Thụ hưởng văn hóa

Thứ Sáu, 10/11/2023, 09:43

Câu chuyện về gói đầu tư 350.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu "chấn hưng văn hóa" đang được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, khi tất cả còn đang ở thì tương lai, văn hóa như hơi thở từng ngày của một dân tộc, của từng cá nhân. Song hành với bảo tồn, phát huy, xác định, xây dựng các hệ giá trị là câu chuyện thụ hưởng văn hóa trong thời đại hôm nay. Chúng ta có được điều gì, nên làm gì và tận hưởng những lợi ích văn hóa đó đến đâu?

Hôm rồi, có một bác đã hỏi tôi: "Anh đi xem phim "Đất rừng phương Nam" chưa?". Tôi đoán rằng câu hỏi này không chỉ mang ý nghĩa xác nhận thông tin mà còn có một ẩn ý, kiểu như: Anh đứng về phe nào, khen hay chê? Tôi lắc đầu và thừa nhận vì mình bận rộn nên chưa tới rạp xem được. Nhưng, điều mà tôi chắc chắn cảm nhận được về bộ phim của đạo diễn Quang Dũng là chính sự đa chiều, sự đối thoại, tranh biện từ bộ phim này mở ra một cách nhìn: Đã đến lúc chúng ta cần đối thoại trong tiếp nhận thay vì đón nhận thụ động. Một bộ phim được phép công chiếu như "Đất rừng phương Nam"; một bộ sách giáo khoa được ban hành như "Kết nối tri thức với cuộc sống," Ngữ văn 6 (có bài thơ "Bắt nạt" cần phải được đối thoại nghiêm túc, tôn trọng khoa học đúng như tinh thần của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà chúng ta đang hướng tới.

untitled-2.jpg -0
Tuyến phố đi bộ nhưng lại cho kinh doanh xe điện mini.

Sự đối thoại sẽ tạo ra sự phân loại giữa các nhóm tiếp nhận, giúp chúng ta thấy được phụ huynh, học sinh và xã hội có nhận thức, chính kiến chứ không dễ bị "bắt nạt". Người viết cho rằng điều quan trọng nhất là người tiếp nhận được tham gia vào chu trình sáng tạo nội dung chứ không còn là sự "độc diễn" của các nhà biên soạn. Bởi thế, sẽ là rất thú vị với sự thẳng thắn của tác giả bài thơ, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, khi trả lời trên Báo Dân trí: "Tôi thấy bài thơ đủ chất lượng nghệ thuật để vào sách giáo khoa ngữ văn chứ. "Bắt nạt" cũng có nhiều lớp nghĩa, nhiều kỹ thuật văn chương để học sinh lớp 6 khám phá. Tôi sao có thể gật đầu đưa một tác phẩm của mình vào sách giáo khoa nếu bài thơ đó dở được".

Còn nhớ, cách đây 18 năm, nhà văn Hồ Anh Thái từng nhận định về thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh trên Tuổi trẻ Chủ nhật: "Một người làm thơ của thời đại Internet, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã gửi hết lên mạng cả nghìn bài thơ, nhiều khi là sự ứng tác tức thời với bạn bè. Nhà thơ Dư Thị Hoàn sục vào đâu đó trên mạng, lấy được vài trăm bài thơ của Linh, hào phóng chia sẻ với bạn văn. Tôi đọc. Giật mình. Tưởng đã quen nhờn với thơ mà vẫn còn giật mình được. Mỗi tháng trung bình nhận được từ văn phòng hội vài ba chục tập thơ tác giả gửi tặng. Một chồng thơ trên mặt bàn mỗi tháng bắt phải đọc. Thế mà thơ Linh bật hẳn ra".

Sau gần hai thập niên, sự độc đáo, mới lạ của một cây bút đã trở thành "điểm nóng" cho những tranh biện về văn hóa. Theo người viết, điều quan trọng là bài thơ "Bắt nạt" có đáp ứng được những đòi hỏi của thế hệ hôm nay hay không? Thái độ của người tiếp nhận qua từng chủ đề, trong từng thời điểm sẽ cho chúng ta thấy mình đã tiếp thu được những giá trị gì? Yếu tố nào sẽ làm phong phú thêm, khởi sắc hơn cho văn hóa bản địa. Xem ra, để thụ hưởng được giá trị của một bài thơ, người đọc, người học ngày nay sẽ phải vất vả chứ không nhàn nhã ngâm ngợi uống trà, thưởng trăng như cổ nhân.

nhiều em nhỏ cảm thấy sợ hãi khi mình bắt buộc phải tham gia lễ hội halloween cho thấy không thể thụ hưởng văn hóa một cách thụ động-ảnh báo sức khỏe đời sống.jpg -1
Nhiều em nhỏ sợ hãi khi phải tham gia lễ hội Halloween cho thấy không thể thụ hưởng văn hóa một cách thụ động.

Nhưng liệu có phải hiện tượng nào xuất hiện cũng được đối thoại kĩ càng, được sàng lọc kĩ như thế? Theo một khảo sát tháng 11 năm 2022 của Báo điện tử VnExpress có khoảng 63% người cho rằng không nên tổ chức Halloween, có 32% người cho rằng nên tổ chức và còn lại là một số ý kiến khác. Vậy tại sao một lễ hội với những hình ảnh xấu xí, đáng sợ lại có chỗ đứng trong xã hội hơn 10 năm qua; thậm chí sự kiện này còn được một số em nhỏ háo hức đón đợi bằng việc chuẩn bị các món đồ như: áo choàng ma cà rồng, bí ngô, mặt nạ hóa trang, nón hóa trang… Vậy, Halloween đáng sợ hay đáng yêu?

Những người theo quan điểm ngại tiếp thu cái mới sẽ có cớ để gắn sự kiện này với cơn sốt Blackpink, với các bộ phim Việt "bom tấn" hay những  món đồ hiệu. Người có suy nghĩ cởi mở lại cho rằng đó là xu thế. Vấn đề ở đây là chúng đã sàng lọc, lựa chọn như thế nào hay đang đồng nhất sự tiếp thu một cách cơ học với thụ hưởng văn hóa. Nếu nó quả thật không phù hợp thì không tiếp thu khiên cưỡng và ngược lại.

Nói đến đây, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng  đến những "cơn sốt" văn hóa mới. Khi kinh tế đêm mở ra hướng khai thác mới đầy hứa hẹn, nhiều địa phương đã bắt tay vào việc xây dựng các tuyến phố đi bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân khi được giải trí sau một tuần làm việc mệt nhọc. Thế nhưng để phố đi bộ không biến thành các chợ ăn vặt, để không tạo ra áp lực giao thông lại đòi hỏi cách làm hiệu quả. Suy cho cùng, mọi hoạt động đều phải đạt đến lợi ích, lợi ích ấy đến từ phía đối tượng được thụ hưởng. Bởi thế, không phải lúc nào quy mô, tính chất hoạt động cùng tỉ lệ thuận với giá trị.

Ở một chiều hướng khác, người viết khá bất ngờ khi được tin các thầy cô Trường THCS Gia Thanh (Huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) sẽ nhận được giải thưởng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khi đưa chiếc nón vào bài giảng của nhiều môn học. Cụ thể như: tính chu vi, đường kính, diện tích chiếc nón (với môn Toán); Thực hành vẽ phong cảnh (môn Mỹ thuật); tìm hiểu quá trình xử lý hóa học (môn Hóa)… (theo: Bình Minh, vnexpress.net). Người viết nghĩ rằng dù chỉ là một việc làm khá đơn giản nhưng nếu chúng ta lãng quên sẽ thiệt thòi cho chính con em mình. Từng đối tượng sẽ có nhu cầu thụ hưởng văn hóa phù hợp lứa tuổi, yêu cầu của riêng mình.

hình ảnh chiếc nón lá được đưa vào bài học tại trường thcs gia thanh-ảnh hiền mai-báo phú thọ.jpg -0
Hình ảnh chiếc nón lá được đưa vào bài học tại Trường THCS Gia Thanh.

Cũng như các lĩnh vực khác, việc thụ hưởng văn hóa cần có những tiêu chí rõ ràng thay vì sự cảm tính mơ hồ. Bởi thế, người viết bước đầu xin nêu ra một vài điểm cơ bản: Một là, thụ hưởng văn hóa dựa trên thị hiếu thẩm mỹ của người Việt. Chúng ta cần bổ sung các yếu tố như thế nào để phù hợp xu thế, làm giàu cho vốn văn hóa của dân tộc mình. Hai là, thụ hưởng văn hóa dựa trên các giá trị chứ không dựa trên tính chất, quy mô; Ba là, thụ hưởng văn hóa phải đặt trong mối tương quan với giao lưu văn hóa, đối thoại văn hóa chứ không dừng ở việc thụ hưởng một cách bị động.

Trong đời sống hôm nay có muôn vàn con đường để giúp chúng ta tiếp cận các giá trị. Bản thân mỗi người lại có lựa chọn riêng khi đứng trước các cơ hội. Ví như, khi tổ chức một đám cưới, tiệc sinh nhật, viết dòng quảng cáo hay đơn giản là viết một caption trên trang cá nhân bạn cũng đang tạo ra một sự ảnh hưởng với người khác và ngược lại. Chúng ta được thụ hưởng các giá trị, chúng ta có quyền thể hiện cảm xúc nhưng điều quan trọng là sẽ tiếp nhận, thẩm thấu như thế nào để làm giàu cho kho tàng văn hóa Việt như ông cha ta đã từng làm.

Bộ phim "Đất rừng phương Nam", bài thơ "Bắt nạt", nhóm Blackpink… có thể chỉ là sự khởi đầu để mở ra một trang mới cho những đối thoại. Nói như lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ, Mahatma Gandhi (1869-1948): "Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân", văn hóa sẽ ngưng đọng trong tâm hồn mỗi người để thành những giá trị tốt đẹp mà chính chúng ta là người thụ hưởng.

Kiến Văn
.
.