Tiếng chuông cảnh báo về bảo tồn di sản tư liệu ở Việt Nam
Theo tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban Khu vực UNESCO MOW Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam: “Sưu tập tài liệu lưu trữ của nhạc sĩ trở thành Di sản tư liệu thế giới sẽ là tiếng chuông thức tỉnh gia đình các văn nghệ sĩ khác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm, kiệt tác và tư liệu cá nhân của các nghệ sĩ, nghệ nhân”
Lần đầu tiên, một bộ sưu tập của gia đình được vinh danh trở thành di sản tư liệu của thế giới, “Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân”.
Theo tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban Khu vực UNESCO MOW Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam: “Sưu tập tài liệu lưu trữ của nhạc sĩ trở thành Di sản tư liệu thế giới sẽ là tiếng chuông thức tỉnh gia đình các văn nghệ sĩ khác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm, kiệt tác và tư liệu cá nhân của các nghệ sĩ, nghệ nhân”...
Từ bộ sưu tập gia đình đến di sản thế giới
Ngày 10/4/2025 tại Paris, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã nhất trí ghi danh “Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” của Việt Nam vào Danh mục Ký ức thế giới. Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc sáng tác từ năm 1951 đến 2010, phản ánh sâu sắc những biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, các tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Việc UNESCO ghi danh Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân không chỉ là niềm tự hào của riêng gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân, mà còn là niềm tự hào chung của đất nước, nhân dân Việt Nam, di sản tư liệu này sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản tư liệu, lan tỏa giá trị văn hóa - lịch sử - nhân văn Việt Nam ra thế giới, từ đó nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước và con người Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Điều đáng nói hơn, đây là bộ sưu tập được thực hiện bởi gia đình, do hai con của ông là tiến sĩ Lê Y Linh và nhạc trưởng Lê Phi Phi dày công gìn giữ, sưu tầm và bảo vệ. Hành trình đó bắt đầu từ năm 2000 khi gia đình có những cảnh báo về tư liệu của ông bị thất lạc và mất mát.
Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ: “Để sưu tầm các tài liệu, tôi đã mở từng thùng carton, lật từng trang giấy hoen ố gấp đôi gấp ba lạc trong một cuốn sách, gọi điện, viết tin nhắn, viết thư cho các cơ quan, người hâm mộ, xin từ lí lịch tự thuật của ông đến các bản phỏng vấn từ các phóng viên, ghi chép những lời kể, kí ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp, nhà báo, bạn bè của nhạc sĩ; sưu tầm các bài báo, sách in, băng, đĩa, file mềm tại thư viện, kho lưu trữ… ghi âm, ghi hình các cuộc đàm đạo, phỏng vấn. Em tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi chịu trách nhiệm hiệu đính, so sánh các bản thảo, số hóa, thậm chí khôi phục lại tác phẩm bằng cách ghi âm qua các bản thu than”…
Theo tiến sĩ Lê Y Linh, việc một cá nhân đề cử là hoàn toàn đúng với thể lệ của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Bà nhận được sự đồng hành của bạn bè, và đặc biệt là từ Ủy ban Quốc gia UNESCO, từ phái đoàn đại diện và đại sứ Việt Nam tại Pháp. Tuy nhiên, điều đáng trân trọng nhất chính là ý thức sưu tầm, gìn giữ tài liệu của gia đình tiến sĩ Lê Y Linh đối với di sản nhạc sĩ Hoàng Vân để lại. Đây là một khoảng trống lớn ở Việt Nam hiện nay. Vì thế, việc một di sản được gìn giữ bởi gia đình được thế giới vinh danh hẳn là một lời cảnh báo về vấn đề tư liệu ở Việt Nam.
“Qua sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân, chúng ta thấy rằng việc khó khăn nhất là hệ thống hóa các tài liệu và đặt nó vào được một bối cảnh (circonstance) để thấy được giá trị toàn cầu của sưu tập thông qua những nội dung do tài liệu chuyển tải”, tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương chia sẻ.
Thực trạng di sản tư liệu Việt Nam
Chương trình Ký ức thế giới được UNESCO khởi xướng năm 1992 với mục tiêu bảo vệ di sản tư liệu, tạo điều kiện việc tiếp cận và quảng bá di sản, đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải bảo tồn di sản tư liệu. Đối với mỗi quốc gia thành viên, di sản tư liệu phản ánh ký ức quốc gia và bản sắc của mỗi quốc gia đó, vì vậy di sản góp phần xác định vị thế của quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Cho đến hết chu kỳ 2024-2025, Chương trình Ký ức thế giới đã ghi danh 570 Di sản tư liệu cấp thế giới, trong đó Việt Nam có 4 di sản đã được vinh danh thế giới và 7 di sản tư liệu được vinh danh trong khu vực.
Theo tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, giá trị lớn nhất của “Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” sau được ghi danh là: “Hồ sơ đề cử một loại hình di sản đặc biệt mà Việt Nam chưa từng có, đó là sưu tập tài liệu lưu trữ cá nhân của một nhạc sĩ do gia đình thu thập, bảo quản, gìn giữ mà không phải do một cơ quan nhà nước quản lý và đã ứng dụng công nghệ thông tin để phát huy giá trị một cách rộng rãi cho đông đảo công chúng. Nội dung hồ sơ đề cử hết sức độc đáo, phong phú và thể hiện rõ ý nghĩa quốc tế, có tầm ảnh hưởng sâu về chuyên môn, rộng về phạm vi trong nước, khu vực và quốc tế, có sự lan tỏa trong cộng đồng trong và ngoài nước biết đến tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam”.
Điều quan trọng hơn, theo tiến sĩ Minh Hương, “Sưu tập tài liệu lưu trữ của nhạc sĩ trở thành Di sản tư liệu thế giới sẽ là tiếng chuông thức tỉnh gia đình các văn nghệ sĩ khác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm, kiệt tác và tư liệu cá nhân của các nghệ sĩ, nghệ nhân… phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, cho các thế hệ tương lai và góp phần quảng bá văn hóa của Việt Nam đến bạn bè thế giới”.

Theo bà, Việt Nam là một quốc gia có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Các nguồn sử liệu chữ viết đã hình thành và sản sinh cùng với quá trình lịch sử của đất nước. Hiện nay, tại các trung tâm lưu trữ, các thư viện, bảo tàng, các viện nghiên cứu, các cơ quan thông tấn, báo chí… ở trung ương, địa phương và trong các gia đình, dòng họ, cá nhân còn đang lưu giữ nhiều ấn phẩm, tài liệu, bản thảo có giá trị trên các vật mang tin khác nhau như trên giấy, ảnh, bia đá, gỗ, lá, phim ảnh ghi âm, điện tử... Nhiều tài liệu quý, hiếm đang còn lưu giữ rải rác, tản mát tại các cá nhân, trong cộng đồng ở trong nước và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, chưa có chế độ bảo quản thích hợp, cũng như thiếu cơ chế khai thác sử dụng…
Tuy nhiên, hiện nay nhiều di sản tư liệu bị mất mát, hủy hoại và xuống cấp và một bộ phận lớn tư liệu bị phân tán ở nhiều nơi ở trong và ngoài nước. Đây đều là một phần của di sản tư liệu của quốc gia và của nhân loại và cần có chế độ bảo quản thích hợp và sử dụng một cách hiệu quả.
Tiến sĩ Lê Y Linh cho rằng: “Càng tìm hiểu, nghiên cứu về các tác phẩm của cha và về một số nhạc sĩ cùng thời, tôi càng thấy được vai trò lớn lao của một giai đoạn quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Việc tổng hợp những tư liệu trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân là nhiệm vụ không những đối với cha tôi, nhưng nó còn là đối với lịch sử âm nhạc Việt Nam, và việc thu thập tổng phổ, tư liệu của các nhạc sĩ là một việc làm cần thiết và cấp bách.
Chỉ một thế hệ nữa thôi, nếu không làm gì, những tài liệu này sẽ thất thoát phân tán và lúc ấy sẽ là quá muộn để dựng lại một giai đoạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam một cách “nói (có thu âm) có sách (tổng phổ, bản thảo), mách có chứng”, chứ không phải là những dòng hồi ức, bình luận, phê bình, nghiên cứu mà người đọc không thể có dịp nghe những tác phẩm âm nhạc ấy nữa. Tôi kỳ vọng có thể làm được một công trình sưu tầm và nghiên cứu tư liệu của các nhà soạn nhạc khác cùng thời với cha”.
Ngày 23/11/2024, Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội thông qua với một Chương mới gồm 7 Điều quy định về Di sản tư liệu và Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 sẽ tạo cơ sở cho việc triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và địa phương có tư liệu tiềm năng nói riêng về giá trị và tầm quan trọng của các di sản tư liệu.
Điều này giúp họ có ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị quý, hiếm mà họ đang sở hữu, đồng thời lựa chọn những sưu tập tài liệu tiêu biểu, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, phù hợp với các tiêu chí lựa chọn mà UNESCO đề ra để lập hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét công nhận là di sản tư liệu. Đó là cách giúp di sản tư liệu sống bền vững trong cộng đồng.