Thời gian của sự lựa chọn

Chủ Nhật, 23/02/2025, 11:08

Cho đến bây giờ, chúng ta cũng chưa thể lý giải được tại sao những bộ óc vĩ đại của nhân loại lại có những quan niệm về thời gian độc đáo như thế. Nếu như Albert Einstein (1879-1955) cho rằng: "Thời gian không thực sự tồn tại, mà chỉ là một ảo ảnh về tư duy". Trong khi, Isaac Newton cũng quan niệm thời gian: "Như một mũi tên bắn ra từ cây cung, đi theo đường thẳng, thẳng mãi và không bao giờ lệch khỏi đường đi của nó".

Xin nhường lại những kiến giải khoa học cho các nhà khoa học của hôm nay và mai sau nhưng bất luận ra sao, thời gian đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống con người ở cả phương diện tinh thần và vật chất. Giá dầu thô, vàng, cổ phiếu, bất động sản... biến động từng phút và chỉ cần lướt qua kho tàng các giá trị được người nghệ sĩ sáng tạo ra đã thấy những biểu tượng của thời gian như thế.

Từ "Đi tìm thời gian đã mất" của Marcel Proust (1871-1922), đến "Cỗ máy thời gian" của  H. G. Wells (1866-1946), "Cát bụi thời gian" của Sidney Sheldon (1917-2007)... Suy cho cùng, bản thân nghệ thuật chính là thông điệp vượt thời gian để gửi đến các thế hệ mai sau và cái đẹp chính là minh chứng cho khát vọng muốn được trường tồn của con người trước thế giới. Con người không được lựa chọn thời gian để sinh ra và kết thúc cuộc đời nhưng vẫn có thể tạo ra thời gian cho riêng mình.

tndsd9~q.jpg -0
Thời gian của sự lựa chọn.

Gác lại những câu chuyện về thời gian một cách trừu tượng, xin hãy hướng đến một thứ thời gian khác, thời gian của sự kì vọng. Mới đây, một thông tin được lan tràn trên mạng xã hội khiến nhiều người thắc mắc: "Năm 2148 sẽ có nhuận 2 tháng Giêng" và giả thuyết: "Được ăn Tết 2 lần". Thắc mắc này đã được ông Trần Tiến Bình, nguyên cán bộ Phòng Nghiên cứu lịch (Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) trả lời trên Báo Dân trí: "123 năm nữa mới đến ngày đó, không ai có thể rõ được, nhưng có lẽ không ai đón Tết 2 lần cách nhau 1 tháng". Từ câu trả lời của vị chuyên gia này đã gợi ý cho người viết một suy nghĩ khác: Nếu có thêm một ngày Tết Nguyên đán nữa chúng ta sẽ ứng xử như thế nào? Thời gian có làm khó chúng ta không? 

Thực ra, thời gian hay bất cứ điều gì khác chỉ được đo đếm bằng chính sự cảm nhận của chúng ta chứ không phải các thiết bị đo lường. Harvey MacKay từng nói: "Thời gian miễn phí, nhưng nó vô giá. Bạn không thể sở hữu nó, nhưng bạn có thể sử dụng nó. Bạn không thể giữ nó, nhưng bạn có thể tiêu nó. Một khi bạn đánh mất nó, bạn không bao giờ có thể lấy lại".

Theo cách nói của nhà văn người Mỹ, chúng ta lại có thể ngẫm ra thời gian chính là thứ tài sản, thứ vốn liếng quý giá mà mỗi người phải cân nhắc, lựa chọn cách chi tiêu sao cho có lợi nhất cho mình. Hay, nói cách khác, mỗi người sẽ phải chịu một áp lực riêng, áp lực ấy có thể biến thành động lực để phấn đấu và cũng có thể đẩy người ta vào sai lầm, tội lỗi. Khi ấy, thời gian không còn là cơ hội, là món quà của tương lai đúng nghĩa.

Còn nhớ, trong bài "Tương lai của người trẻ", cố tác giả Đỗ Thành Long (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ) từng phân tích: "Khi không còn sự lựa chọn về một công việc tốt, thay vì có thể quay về với các công việc thủ công truyền thống hoặc làm nông nghiệp để nuôi sống bản thân và gia đình như cách các thế hệ trước đã làm, nhóm người này, không tài sản tích lũy, không đất đai, còn rất ít khả năng để tự quyết định tương lai của mình. Và, đích đến về một cuộc sống an cư lạc nghiệp như các thế hệ trước ngày càng trở nên mịt mù. Áp lực này khiến cho một bộ phận giới trẻ trở thành đối tượng lý tưởng cho hoạt động lừa đảo, nơi hoạt động đầu tư được tô vẽ bởi lợi nhuận cao và rủi ro thấp bằng hình ảnh các doanh nhân thành đạt, hay ở một thái cực khác là việc đơn giản buông xuôi, không cần nỗ lực, cố gắng hoặc dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn" (theo: Báo Dân trí).

nhiều người trẻ bị áp lực bởi thời gian-ảnh internet.jpg -1
Nhiều người trẻ bị áp lực bởi thời gian.

Thật tiếc, nhiều người trẻ đã không nhận ra thời gian chỉ thực sự ý nghĩa khi chúng ta có một hướng đi, một khát vọng, một cuộc cạnh tranh lành mạnh và vì sự phát triển chung. Họ lo sợ bị bỏ lại, sợ phải đi một mình trên con đường riêng. Nếu là một người trẻ, bạn đã bao giờ tự hỏi, khi thực hiện hợp nhất, tinh gọn bộ máy, đã có nhiều người tình nguyện nghỉ hưu sớm vì sự phát triển chung, điều ấy có lợi gì cho mình?

Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị, một người đã xin nghỉ trước 2 năm chia sẻ: "Tôi tin rằng, việc trao cơ hội cho thế hệ trẻ là một trong những công việc đầu tư chiến lược cho tương lai của đất nước. Chúng tôi cần tạo ra một môi trường thuận lợi để họ có thể phát huy hết tiềm năng của mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (theo: VTC New).

Mục tiêu "Đầu tư chiến lược cho tương lai" không chỉ thể hiện tinh thần của Nghị định 178 mà còn là khát vọng mà các thế hệ đã có nhiều cống hiến gửi đến thế hệ mai sau. Việc nghỉ hưu trước thời hạn không chỉ tạo cơ hội cho thế hệ sau phát triển, không những vì lợi ích chung mà còn là một thứ tài sản quý giá mà họ đã tạo ra cho xã hội có tên là thời gian. Thời gian ở đây là cơ hội đổi thay, bứt phá, gửi gắm trong đó sự kì vọng vào người trẻ.

Sự đóng góp cũng là một hành động đẹp, cho thấy cánh nhìn mới, một ứng xử văn hóa trong bối cảnh mới. Văn hóa nhường lại chỗ đứng, văn hóa tạo ra cơ hội phát triển cho xã hội. Những nút thắt, điểm nghẽn trong xã hội chỉ thực sự được tháo gỡ khi ngay chính trong suy nghĩ của mỗi người phải gỡ bỏ được những định kiến, những nếp nghĩ cũ thay vì tham quyền, cố vị là tạo tác, khích lệ cho những nhân tố mới.

cần trao cơ hội và thời gian cho người trẻ-ảnh internet.jpg -0
Cần trao cơ hội và thời gian cho người trẻ.

Tất nhiên, việc nhiều cán bộ đã có thâm niên nghỉ hưu sớm không có nghĩa là họ chấm dứt các hoạt động chuyên môn hay lãng phí nguồn lực tài năng của đất nước. Người viết cho rằng, nghỉ hưu không có nghĩa là sự khoanh tay mà đó là sự cơ cấu, sắp xếp lại, tạo nên một xã hội hài hòa, tiến bộ hơn. Khi dừng lại công việc ở cơ quan, xí nghiệp, nhiều người về nghỉ sớm và có đủ thời gian, sức khỏe tự chủ trong kinh doanh, sáng tạo số, hợp tác... thúc đẩy các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển cũng như đóng góp cho nhiều hoạt động xã hội. Nói cách khác, họ lại tạo ra một thứ thời gian khác cho mình, họ vừa là người cho đi, vừa là người nhận lại. Một xã hội muốn phát triển luôn cần đến sự đa dạng, phong phú. Lĩnh vực nào cũng cần đến người tài và sự bắt đầu chưa bao giờ là muộn.

Ngày nay, nếu theo dõi thông tin trên báo chí, bạn sẽ không thể nhớ hết các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ (kể cả người từng du học nước ngoài) đã về nông thôn làm nông nghiệp sạch, làm các mô hình kinh doanh dịch vụ hiệu quả. Trong khi đó, nhiều người nông dân chân lấm tay bùn đã nhanh nhạy nắm bắt công nghệ để khởi nghiệp, tạo chỗ đứng cho thương hiệu... Đó là những chuyển động tích cực, tất cả đều vì sự giàu có, sung túc và phát triển của xã hội.

Ai cũng có quyền sử dụng và lựa chọn thời gian. Ai cũng có quyền kì vọng ở bản thân và tạo ra thời gian cho mình. Thời gian ấy chính là sự lựa chọn sáng suốt để tạo ra hạnh phúc. Một sự sáng suốt, tỉnh táo và thông tuệ cũng chính là vẻ đẹp văn hóa trong cuộc sống hôm nay...

Lâm Việt
.
.