai đi bộ trên vỉa hè nữa?

Nhưng, một xã hội tốt đẹp văn minh nhất thiết phải dựa trên sự dân chủ, công bằng. Thử hỏi, nếu thấy con em mình buộc phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm để các hàng quán xếp xe máy, để bày bàn ghế hàng ăn (thậm chí, người bán hàng rong còn lao lên hè để chào hàng)… thì lúc ấy chúng ta còn thấy công bằng nữa hay không?

Nếu một nhà ở mặt phố bán hàng không tràn ra vỉa hè sẽ thất thu so với các hộ kinh doanh khác cùng dãy, như thế không còn là câu chuyện của mấy thước đất nữa mà là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền trong quản lý đô thị, đem lại sự thiếu công bằng ấy. Vỉa hè là sự công bằng, là lợi ích mà mọi người dân được thụ hưởng dẫu là nhà mặt phố, nhà trong ngõ hay du khách… đều được sử dụng chứ không còn là đặc quyền, sự văn minh nằm ở điều đó.

vỉa hè bị bịt kín, học sinh phải đi bộ dưới lòng đường-ảnh báo kinh tế đô thị.jpg -0
Vỉa hè bị bịt kín, học sinh phải đi bộ dưới lòng đường.

Nói công bằng, từ rất lâu, các cấp chính quyền và người dân ở các nơi đều đã từng cương quyết đề ra khẩu hiệu: “quyết tâm”, “quyết liệt”, “mạnh mẽ”, “dù khó đến mấy cũng phải làm”… nhưng có vẻ vẫn chưa bắt đúng “bệnh” hoặc gặp những bất cập đặc thù.

Đọc hai câu thơ của nhà thơ Hoàng Cát: “Ta cảm ơn cái vỉa hè bụi bặm/ Đã nuôi ta năm tháng cơ hàn...” (Cảm ơn vỉa hè), có lẽ đến cả một bà bán nước, một chị bán xôi cũng thấy thích thú. Sự nấn ná đó chính là trở ngại lớn nhất, để dẹp được vỉa hè ngoài phố, có lẽ phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy vỉa hè trong lòng chúng ta. Vấn đề nằm ở chỗ người ta coi không gian ấy là không quan trọng, là bụi bặm, là tào lao nên có cũng được mà không cũng chả sao. Một bà mẹ chồng thấycon dâu hỗn thì quy cho sản phẩm của “giáo dục vỉa hè”; mộtngười đưa ra phán xét về xã hội thiếu ý thức trên mạng xã hội vẫn được coi là chuyện vỉa hè. Thứ hành lang tư tưởng đó cản trở sự thiết lập văn minh trên không gian thực. Bởi thế, còn mấy ai để ý đến 4 chức năng cơ bản của vỉa hè: “4 chức năng cơ bản gồm: Làm lối đi riêng cho người đi bộ; Chứa đựng hạ tầng ngầm đô thị (cấp thoát nước, điện, cáp quang...), kể cả kết nối hạ tầng với các ngôi nhà dọc phố; Cột chiếu sáng hè đường, cây xanh; Không gian đệm làm lối ra vào các ngôi nhà, cửa hàng dọc phố và không gian công cộng đô thị” (Báo Giao thông).

Còn nhớ, ông Fred Kent, Giám đốc "PPS - Project for Public Spaces - Dự án Không gian Công cộng" của Hoa Kỳ từng có câu nói nổi tiếng: “If you plan cities for cars and traffic, you get cars and traffic. If you plan for people and places, you get people and places - Nếu xây dựng thành phố để dùng cho ô tô và kẹt xe thì sẽ có ô tô và kẹt xe. Nếu xây thành phố cho con người và cõi đi về thì có cả hai". Thiết nghĩ, khi đứng trước một vấn đề bấp cập, nhất thiết phải truy nguyên về những nguyên nhân gốc gác, căn cốt, cần nhìn rộng ra để thấu đáo thay vì loay hoay với nhữnggiải pháp tình thế.

Có thể một ngày, chúng ta sẽ không còn được thấy có thêm những câu thơ, câu hát về vỉa hè nữa. Có thể mai sau, giới trẻ sẽ tròn mắt nghe chuyện một thời có quán hàng trên vỉa hè nhưng cuộc sống và nghệ thuật lại có những điều thú vị khác đầy chất thơ trong một trật tự đô thị công bằng và văn minh hơn… Nên và hãy trả lại vỉa hè cho những tâm hồn sự bình yên và trật tự như thế.

Trang Thu
.
.