Thiếu thuốc và thiết bị y tế, phải làm gì?
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên nghiêm trọng trên toàn quốc. Thực trạng của việc thiếu thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế là nỗi lo không của riêng ai, khi từ các bệnh viện lớn tới các trạm y tế địa phương đều phản ánh bị thiếu thuốc, đặc biệt là các loại thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế, điều này đã khiến các bệnh nhân phải bỏ tiền túi của mình ra mua thuốc, các thiết bị ở các nhà thuốc bên ngoài với giá cao.
Tiến sĩ Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E Hà Nội cho biết: Có bệnh viện, bệnh nhân đi mổ phải ra hiệu thuốc mua từ những sợi chỉ, băng gạc, dây truyền, dụng cụ mang lên. Tại bệnh viện E, chúng tôi vẫn cố gắng để đảm bảo có đủ thuốc, vật tư...
Đây là điều đáng quan ngại vì ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, sẽ tác động xấu đến tâm lý bệnh nhân, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc men ở ngoài và không quản lý được chất lượng có thể xảy ra nhiều rủi ro. Thiệt thòi lớn nhất chính là các bệnh nhân, những người đã oằn lưng đóng bảo hiểm rồi khi nằm viện vẫn phải bỏ những đồng tiền chắt chiu còn lại để chạy vạy thuốc thang để cứu lấy mình.
Đối với bệnh nhân, không phải người nào cũng có khả năng mua các thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh phục vụ cho việc chữa trị của mình. Phần lớn trong số họ không có điều kiện kinh tế nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào bảo hiểm y tế và trông chờ vào sự tận tâm, tận tình của các y, bác sĩ. Đối với nhân viên y tế, các y, bác sĩ phải luôn luôn tận dụng tối đa số tiền bảo hiểm y tế để làm sao phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Nhưng khi không có thiết bị, không có thuốc thì các thầy thuốc sẽ rơi vào tình trạng rất khó khăn khi lựa chọn các loại thuốc, lựa chọn các thủ thuật, các can thiệp để kịp thời cứu chữa, có thể rút ngắn thời gian chữa trị cho bệnh nhân. Điều này rất dễ dẫn tới hiểu lầm và đôi khi người bệnh còn phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí cả bằng tính mạng, còn ngành y phải trả giá bằng sự mất uy tín, mất niềm tin vào đội ngũ y, bác sĩ.
Bộ Y tế đã chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Trong đó, nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra; vì vậy một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm.
100% cán bộ trước khi được đề bạt làm lãnh đạo, quản lý đều đã được học và tốt nghiệp khóa quản lý hành chính, như vậy cán bộ chỉ cần làm cho dân, phục vụ lợi ích của dân thì sao có thể làm sai được. Cái sai đâu phải là cái dễ dàng tuyệt diệt chúng ta, nó chỉ là cái hại tạm thời, có thể khắc phục được, không những thế, nó còn là cái mảnh đất để từ đó nảy sinh ra cái đúng. Cán bộ biết sợ là tốt, nhưng sợ đến mức không dám làm gì vì không biết làm như thế đúng hay sai, thì nên đưa những cán bộ đó ra khỏi bộ máy Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cảnh báo về tình trạng này và gọi đó là “virus sợ trách nhiệm”. Căn nguyên của căn bệnh này đều xuất phát từ chuyện cán bộ công chức đạo đức kém, lợi dụng chức vụ quyền hạn để bảo kê, sân sau, lợi ích nhóm, để làm những việc không đúng pháp luật. Anh làm sai nên anh mới sợ, làm đúng thì chẳng có gì phải sợ.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn khi giải quyết công việc. Cộng đồng xã hội và nhất là những người bệnh đang mong chờ sẽ xuất hiện cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất, tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để chỉ đạo giải quyết đúng các vướng mắc, khó khăn trong thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay?
Trước mắt, Quốc hội, Chính phủ ngay lập tức phải vào cuộc để tìm cách tháo gỡ, giải quyết thực trạng này; đồng thời, động viên, hướng dẫn, tạo điều kiện, chỉ ra những việc để những người quản lý trong ngành y tế thấy đó là việc đúng và phải làm ngay; còn việc xấu, việc sai trái thì phải tránh.
Bên cạnh đó, người dân, xã hội, cộng đồng phải hết sức chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế lúc này, để cán bộ quản lý, đội ngũ y, bác sĩ vững tin, yên tâm làm việc. Bởi nếu để cho cán bộ, nhân viên ngành y tế còn lo lắng, còn ngần ngại thì tác hại và ảnh hưởng lớn nhất vẫn là người bệnh. Phục vụ nhân dân là mục đích cao nhất trong bất kỳ tình huống nào, đặc biệt là đối với ngành y.