Thuốc nào “trị” được căn bệnh “chậm tiến độ”?

Thứ Sáu, 30/09/2022, 14:31

Tháng 12/2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai (quy mô  1.000 giường) và cơ sở 2 của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (quy mô 1.000 giường), tổng mức đầu tư hai công trình này lên tới hơn 9.000 tỷ đồng; thời gian thực hiện là từ năm 2014 đến năm 2017, nhưng đến nay công trình vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” và tiến độ giải ngân cũng diễn ra một cách rất ì ạch, mới chỉ đạt hơn 55% và 57%.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chứng kiến hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước, của nhân dân bị bỏ hoang, phơi mưa, phơi nắng mà thấy xót xa. Còn tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, tình trạng bệnh nhân quá tải đang là căn bệnh trầm kha, nhức nhối của hệ thống y tế tuyến đầu.

z3752925628900_16f73fae18fce7f94a45d88596200c8c.jpg -0
Một số tòa nhà của Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã bong tróc, xuống cấp.

Để phục hồi hai dự án nêu trên và tìm ra giải pháp “hồi sức” cho hai bệnh viện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm sao sớm đưa dự án "hồi sinh" đi vào hoạt động. Theo giải trình của Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến hai dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, hợp đồng xây dựng, nên phát sinh các vướng mắc trong hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.

Nguyên nhân của hầu hết các công trình chậm tiến độ trước hết là do quyết định đầu tư không chuẩn xác công tác tư vấn, thẩm định kém; việc đánh giá hiệu quả của dự án chỉ ở khu vực công với nhau chứ không lấy ý kiến bên ngoài, không nhận được những ý kiến phản biện và dễ dẫn đến sai từ đầu. Tiếp đó là thủ tục để thực hiện các dự án rườm rà, vốn bố trí không đủ, chọn nhà thầu không chính xác, đấu thầu thiếu sự minh bạch, thiếu sự cạnh tranh thực sự, dẫn đến những nhà thầu thiếu năng lực vẫn trúng thầu, sau đó bán lại dự án cho các nhà thầu khác. Đặc biệt, có một nguyên nhân lớn không gì khác là sự "vô trách nhiệm" của các chủ đầu tư dự án.

Nhân dân rất mong chờ và kỳ vọng vào hai công trình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 khi đi vào hoạt động thì người dân sẽ được lợi nhất khi được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội. Bệnh nhân ở miền Trung và lân cận Thủ đô như các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình… sẽ tiện lợi khi rút ngắn về khoảng cách đi lại mỗi lần đi khám, chữa bệnh;đồng thời cũng tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, niềm hy vọng có một cơ sở mới vừa nhen lên đã lỡ hẹn với người dân không biết đến bao giờ.

Đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, nếu hai bệnh viên trên sớm hoàn thành đưa vào hoạt động thì biết bao bệnh nhân có thêm điều kiện để chữa trị, có thêm cơ hội sống sót và ngân sách nhà nước không bị phí phạm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. 5 năm chậm tiến độ, đồng nghĩa với việc các hạng mục công trình và máy móc thiết bị sẽ xuống cấp, nhưng đến nay vẫn chẳng ai phải chịu trách nhiệm dù cho vụ việc này từng không ít lần công luận lên tiếng và hâm nóng cả nghị trường Quốc hội cũng như nhiều cuộc họp của Chính phủ.

Ngày 14/9/2022, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai cái tên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 cùng Bệnh viện Tâm thần Bình Dương đã được nhắc đến trong báo cáo giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như một minh chứng sống động của việc chậm tiến độ dẫn đến quá lãng phí nguồn lực, gây bức xúc cho người dân. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói: "Đôi khi thất thoát lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”, quả không sai.

Đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, kém hiệu quả đã là một sự lãng phí; xây xong bỏ hoang còn lãng phí gấp nhiều lần. Nếu vẫn còn tồn tại lối tư duy tiền ngân sách là “tiền chùa” thì mỗi năm, câu chuyện các dự án, công trình xây dựng xong rồi bỏ hoang vẫn tiếp tục đều đặn mọc lên.

Với thông điệp “Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm"thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm mạnh tay thay thế những cán bộ vô trách nhiệm, thiếu năng lực, vô cảm, để khơi thông những điểm nghẽn, dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân đầu tư công, bởi các cán bộ yếu kém đó cũng chính là các "cục máu đông" gây tắc nghẽn cả hệ thống bộ máy.

Mạnh tay chữa trị căn bệnh “chậm tiến độ” sẽ đem lại nhiều hiệu quả, người dân bớt khổ, đất nước có cơ hội phát triển mạnh hơn.

Cù Tất Dũng
.
.