Tìm hướng đi cho tương lai

Thứ Năm, 06/10/2022, 10:08

Bỗng nhiên, trên báo chí và mạng xã hội rộn rã chuyện cà phê đường tàu. Bấy lâu nay, dù rất nghịch lý nhưng nó vẫn tồn tại hay nói đúng hơn cà phê đường tàu “sống” được là bởi nó có cái lí riêng mà chỉ khi ta trải nghiệm mới hiểu được.

Đúng như lời bà Bùi Băng Giang - Giám đốc công ty lữ hành Asia Exotica chia sẻ: “Đối tượng du khách của chúng tôi không phải người trẻ mà là thế hệ trung niên, cao tuổi. Thế nhưng họ vẫn yêu thích không gian phố đường tàu, thích thú trải nghiệm nhâm nhi cà phê và ngắm nhìn cuộc sống nơi đây. Điều này chứng tỏ con phố có sức hút với nhiều đối tượng du khách khác nhau”.

Công bằng mà nói, Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước luôn có những đặc sản cuốn hút du khách. Người ta nhâm nhi ly cà phê trứng, với 12 mùa hoa, chợ hoa đêm… Nhưng bên cạnh đó, còn phải kể đến như "bún mắng, cháo chửi" và những điều độc, lạ khác vẫn hút khách. Trong bài viết có tên “Vì sao bún chửi vẫn tồn tại, thậm chí còn ngày càng đông khách?”, tác giả Thăng Long đã có một lí giải về “đặc sản” này: “Thị trường ngách” (niche market) là thị trường chỉ phục vụ cho số ít khách hàng với sản phẩm/ dịch vụ đặc thù. Ví dụ như du lịch là thị trường rộng. Thị trường ngách của du lịch là du lịch mạo hiểm, du lịch hành hương, du lịch thăm thân... phục vụ một số khách hàng có nhu cầu đặc biệt”.

trung-tâm-gdnn-gdtx-các-địa-phương-đã-liên-kết-dạy-văn-hóa-kết-hợp-dạy-nghề-chính-là-giải-pháp-thay-thế-lao-động-giá-rẻ-nguồn-ảnh-báo-hậu-giang.jpg -0
Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp - Giáo dục thường xuyên các địa phương đã liên kết dạy văn hóa kết hợp dạy nghề chính là giải pháp thay thế lao động giá rẻ.

Tất cả chúng ta đều hiểu “dịch vụ đặc thù” chính là sự lựa chọn riêng cho từng nhóm, từng cá nhân và ở mức độ trải nghiệm sâu hơn cho du khách. Nhưng, khi sở thích ấy vượt qua ngưỡng giới hạn cho phép thì cần phải cân nhắc đưa ra giải pháp bởi nó không phải là điều gì không thể thiếu trong cuộc sống này.

Nhìn rộng ra, không chỉ riêng trong du lịch và ẩm thực mà nhiều ngành công nghiệp khác cũng đã và đang phải thay đổi. Hẳn ai cũng biết trong hơn một thế kỉ xuất hiện và lan tỏa, bóng đá còn đem lại nguồn thu lớn trên thế giới. Chỉ tính riêng việc đăng cai World Cup 2006, nước Đức tăng thêm được hơn 2% GDP; nhà văn Frederic Beigbeder từng viết trong tiểu thuyết “99 Francs" về World Cup 1998: "Đó không phải là người Pháp đã thắng người Brazil, mà đó là việc Adidas đã qua mặt Puma"…

Tương tự như dịch vụ đặc thù của du lịch, người xem bóng đá trước đây cũng chấp nhận cả những sai lầm, hạn chế, may rủi từ khả năng quan sát, đánh giá của một trọng tài. Nhưng, khi công nghệ VAR (Video Assistant Referee) được sử dụng, người ta lại không thể phủ nhận sự minh bạch, khách quan của nó và nhanh chóng quên đi câu nói“trọng tài là một phần của bóng đá”.

Ông Roberto Rosetti, Chủ tịch Ủy ban Trọng tài UEFA cho biết: "VAR có mục tiêu hỗ trợ các trọng tài và bảo đảm tính minh bạch của trận đấu dựa trên việc can thiệp ít nhất nhưng mang lại lợi ích cao nhất. Chúng tôi cam kết liên tục cải thiện và điều chỉnh công nghệ này mỗi khi cần thiết". Lợi ích cao nhất ở đây rõ ràng không còn chứa đựng cái thú vị của việc bàn cãi từ các góc nhìn bằng mắt thường, bằng những nhận xét cảm tính nhưng chắc chắn sẽ đưa bóng đá và cả nền công nghiệp dịch vụ đi kèm phát triển.

Vậy đằng sau câu chuyện cà phê đường tàu bị đóng cửa ấy là gì? Ngay cả đến những “đặc sản” trong cách sống cũng cần phải xem xét lại và phản biện khi lâu nay, nó vẫn nằm chấp chới trong vùng tranh cãi theo cái lí vốn có “có sao đâu”, “quen rồi” của niềm tin vào ngoại lệ vào những tỉ lệ may mắn sẽ thành bất biến.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ cháy quán karaoke. Karaoke cũng đã và đang là “đặc sản” của người Việt. Ngay cả với dàn âm thanh đơn giản hay một chiếc micro lẻ, hình thức này cũng đã và đang gây bức xúc cho nhiều người dân tại các khu dân cư. Đành rằng, đó là một hoạt động lành mạnh, là sở thích và quyền của mọi người nhưng ảnh hưởng của nó thì không hề đơn giản. Có lẽ, cần đến sự suy xét từ mỗi người cả về cường độ âm thanh, thời điểm và sự ứng xử tế nhị với cộng đồng để giảm thiểu hay từ bỏ thói quen ấy.

Sáng nay, khi đọc bài báo có nhan đề: “Thị trường lao động "dễ tổn thương”", tác giả Lê Tuyết đã phân tích về một “đặc sản” khác lâu nay được các doanh nghiệp ưu chuộng đó là lao động giá rẻ (chiếm 74% trong tổng số 51,4 triệu người trong độ tuổi lao động: không có kỹ năng, trình độ thấp và chưa từng học lớp đào tạo nghề chính thức) liên tục rơi vào thế bấp bênh. Khi các nhà máy, xí nghiệp đưa công nghệ cao vào sản xuất, họ sẽ bị đào thải và dẫn tới khủng hoảng trên thị trường tuyển dụng. Người lao động lựa chọn hướng đi đem lại thu nhập nhanh, doanh nghiệp lựa chọn hình thức sản xuất giảm thiểu chi phí đầu tư đào tạo, tập huấn đang dự báo một nguy cơ như thế. Phải chăng đã đến lúc mau chóng từ bỏ “đặc sản” này để dũng cảm xây dựng một lực lượng lao động bền vững.

sẽ-phải-từ-biệt-một-đặc-sản--nguồn-ảnh-vnexpress.jpg -0
Sẽ phải từ biệt một đặc sản.

Dĩ nhiên, chúng ta không phủ định sạch trơn những “đặc sản” ấy bởi nhiều khi nó là một nhu cầu, là hoàn cảnh, là sở thích nhưng nếu biết điều chỉnh và chấp nhận sự thay đổi thì biết đâu sẽ có một triển vọng mới. Tuy nhiên, đó phải là giải pháp cứng rắn chứ không thể dung hòa nhân nhượng thiếu triệt để. Vẫn biết Chợ Maeklong ở Samut Songkhram (Thái Lan) được họp ngay trên đường ray (tàu chạy qua đây 8 lần/ ngày, và cả 7 ngày trong tuần); tham dự lễ hội Pingxi Sky Lantern ở Phố cổ Thập Phần (Đài Loan), du khách có thể thả đèn trời ngay trên đường ray tàu hỏa… Thế nhưng, không thể lấy tiền lệ hay sự đối chiếu nào bảo vệ được tính mạng của người dân bằng “hàng rào” pháp lý cứng rắn và sự cương quyết từ bỏ của chính chúng ta bởi tính mạng con người bao giờ cũng là giá trị lớn nhất trên bất kì bảng giá trị nào.

Lâu nay, chúng ta thường nhắc đến việc luôn phải thức tỉnh để từ bỏ những thói quen xấu để bảo vệ môi trường, để thành công. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ mà cần đến lúc thay đổi từ chính suy nghĩ. Đằng sau câu chuyện cà phê đường tàu là một hoạch định khác để nếu có thể, chúng ta sẽ xây dựng một lộ trình khác cho ngành đường sắt đi qua khu không có dân cư, để lại những dấu ấn cũ cho du lịch thuần túy.

Đằng sau việc lao động không có tay nghề là giải pháp hướng nghiệp từ khi còn là học sinh phổ thông để vừa có bằng trung cấp nghề, vừa có bằng THPT, cho dù giờ đây vẫn còn nhiều phụ huynh mặc cảm nếu con mình không đi thi đại học. Cũng như, đến một thời điểm đủ điều kiện đưa công nghệ VAR vào sử dụng tại giải vô địch quốc gia hay quy định về cấu trúc an toàn cho các quán karoke hay hướng người dân vào những đam mê nghệ thuật có chiều sâu thầm lặng hơn và cần những không gian cộng đồng bổ ích hơn.

Thiết nghĩ, thay vì băn khoăn có nên cấm hay không? Nhắc nhở, xử phạt như thế nào thì các chuyên gia, các nhà quản lý và từng người dân cần hướng đến điều thứ 3, đó chính là hướng đi của tương lai, thỏa mãn được các yêu cầu và giải quyết các khúc mắc. Khi đó, bạn sẽ nhận ra sẽ có nhiều “đặc sản” khác mà bấy lâu mình chưa nhận ra. Trong cuộc sống này, dù bạn đam mê, yêu thích nào dù sâu sắc và gắn bó với một sở thích hay lựa chọn nào đến đâu cũng có thể từ bỏ nếu một ngày bạn nhận ra nó không còn hữu ích cho cuộc sống hôm nay nữa…

Mai Phương
.
.