Đọc tập tản văn "Ngày mai của những ngày mai" của Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ - 2024

Tiếng thở của những ngày mai

Thứ Sáu, 16/08/2024, 09:26

Nói không ngoa, Nguyễn Ngọc Tư đã truyền đi một thông điệp trong cách sống và viết của mình đến một số người trẻ. Sống giản dị và viết đậm sâu. Chính những đậm sâu đó khi phơi lên trang sách đã gióng hồi chuông suy niệm vào người trẻ.

1. Nguyễn Ngọc Tư chọn cho mình lối sống trầm lặng nhưng với văn chương thì lại bền bỉ. Chị không có trang mạng xã hội để giao lưu tương tác cùng độc giả. Phần lớn các trang Facebook, các kênh YouTube hoặc mới đây là TikTok đều do người hâm mộ tạo nên để chia sẻ các tác phẩm của chị.

Cũng hiếm khi thấy chị Tư đi sự kiện ngoài các lần xuất hiện kí tặng sách hoặc các buổi tiệc chị xuất hiện với tư cách bạn bè. Nhưng không phải vì thế mà chị không cập nhật tin tức, nhất là những chuyển động của làng Văn. Tôi nhớ hồi mình viết bài gọi nhà văn Nguyễn Phú là "Biên vương" trên Chuyên đề Văn nghệ Công an, ấy thế mà chị vẫn đọc được, và từ Cà Mau, trong tin nhắn trò chuyện với Nguyễn Phú, chị Tư ghẹo anh là "Biên vương". Chuyện này khiến cả anh Nguyễn Phú và tôi bất ngờ.

Tiếng thở của những ngày mai -0
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

"Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình", như một lẽ thuận theo tự nhiên mà chúng tôi luôn đọc về nhau, thậm chí đôi khi chưa một lần gặp gỡ. Nhưng qua câu chữ vẫn quý nhau như một thứ tình thân lạ kỳ. Cứ vậy, chúng tôi im lặng và đọc của nhau. Như lần đọc tập tản văn "Ngày mai của những ngày mai" này, tôi cứ âm thầm lần giở từng trang văn của chị và thấy từ trong những lặng lẽ sống và viết, Nguyễn Ngọc Tư luôn biết cách dùng câu chữ của mình để đánh động một cuộc người tử tế giữa thế thời kim tiền đầy biến chuyển này.

Với "Ngày mai của những ngày mai", gọi là tản văn cũng được, truyện cũng được, gọi ghi chép của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trên con đường tìm kiếm những vẻ đẹp lấp lánh giữa bao khắc nghiệt của đời sống, cũng không sai chút nào. Đó là những con người mong muốn "đối diện cuộc đời, để chiến đấu bảo vệ cái đẹp" (Giá của một gương mặt); là người mẹ ngẫm nghĩ về những "câu trả lời bao dung nhất, ít đau đớn nhất" cho cậu con trai đang ở độ tuổi thắc mắc đủ thứ chuyện trên đời (Món nợ không thể đòi); là ông già cố "giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ; giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà" (Hạt gửi mùa sau); hoặc có khi chỉ là biểu tượng "cái giỏ đồ ít ỏi nhưng oằn trĩu niềm lo nghĩ, nỗi thương yêu" (Tần ngần giữa chợ).

Gần 200 trang sách với 36 câu chuyện về những phận người, phận đời khác nhau. Với lối viết dung dị, câu chữ rưng rức, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã biến cái riêng - thân phận của kẻ sống, bao gồm cả người kể chuyện và người đọc - thành tiếng nói chung cùng, đồng điệu từ đó lan đi những giá trị sống đã phần nhiều bị mai một đâu đó theo guồng quay hối hả của xã hội hiện đại. Có lẽ vì thế, ai cũng thấy bản thân dự phần vào câu chuyện, để hiểu mình, hiểu người, nhìn thấy chính mình ở người.

2. Có một điều dễ dàng nhận thấy, độc giả trẻ rất mê tản văn của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi có 2 lần chứng kiến hàng dọc dài người hâm mộ xếp hàng chờ kí phải từ 8 giờ sáng đến quá 13 giờ trưa mà vẫn chưa thể kí xong và còn rất nhiều người xếp hàng. Có cả một cậu trai trẻ mang theo ba lô sách của chị, chạy từ Tiền Giang lên và xếp hàng đến cuối buổi để chị ký tặng những quyển sách được xếp kĩ càng trong chiếc ba lô đó. Cuối buổi ngồi cùng chị cà phê chuyện trò vẫn cứ thoáng chốc phải ngưng vì độc giả phát hiện và đến xin chữ kí và chụp hình.

Tiếng thở của những ngày mai -1
Bìa cuốn tản văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nói không ngoa, Nguyễn Ngọc Tư đã truyền đi một thông điệp trong cách sống và viết của mình đến một số người trẻ. Sống giản dị và viết đậm sâu. Chính những đậm sâu đó khi phơi lên trang sách đã gióng hồi chuông suy niệm vào người trẻ. Đến ngay cả tôi trong lần giao lưu mới đây vào tháng 7 ở Gia Lai với các bạn học sinh cấp 2-3 đều được các em chia sẻ về "thần tượng" Nguyễn Ngọc Tư. Chính trang văn của chị Tư đã giúp các em có góc nhìn tử tế và chững chạc hơn về nhiều khía cạnh cuộc đời. Một bạn học sinh phố núi còn ước mơ sẽ cố gắng có một chuyến đi về miền Tây bởi nét đẹp bình dị chân phương và tính cách hào sảng, trượng nghĩa của nhân vật trong tác phẩm của chị Tư đã thôi thúc em ấy.

Riêng với tản văn, khi đọc nhiều của Nguyễn Ngọc Tư, sẽ thấy một lối kể chuyện nhẹ như không, như chẳng hề có một chủ đích rõ ràng, nhưng lại lay động được cảm xúc người đọc. Ở "Ngày mai của những ngày mai", Nguyễn Ngọc Tư vẫn mang những câu chuyện đời ra và nhẩn nha kể. Kể như một cuộc trò chuyện của chị và độc giả, thủ thỉ, nhỏ nhẹ, và san sẻ. Độc giả sẽ thấy những vụn vặt hiện hữu của chính cuộc sống đang dần dần được "lột trần" thông qua từng chi tiết kể. Từ đó khắc vào tâm khảm mình một ý niệm.

"Đi qua mỗi cột cây số, thấy cuộc hành trình của mình lưng đi một ít, nỗi ngán ngẩm cũng vơi theo. Cái cách mình đi đường giống cách mình leo núi, chống một gậy để thấy mình lên cao một chút, lại giống như cách mình sống, vịn vào thành tích gì đó, dù là bé xíu (thí dụ như tấm bằng công nhận "nữ hai giỏi") để thấy những ngày tháng đã qua không quá vô nghĩa, để thấy mình đã bước thêm một bước đời, phía trước bớt dài, bớt mù mịt, chông chênh". Trích "A Tép - … km ký sự".

Càng đi sâu vào tập tản văn này, càng thấy không gian nở ra những câu chuyện miên mải. Chuyến đi của độc giả như một hành trình khảo nghiệm lại chính bản ngã của mình, mà ở đó dòng chảy kí ức của tác giả đã nắm níu hồn người đọc, cho họ một khoảng lắng để bồi hồi thương tưởng về tuổi trẻ của mình. Có lẽ, như phần lớn những nhà văn viết tản văn, kí ức chính là chất liệu để họ dễ dàng bày biện câu chữ.

Đôi khi, từ sự giản đơn của mấy nhánh lục bình vốn sống đời lữ thứ mà người đọc thấy ngay tuổi trẻ ruổi rong với ý nghĩ thỏa chí tang bồng của mình ngay trong trang viết của Nguyễn Ngọc Tư: "Lục bình mà bị cầm tù thì còn gì là lục bình nữa. Lục bình, phần nào đó như ngựa ở thảo nguyên, chim trên trời, gió ngoài đồng, hợp với sự hoang dã và tự do. Chỉ long đong cùng sông nước, lục bình mới thể hiện hết bản chất, vẻ đẹp và sức sống của nó".

Nhưng rồi cũng chính những nhánh lục bình đó, Nguyễn Ngọc Tư đã trải rộng ra một chiều kích mới, khiến độc giả buộc mình thở ra tiếng dài và xao xác theo câu hỏi khó thể trả lời: "...lục bình đang sống theo lẽ tự nhiên, tụi mình dấn thân vào đời, bươn tới những đích nào đó cũng theo lẽ tự nhiên, của con người. Nói đến đó bỗng cồn cào nỗi hoài nghi, người ta sống với tham vọng chồng chất ngút ngất là thuận theo lẽ trời ư?" - Trích "Lục bình".

3.Đọc hết 36 tản văn trong "Ngày mai của những ngày mai", là những câu chuyện lệ thường ai cũng sẽ gặp suốt quãng sống trong cuộc người chính mình. Chỉ khác chăng là chúng ta được kể lại bằng chữ, trên trang sách, và của một người viết đã ruổi rong phận mình với nhiều gieo neo nên phần suy niệm như con sóng lắng sâu vào tâm trí mình. Những con sóng chữ lúc cuộn lên xôn xao, lúc gợn nhẹ lăn tăn, có lúc như êm ắng nhưng âm ba dòng chảy vẫn thao thiết tận đáy.

Một cuốn tản văn mà khi khép lại chính tôi vẫn nghĩ đó là những câu chuyện dành cho độc giả trẻ, những con người của thế hệ công nghệ, trong thế giới phẳng và bị chi phối bởi tứ bề hỗn mang những nền tảng giải trí thời thượng. Sự mai một của tình người, tình quê xứ, cuộc đối thoại bạn bè và độc thoại với chính mình đã dần chìm khuất giữa ồn ào náo nhiệt của gameshow, của drama, của livestream… và tỷ thứ mới mẻ đang ngày càng nở rộ.

May quá, còn có những câu chuyện giản đơn thế này, không chau chuốt, không trưng trổ, lấy cốt lõi của lẽ đời làm nên giá trị sống khiến trang văn ánh lên nghĩa tử tế. Và hơn hết, ngày mai của xã hội, kỳ thực là do người trẻ hôm nay tạo thành. Những ngày mai ấy, tiếng thở mỏi mòn hay thanh lành luôn bắt đầu từ những điều dung dị của những ngày đã qua.

Tống Phước Bảo
.
.