Thơ trẻ - “hót một giai điệu đang chạy”

Thứ Sáu, 02/05/2025, 09:02

Wislawa Szymborska - nữ sĩ Ba Lan, Nobel văn chương 1996 - từng viết: “thơ là gì vậy/ với câu hỏi này/ đã có nhiều câu trả lời run rẩy”. Phải, thơ (cũng như văn chương hay nghệ thuật nói chung) luôn ở trạng thái trên - đường, là cái - đang - là, không bao giờ có thể xong xuôi, hoàn tất.

Như một bất ngờ thú vị, những năm gần đây xuất hiện nhiều nhà thơ trẻ dùng thơ để nghị luận về thơ, càng cho thấy thơ luôn được đặt vào tình thế tái nhận thức. Đó là các trường hợp như Hoàng Thụy Anh với thi tập “Người đàn bà sinh ra từ mưa”; Bùi Thị Diệu - “Còn bông cúc vàng ở lại”; Nguyễn Thị Thúy Hạnh - “Văn học vết thâm”; Hà Hương Sơn - “Cuộc hành hương của giấc mơ”; Nam Thi - “Cô độc nên thơ”; Khét - “Ở đậu trong nhau” và “Chín nhánh da vàng” (Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022); Vĩ Hạ - “Đi tìm những bóng người” (Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022); Đoàn Nguyễn Anh Minh - “Tôi học ca hát như những cuộc vui mình đã chọn” và “Không còn thơ anh vẽ cho em những hình sao không hái từ trời”; Trần Việt Hoàng - “Ngày chưa sương vội”; Minh Anh - “Một ngày từ bên trong” (Giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023)…

a.jpg -0
Tác giả trẻ Minh Anh (sinh năm 2007) tại Hội nghị Những người viết trẻ TP. Hồ Chí Minh lần thứ V, tháng 10/2024.

Hãy cùng đọc chậm hai thi tập: “Văn học vết thâm” của Nguyễn Thị Thúy Hạnh (sinh năm 1987) và “Một ngày từ bên trong” của Minh Anh (sinh năm 2007).

“Văn học vết thâm”, ngay từ cái tên của tập thơ đã dư dôi đa bội về nghĩa, bởi ở đây có sự tích hợp lấp lửng nước đôi về thể loại. Là thơ đấy, nhưng cũng là nghị luận về thơ đấy. Là thực hành thơ đấy, nhưng cũng là tuyên ngôn thơ đấy.

Thơ là một phạm trù động và mở, chưa định hình mạch lạc sáng rõ. Nhưng cái đến sau chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó có khả năng đánh thức, thách thức, khuấy đảo, gây bất an cho những quán tính chữ: “những giấc mơ của em tràn đầy phổi anh/ nơi ô cửa trần truồng chim họa mi/ hót một giai điệu đang chạy/ và cắt ngang cơ thể/ xé bầu không khí bằng một đám tóc rối”. Thơ không có lối đi dành cho hai người, là “một cô lập và một mời mọc”. Thơ là cái vừa tìm thấy vừa phế tẩy, là “một tự giết và một tiếp tục”.

Chủ thể thơ nơi tập thơ này tiếp tục hành trình “tìm mặt” của Hoàng Hưng, tìm “bóng chữ” của Lê Đạt, tìm “bến lạ” của Đặng Đình Hưng, tìm “mùa sạch” của Trần Dần, tìm “lõi” của Nguyễn Lương Ngọc… Tuy nhiên, “người chữ” này đã biết “chuồi khỏi” bóng râm, “như một con cá/ đào ngũ khỏi chiếc đĩa”.

Là “người chữ”, chủ thể thơ “một đời ăn chữ/ nay nhả ra tim”. Đọc cũng là sống, một cái sống vượt tràn mọi giới hạn: “tôi ăn cả Nam Bắc Đông Tây/ nhai và nuốt, lưỡi lùa ánh sáng”; “có khi tắm nước ca dao, thân thể thơm mát”; “đêm nay ta bói Đường thi/ cỏ Lĩnh Nam buồn rối tóc em lùa”. Đọc, cho “thân thể phì nhiêu chữ”. Chừng nào “anh thở một ngực xuân/ môi em đã chín nhụy tơ tằm” thì chừng đó “những từ nở thành bươm bướm”. Thơ là lệ của đời, nhưng thơ cũng là tinh của lời: “nỗi buồn là con sâu đo bầu trời/ dằng dặc bản nháp gió”. Thử nghiệm và thử nghiệm. “Kiếp thơ triền miên”.

Thơ trong tập thơ “Văn học vết thâm” là cách chủ thể thơ “đạp tung chật hẹp”, để “xới hành trình khác”, để “mặc một thế giới khác”. Vừa “hành xác”, vừa “hành lạc”. Khoái cảm bình phương: khoái cảm được sáng tạo kiểu thơ hàm ngôn kín nghĩa thách thức cái đọc nhân với khoái cảm được “cầm tay những người lạ mặt”, tức lớp người đọc mới.

tac gi%3f tr%3f nguy%3fn th%3f thúy h%3fnh.jpg -1
Tác giả trẻ Nguyễn Thị Thúy Hạnh.

Với Nguyễn Thị Thuý Hạnh, thơ là “cuộc tìm tiếng” không hồi kết. Mỗi cuộc tìm là “những âm thanh bơi sải mở ra”. Mở ra “tiếng nói này và tiếng nói khác”. Khai phóng những khả thể sống và những khả thể thơ.

Minh Anh cũng coi thơ là một cái gì đó như “đường chân trời không thể nắm được”, nên cứ mặc kệ thơ mình đứng ngoài mọi định nghĩa. Thơ trong tập thơ “Một ngày từ bên trong” của chị tự nhiên như hơi thở, là “lời nói thật lòng”, là “những khoảnh khắc mà con tim đã giữ lại”.

Minh Anh bao dung chấp nhận tất cả sự “thô ráp”, “thô sơ”, “trần trụi”, “khiếm khuyết”, “dang dở” của suy tưởng cũng như của ngôn từ, miễn là “chân thật”, “tự nhiên”, “nguyên thủy”: “bạn là bài thơ dang dở/ khiếm khuyết hoàn hảo/ những câu thơ ngớ ngẩn và thô ráp/ nhưng đẹp lạ lùng/ cho những ai có thể cảm nhận/ ánh trăng rằm nguyên thủy trong veo”.

Đọc thơ Minh Anh, đừng cố công thông diễn tường minh. Cứ thả lỏng để lắng nghe bài thơ gieo tạo trong ta một cảm giác, một khải thị, làm lung lay bất an trong ta một đóng khung mặc định nào đó, hối thúc dụ mời ta mài sắc giác quan để thâu nhận thế giới theo cách của mình.

“Chỉ có những câu hỏi hồn nhiên nhất mới là thực sự nghiêm chỉnh” - nhà văn Kundera trong tiểu thuyết “Đời nhẹ khôn kham” đã viết như thế. Thơ Minh Anh có sự xuất hiện với tần số cao của những câu hỏi. Điều đó thể hiện tính chất biện chứng hiền minh của trạng thái nhận thức: trạng thái lưỡng lự. Bởi, thế giới đa trị đa nguyên, ngay đến bản thân cũng là một khối vô cùng phức hợp trừu tượng, “sáng hơn ánh sáng/ tối hơn bóng tối”, thì làm sao không khỏi ngập ngừng phân vân. Vậy nên, viết thơ, Minh Anh đơn thuần trình ra cái nhìn thế giới bằng ngôn từ, không hề có tham vọng đúc kết khái quát thành quy luật thông điệp.

Không câu nệ vào những quy chuẩn công thức điển phạm, Minh Anh cứ thành thực nói bằng tiếng của mình - một thứ tiếng có giọng, cứ tự do đi bằng đôi chân mình - đôi chân cường lực và trường lực: “bạn là tổ ấm của mình/ hãy biến bản thân thành tuyệt tác/ tuyệt vời như một vườn hoa/ tắm mình trong hoàng hôn nhẹ nhõm”. Chị “trượt”, “biệt tịch”, bất tuân, vô nhiễm bởi “tiếng ồn”: “tôi bị kéo ra khỏi/ mạng lưới thần kinh của mọi người/ ra khỏi dẫn dụ của sự tuân thủ”; “chúng ta mỗi người một con đường/ tìm kiếm chính mình/ trong không gian yên lặng nhất”.

Kiến tạo sự “khác biệt”, “độc đáo”, hẳn nhiên rồi, nhưng Minh Anh không hề theo kiểu “ta là một là riêng là thứ nhất”, mà là hướng đến tinh thần cộng sinh, “cùng nhau”, “kết nối”, bác ái, đại đồng: “tôi tin rằng chúng ta được kết nối với nhau bởi một mạng lưới phức hợp/ ràng buộc với nhau bằng những ngôn ngữ không lời - lạ lùng - đồng nhất”; “kết nối với sự lẻ loi/ thay vì phải theo đuổi sự độc lập tối thượng”. Với Minh Anh, khác biệt nào cũng là “khác biệt của xung khắc và hợp nhất”: “cảm nhận sự ấm áp bên nhau/ cảm nhận vẻ đẹp bên trong diệu vợi”.

Trong tác phẩm “Hoàng tử bé” của nhà văn và phi công người Pháp Antoine de Saint-Exupéry, một nhân vật nói với một nhân vật khác: “Cậu không cần cố gắng để trưởng thành đâu. Nó sẽ tự tìm tới cậu, làm cậu đau lòng, làm cậu muộn phiền, và làm cậu, phải lớn”. Văn chương cũng vậy, là câu chuyện cá nhân, là sự thôi thúc tự thân, tận tâm tận lực của mỗi chủ thể viết. Nói như Minh Anh: “phải chăng, bởi vì quá rõ/ bất kỳ ai lớn lên, sẽ lớn lên từ chính họ”; “tâm hồn ta chỉ lối/ nghệ thuật nở hoa/ khi còn trong bào thai/ ta đã sẵn sàng nở rộ”.

Thơ Minh Anh là nghệ thuật “từ bên trong”, “nghệ thuật của viết xuống”, áp sát cuộc sống, áp sát tiếng lòng. Mỗi lần cử hành nghi lễ “nghệ thuật của viết xuống”, thì “từ bản năng tự nhiên, từ sâu thẳm bên trong, tôi bước ra như một đứa trẻ chân thành một lần nữa”.

Phải, thơ nên là hơi thở nhẹ của ngôn từ. Thơ cần hồn nhiên, tự nhiên, chân thành. Tuy nhiên, thơ hồn nhiên tự nhiên khác với thơ đơn giản thật thà. Hồn nhiên tự nhiên là một biểu hiện đắc đạo của thơ, lúc này thơ tưởng như vô chiêu nhưng thực ra là sự xuất chiêu của một nội lực sung mãn thâm hậu. Và, đổi mới để tồn tại là quy luật tất yếu của thơ.

Trẻ là tài sản, là đặc ân, là cơ hội để “vào được nước Thiên đàng”. Người viết trẻ hôm nay như “bầy chim bạc rời nơi ẩn trú/ sải niềm tin về phía mặt người” (thơ Nhung Nhung), như “lũ bồ câu cánh trắng/ vãi từng chùm tự do lên cao” (thơ Hoàng Thúy), như “những chiếc bát trắng tinh/ khát nỗi đầy/ giêng hai mùa gạo mới” (thơ Bùi Thị Diệu). Họ “sắp đặt bản thảo cuộc đời theo cách của mình/ thênh thang ngữ âm cỏ hoa/ hoan ca lời lời nắng gió” (thơ Hoàng Thụy Anh). Họ như ngựa cong vó “không đứng xếp hàng/ chẳng chen chúc vì cỏ/ mà hý vang/ xanh cả cánh đồng" (thơ Ngô Mậu Tình)...

Tuy nhiên, họ đến hiện đại không phải từ chân không, mà là từ truyền thống, như Đoàn Nguyễn Anh Minh chân thành: “con yêu mọi thứ tiếng bố mẹ/ mang lại cho con dẫu con đã xa cách người thế nào/ con đã trở nên một cái cây tự tìm lấy trong đất cái hơi ấm người truyền lại muôn đời”; hay như Trần Việt Hoàng thấu thị: “bình minh phác sắc lên con đường trăm ngàn dấu chân/ cho lòng người sáng trong bình dị”.

Vâng, xung khắc và hợp nhất, cách ly và hòa nối. Nói như Octavio Paz trong “Đi tìm cái thời hiện tại” thì “nhà thơ là một xung động trong dòng chảy nhịp điệu của các thế hệ".

Hoàng Đăng Khoa
.
.