Tiết kiệm vì sự phồn thịnh của quốc gia

Thứ Năm, 01/09/2022, 16:31

Tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Bộ Tài chính.

Trên phạm vi cả nước giai đoạn 2016-2021, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước là 350 nghìn tỷ đồng; giảm giá trị đề nghị quyết toán 27,7 nghìn tỷ đồng qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước; giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 546 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 12,35% số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Từ năm 2015 đến năm 2020, đã tinh giản được 74.443 biên chế.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Như nhận định trong văn kiện Đại hội Đảng đã đề cập, thực trạng lãng phí này ngày càng tinh vi, phức tạp và còn nghiêm trọng. Số tiền thất thoát, lãng phí không kém gì những vụ án tham nhũng lớn, thậm chí xét bình diện cả nước còn lớn hơn".

chống tham nhũng, chống lãng phí vì sự hát triển cuẩ đất nước.jpg -0
Chống tham nhũng, chống lãng phí vì sự phát triển của đất nước.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi mà hàng năm, có không biết bao nhiêu luận án tiến sĩ, các đề tài cấp bộ, cấp nhà nước... các công trình "vô giá" ấy, sau khi được bảo vệ thành công được tập trung vào các kho lưu trữ, chả có mấy người tìm đọc; rồi tình trạng 30% - 40% cán bộ, công chức "Sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", nhưng cuối tháng vẫn lĩnh đủ lương, chẳng thiếu đồng nào. Bên cạnh đó, chúng ta lãng phí tương lai bằng các dự án... treo, khi mà đất "Bờ xôi, ruộng mật" bị thu hồi, bỏ hoang, rồi các dự án lớn của ngành Công thương được đầu tư cả trăm, ngàn tỷ đồng đắp chiếu hàng chục năm nay mà vẫn phải trả lãi vay...

Căn nguyên của sự trì trệ, chậm phát triển có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do chính là chúng ta đang quá lãng phí! Như vậy thì những gì mà lãng phí gây ra cũng mang đến những hậu quả trầm trọng không kém gì tham nhũng, nó làm chậm tiến trình phát triển của đất nước trong thời điểm hiện tại và gây ra những bất ổn trong tương lai.

Để sống, tồn tại và phát triển, không một dân tộc nào có quyền lãng phí thời gian, nguồn lực và vận mệnh của mình. Nghe ra thì đúng thế, nhưng sự thật, không hẳn là như thế.

Các hiện tượng, vụ việc nêu trên đã và đang gây ra nhiều thất thoát về công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân, làm sứt mẻ niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc đều khó xác định trách nhiệm vì những đơn vị, địa phương, người đứng đầu thường tìm nhiều lý do biện minh, giải trình với những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan rất hợp lý nhằm né tránh, che đậy, giấu giếm những hậu quả của sự việc.

Đối với các hành vi tham nhũng, chỉ cần tư lợi vài triệu đồng là có thể đưa ra xét xử, còn để thất thoát, lãng phí hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng cũng khó quy trách nhiệm hình sự, chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, rút kinh nghiệm, nặng hơn là khiển trách, cảnh cáo. Điều này đã làm cho căn bệnh lãng phí ngày càng lan rộng và trầm trọng hơn. Xử lý khi để thất thoát, lãng phí như vậy liệu có phù hợp với thực trạng lãng phí đang diễn ra, phù hợp với những thiệt hại ngày càng lớn và ngày càng trầm trọng hay không?

Trước những hậu quả nghiêm trọng mà tham nhũng gây ra trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã xác định tham nhũng là "quốc nạn", là "giặc nội xâm" thì cũng cần chỉ mặt, đặt tên cho "lãng phí" bằng những từ tương xứng và phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi lãng phí, coi việc chống lãng phí cũng cấp bách như chống "giặc nội xâm". Không nên quá tách bạch hai việc này mà xem tham nhũng và lãng phí là hai hành vi khác nhau, và nghiêm trọng hay không chỉ là căn cứ ở mức độ thiệt hại.

Tại buổi làm việc, nêu rõ tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Thực hiện cùng một công việc được giao với chi phí ít hơn; cùng một nguồn lực như nhau nhưng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. "Một tỷ đồng mà thực sự cần thiết thì chi ngay, nhưng một đồng mà không cần thiết thì cũng không chi". Để làm được như lời Chủ tịch Quốc hội thì chúng ta phải nhanh chóng có quy định cụ thể về tiết kiệm, chống lãng phí và cũng rất cần có chế tài xử lý một cách nghiêm khắc người vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ cụ thể một chính sách quốc gia của Nhật Bản là quy định các công sở chỉ được bật điều hòa ở 28 độ C, trong khi chúng ta đến công sở vẫn bật 18 - 20 độ C suốt cả ngày, vừa ảnh hưởng sức khỏe, vừa lãng phí.

Đây quả là một bài học quý cho người Việt Nam chúng ta: Tiết kiệm, hết sức tiết kiệm không chỉ để làm giàu cho mỗi cá nhân, gia đình mà còn vì sự phồn thịnh của quốc gia, dân tộc.

Cù Tất Dũng
.
.