Thời gian nghỉ ngơi và sáng tạo của giới trẻ

Thứ Năm, 15/12/2022, 10:31

"Theo bạn nghỉ Tết bao nhiêu ngày là đủ?". Câu hỏi tưởng đã cũ kĩ này mỗi năm lại nhận được những ý kiến phản hồi khác nhau.

Đặc biệt, người viết chú ý đến  ý kiến của một bạn trẻ, hiện là sinh viên của Trường Đại học Khoa học và xã hội nhân văn TP Hồ Chí Minh: "Với một người chỉ về quê 2 lần một năm như mình thì việc muốn có ngày nghỉ dài vì muốn ở bên cạnh gia đình nhiều nhất. Nghỉ dài thì mình không thể cứ nằm ườn ra không làm gì vì ngày Tết cả gia đình còn phải lo sắm sửa, dọn dẹp hay đi thăm họ hàng. Riêng mình thì sẽ tận dụng để học thêm tiếng Anh hay có thêm thời gian suy nghĩ về một năm qua đã làm được những gì và cần cải thiện những gì" (Bùi Thị Trang Thư, 22 tuổi).

Đọc xong những lời này, chúng ta nhận ra Trang Thư là một cô gái chăm chỉ. Nhưng ngoài ra, cô còn dành thời gian cho một hoạt động đáng chú ý khác: "có thêm thời gian suy nghĩ về một năm qua đã làm được những gì và cần cải thiện những gì". "Suy nghĩ" ấy là cách sống chậm, dành để phân tích về những điều đã qua hay là một cách "thưởng Tết" mới của giới trẻ? Có lẽ chỉ cần nhìn vào cách ai đó tận hưởng những ngày nghỉ, ta sẽ nhận ra động lực của họ trong những lúc làm việc như thế nào.

nghỉ ngơi để suy ngẫm- nguồn ảnh vietnamplus.vn.jpg -0
Nghỉ ngơi để suy ngẫm.

Người viết nhớ đến một câu nói của ai đó, điều đáng sợ nhất chưa hẳn là phải làm việc dài ngày mà sẽ phải trở lại thế nào sau kì nghỉ. Suzanne Degges-White, nhà trị liệu tâm lý kiêm Chủ tịch Khoa Tư vấn và Giáo dục Cao cấp tại Đại học Bắc Illinois (Mỹ) cho rằng: "Khi trở về cuộc sống thường nhật, phần lớn chúng ta phải tiếp tục chuỗi ngày báo cáo với cấp trên về những gì đang làm, cách thức tiến hành và thời hạn hoàn thành". Cỏ vẻ như việc duy trì động lực trong công việc không chỉ đơn giản là các biện pháp: dậy sớm, mặc đẹp, nghe nhạc, kết nối, đặt ra mục tiêu… những cách thức mà giới trẻ đang sử dụng mà còn phụ thuộc vào những điều khác nữa.

Lâu nay, khi chúng ta ghé một quán café, qua một trung tâm điện máy, trung tâm thương mại… cũng đã từng nghe câu hát quen thuộc: "Nhiều khi muốn một mình nhưng sợ cô đơn" trong bài "Ai chung tình được mãi" của nhạc sĩ Đông Thiên Đức. Nhưng có vẻ như, trước áp lực dư luận từ các mối quan hệ và từ sự tương tác của mạng xã hội, nhiều người trẻ lại không "sợ cô đơn" khi chọn lối đi "một mình" cả trong cách sống và suy nghĩ. Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên cho rằng: "Với giới trẻ, họ đang không chắc chắn về tương lai và tài chính của mình. Luôn có áp lực khiến họ phải tỏ ra các nhóm bận rộn, luôn luôn phải là kẻ "thành công" và từ đó, họ trở thành những người "cô đơn".

Như vậy là, trong khi các nhà quản lý hàng năm còn đang đau đầu trước "điệp khúc": "tắc đường", "cháy vé", và "7 nỗi khổ mang tên "Tết của người lớn" như: "Tiền ơi ở đâu?"; "1001 câu hỏi bao giờ?"; "Nỗi sợ mang tên dọn dẹp"… thì người trẻ lại đang "bận" cô đơn. Nhưng suy cho cùng, cô đơn như thế nào mới là vấn đề căn cốt nhất của giới trẻ. Cô đơn có phải là đơn độc, dị biệt, là sự phản ứng với xã hội hay là cách tìm lối đi, thiết lập nên một cái "tôi" riêng, phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh riêng.

Nói đến đây, chắc chắn không ít người sẽ phản đối. Chẳng phải chúng ta đang thấy giới trẻ thường đón Tết kiểu "iEverything" đó sao? Thậm chí, có bài báo còn nhận diện xu thế đón nhận và "ăn" Tết rất tiến bộ của giới trẻ: "Với xu hướng trao tặng món quà sức khỏe trong dịp Tết, có thể thấy thế hệ Z đang tận hưởng cuộc sống với đầy nhiệt huyết, một lối sống khỏe khoắn, tươi tắn với các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe, để thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình và cả cộng đồng". "Nhiệt huyết", "khỏe khoắn", "tươi tắn"… là đối trọng so với thú vui nhậu nhẹt, ngủ nướng hay ngại tiếp xúc trong dịp Tết của bộ phận giới trẻ khác. Hai xu thế này đang song song, đang khiến chúng ta khó nhận diện đâu là động lực, khát vọng mục tiêu của giới trẻ. Họ đang tìm đường, đang suy ngẫm hay thực sự đang bế tắc khi không biết phải bắt đầu như thế nào?

nhờ có sự sáng tạo của lê yên thanh, người dân dễ dàng tìm xe, tìm bến xe buýt với ứng dụng busmap- ảnh t. ba.jpg -0
Nhờ có sự sáng tạo của Lê Yên Thanh, người dân dễ dàng tìm xe, tìm bến xe buýt với ứng dụng BusMap.

Nhưng, suy cho cùng, ngay cả cách mà giới trẻ né tránh "7 nỗi khổ" đã nêu trên hay bằng nhiều cách thức khác nữa thì nỗi "cô đơn" ấy cũng đâu có gì lạ? "Cô đơn" có lẽ chỉ là một phản ứng, một cách định danh bản lĩnh vượt ra khỏi lực hút của "bầy đàn".

Trong một lần tham gia buổi toạ đàm, bà Bùi Trân Phượng (Top 20 người phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT NES Education, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen) từng đưa ra một phát biểu: "Nếu các bạn trẻ bây giờ muốn thu ngắn khoảng cách cạnh tranh của mình với thế giới thì phải tự cho phép mình là chính mình khi mà bản thân không được gia đình và xã hội định hướng".

Thế mới biết: "phải tự cho phép mình là chính mình" tưởng như là điều đơn giản nhưng thật ra không phải bạn trẻ nào cũng cho phép bản thân hay được chính bản thân mình cấp phép. Chúng ta đều biết, khi mới là tân sinh viên, Lê Yên Thanh (Giám đốc Công ty BusMap ngày nay) đã bắt tay ngay vào việc sáng tạo nên một ứng dụng thông minh miễn phí. Để rồi chưa đầy mười năm sau đó BusMap bất ngờ trở thành quán quân hạng mục "Thành phố thông minh thuộc ITU Digital World Awards" do Liên minh Viễn thông Quốc tế tổ chức".

Đã và đang có những người Việt trẻ tự "cấp phép" cho bản thân như thế vì một xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ hơn. Phải chăng, các bạn trẻ này cũng từng khởi đầu sự thành công bằng chính những phút sống chậm để "một năm qua đã làm được những gì và cần cải thiện những gì"  như điều mà bạn Bùi Thị Trang Thư đã chia sẻ ở trên. Trong cuốn sách có tựa đề: "Sacred Rest: Recover Your Life, Renew Your Energy, Restore Your Sanity" (Nghỉ ngơi là thiêng liêng: Phục hồi cuộc sống, tái tạo năng lượng, khôi phục tinh thần) của nữ bác sĩ người Mỹ Saundra Dalton-Smith, có viết: "Loại nghỉ ngơi thứ tư là nghỉ ngơi để sáng tạo (creative rest). Loại nghỉ ngơi này đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ ai phải giải quyết vấn đề hoặc động não để hình thành ý tưởng hay tư duy mới. Nghỉ ngơi để sáng tạo đánh thức lại sự kinh ngạc và ngạc nhiên bên trong mỗi chúng ta. Hãy cho phép bản thân tận hưởng vẻ đẹp của không gian ngoài trời - ngay cả khi đó là ở công viên địa phương hay ở trong sân sau nhà bạn - trong trạng thái nghỉ ngơi để sáng tạo" (theo Lê Hữu Huy - Nghỉ ngơi cũng phải học).

Khi bạn ngạc nhiên với chính mình, đó là khi bạn đã đánh thức được nội lực, hướng đến những giá trị tốt đẹp và thực hiện ước mơ. Sẽ không là quá lời khi cho rằng nếu bạn biết nghỉ ngơi đúng cách là bạn đang sống có trách nhiệm với bản thân mình cũng như với xã hội. Đâu phải cứ lao vào công việc một cách máy móc, nôn nóng và gấp gáp bạn mới có được sự thành công nếu như không biết mình có thế mạnh và triển vọng như thế nào trong tương lai. Với mỗi chúng ta, nhất là những người trẻ hãy tìm cho mình một cách tích luỹ và bứt phá tích cực, năng động và đầy sáng tạo như thế…

Lương Việt
.
.