Thông điệp quyền lực văn hóa Việt

Thứ Năm, 21/07/2022, 14:08

Trong 4 ngày (từ 11 tới 14/7), triển lãm “Hồn xưa bến lạ” với sự đồng hành của nhà đấu giá Sothebys danh tiếng đã được tổ chức tại khách sạn Park Hyatt, TP Hồ Chí Minh. Đây là một triển lãm các tác phẩm của 4 họa sĩ “đời đầu” của Trường Mỹ Thuật Đông Dương là Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm.

“Hồn xưa bến lạ” với số lượng tác phẩm trưng bày được xem là đồ sộ nhất từ trước tới nay (hơn 50 tác phẩm trải dài theo từng thời kỳ sự nghiệp của mỗi hoạ sĩ) đã thu hút đông đảo những người yêu mến hội họa và tạo tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật.

Một trong những nét rất độc đáo của “Hồn xưa bến lạ” là equipe tổ chức đều là những người rất trẻ và giàu nhiệt huyết đối với nền mỹ thuật nước nhà. Điển hình là giám tuyển Ace Le, một người từng nghiên cứu ở nước ngoài và có rất nhiều hiểu biết sâu sắc về thế giới mỹ thuật hôm nay, cách thức vận hành của thị trường mỹ thuật, các ưu khuyết của hệ thống đấu giá đương thời.

Thông qua “Hồn xưa bến lạ”, nhóm tổ chức đã lẳng lặng khẳng định một quyền lực Việt thông qua các thông điệp và hành động. Họ kỳ vọng từng bước đi như thế này sẽ giúp dần dần định vị mỹ thuật Việt Nam trên bản đồ quốc tế trong tương lai cũng như việc người Việt có thể tự chủ trên bàn cờ thị trường mỹ thuật (theo như những thổ lộ của giám tuyển Ace Le).

Cụ thể, mọi tác phẩm trưng bày ở triển lãm này đều được mượn từ các nhà sưu tập Việt Nam “nội địa”. Kế đến, các bản văn diễn dịch cho sự kiện đều được ưu tiên viết bằng tiếng Việt để đề cao sự tinh tế, các thâm ý của tiếng Việt. Sau đó, những bản văn ấy mới được dịch sang tiếng Anh để đảm bảo tính quốc tế. Điều đó cho thấy nhóm tổ chức hướng rất rõ đến công chúng trong nước, công chúng là người Việt. Ngoài ra, việc thẩm định tranh cũng hoàn toàn sử dụng các trí thức, nhà phê bình nội địa người Việt đồng thời các gia công, thiết kế phục vụ triển lãm cũng đều được giao thầu cho các đơn vị trong nước. Sự chỉn chu ấy không nằm ngoài khát vọng mà giám tuyển Ace Le đã đề ra là “khẳng định quyền lực Việt”.

“Hồn xưa bến lạ” đã thu hút tới 5 ngàn lượt người xem chỉ trong 3 ngày, một con số đáng mơ ước với bất kỳ triển lãm nào. Và đây chính là kết quả mà nhóm tổ chức muốn hướng tới trong việc sử dụng quyền lực Việt để chấn hưng mỹ thuật Việt. Họ đặt ra mục tiêu chỉ cần mỗi năm một gia đình trung lưu Việt Nam đi xem 10 triển lãm như thế hoặc mua 1 bức tranh thật thay vì mua sắm vài bộ quần áo mới, nền mỹ thuật Việt Nam sẽ xác lập vị thế vững chắc của mình mà không cần trông chờ vào lực lượng tiêu thụ ngoại biên.

Điều đáng nói nhất chính là thái độ mà nhóm tổ chức trẻ trung và khát vọng này đã thể hiện thông qua “Hồn xưa bến lạ”. Đó chính là việc xây dựng tinh thần tự tôn trong thời đại kinh tế tân thực dân mà nguyên văn lời giám tuyển Ace Le đã trải lòng là, “đó là một câu chuyện văn hoá - nghệ thuật mà chúng ta có quyền, và có trách nhiệm, tự kể”. Mong rằng, sau “Hồn xưa bến lạ”, sẽ có rất nhiều câu chuyện Việt được tự kể theo cách này.

Văn Đoàn
.
.