Tiếng đàn không có lỗi

Thứ Năm, 09/12/2021, 09:52

Trong cuộc thi Hoa hậu thế giới 2021 diễn ra tại Mỹ, đại diện Việt Nam là hoa hậu Đỗ Thị Hà đã có một màn thi tài năng gây ồn ào mạng xã hội suốt mấy ngày qua. Chọn chơi đàn T'rưng, cây đàn đặc trưng của Tây Nguyên, Đỗ Thị Hà đã trình diễn bài "Cô gái vót chông". Ngay lập tức, trên mạng xã hội đầy rẫy nhưng chê bai, dè bỉu, thậm chí có cả chửi bới bằng cách lấy ca từ của ca khúc này ra để suy luận. Đáng buồn là khá nhiều người mệnh danh trí thức cũng sa đà vào cuộc ''đấu tố'' này.

Đầu tiên, phải nói thẳng rằng việc lựa chọn bản "Cô gái vót chông" là do hướng dẫn của giáo viên dạy đàn cho Đỗ Thị Hà. Lý giải của cô giáo này là vì nó đơn giản, dễ tập hơn các bản nhạc phức tạp khác. Để đáp ứng tiến độ của một cuộc thi, lựa chọn đơn giản bao giờ cũng là một lựa chọn an toàn.

Kế đến, phải nhìn thẳng vào vấn đề là phần trình diễn của Đỗ Thị Hà chỉ là phần giai điệu đơn thuần. Nó đơn giản là việc một người thể hiện một ca khúc bằng các nốt nhạc của một nhạc cụ, chứ không phải cất lên lời hát với ý nghĩa kèm theo của ca từ. Và khán giả lắng nghe phần trình diễn ấy thì sao? Họ không quan tâm đây là một ca khúc chuyển soạn cho một cây đàn. Họ coi việc một cô hoa hậu đứng trước cây đàn ấy đang tấu lên những thanh âm nào mới là thứ quan trọng nhất. Và với họ, những thanh âm ấy đủ trọn vẹn để trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh rồi.

Cái suy luận từ phần ca từ của những ngày kháng chiến chống Mỹ đến từ người Việt ở trong nước chứ không hề đến từ khán giả nước ngoài, mà cụ thể là khán giả Mỹ. Vậy thì những người suy luận kiểu này có bao giờ tự đặt ra một câu hỏi rằng "Ôi, chúng ta đang gào lên một thứ có đáng là vấn đề hay không?".

Nhưng vượt trên hết, kể cả khiên cưỡng chấp nhận suy luận của họ đi nữa, chúng ta cũng cần phải đặt dấu hỏi "Họ đã nói gì, làm gì, và ở đâu khi chính các nền tảng giải trí của Mỹ vẫn tiếp tục phát hành những bộ phim về chiến tranh Việt Nam mà trong đó, hình ảnh Việt Nam rất méo mó?".

Điển hình như Netflix với bộ phim "Da Five Bloods" được Netflix phát hành ở Việt Nam hồi tháng 6/2020 vừa rồi. Tại sao những người thích chỉ trích bằng suy luận kể trên có thể chấp nhận một sản phẩm Mỹ hoàn toàn theo quan điểm Mỹ được thoải mái lưu hành ở Việt Nam nhưng họ lại chống lại một sản phẩm Việt Nam mang quan điểm Việt Nam cất tiếng lên ở chính nước Mỹ? Mà trong trường hợp của Hoa hậu Đỗ Thị Hà, thực tế sản phẩm Việt Nam này không hề cất lên một quan điểm chính trị nào cả khi nó chỉ là những nốt nhạc đơn thuần.

Tiếng đàn không có lỗi. Cô hoa hậu cũng không có lỗi. Chính thái độ cằn cỗi của những chỉ trích mới có lỗi. Chính họ đã khoét sâu thêm vết thương chiến tranh vốn dĩ đã được cả hai phía hàn gắn từ rất lâu rồi.

Văn Đoàn
.
.