Thấy gì qua ChatGPT

Thứ Năm, 16/02/2023, 08:00

Với nhiều người, ChatGPT bỗng dưng trở thành câu chuyện đầu năm đầy hứng khởi, tính đến 31/1, ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng. Dường như càng ngày, gia tốc của sự đột phá về công nghệ càng cao, thậm chí nhà phân tích Lloyd Walmsley của UBS đã phải thốt lên rằng: "Trong 20 năm theo dõi không gian Internet, đây là ứng dụng dành cho người dùng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất chúng tôi ghi nhận được. Thật phi thường".

Trong lúc trà dư, tửu hậu dịp hậu Tết Nguyên đán vừa qua, một người bạn còn cao hứng nói với tôi: “Sau này, ngoài lúc nói chuyện với vợ ra, còn lại tôi nhờ ChatGPT làm hộ tất”. Thế đó, công nghệ không còn nằm ở câu chuyện cà phê sáng tít tận phương trời xa hay trên báo chí mà đã thực sự chiếm một phần không nhỏ trong đời sống của mỗi người.

960x0-1675330861321895970722.jpg -0
Giáo dục cần ứng phó với ChatGPT.

Thật ra, bản chất của việc ChatGPT được đặc biệt chú ý là bởi nó đã khiêu chiến với “căn cứ” quan trọng nhất của loài người là ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính là kho báu lớn nhất nơi con người cất giữ kinh nghiệm, tri thức, lịch sử, văn hóa… chỉ con người mới có ngôn ngữ và sử dụng được ngôn ngữ.

Thế nhưng cách đây 3 năm, vào tháng 8 năm 2017, các nhà nghiên cứu của Google Brain (một bộ phận của Google), đã phát minh ra một thuật toán gọi là Transformer. Thuật toán này là đột phá về huấn luyện A.I ngôn ngữ. Trong tài liệu công bố về Transformer, Google đã khẳng định: "With transformers, computers can see the same patterns humans see" (Với transfomer, máy tính có thể nhìn thấy những mẫu như con người nhìn thấy). Bên cạnh đó, AI (nói chung) đã gõ cửa cả ngôi đền thiêng nghệ thuật. Có thể thấy, tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ công nghệ kỹ thuật số đã là một xu hướng. Ví dụ như: “Nghệ sĩ kiêm lập trình viên người Mỹ Robbie Barrat đã bán được tác phẩm có tên gọi "Nude Portrait#7Frame#64" tại sàn đấu giá Sotheby's với giá 630.000 bảng Anh (821.000 USD). Cách đây 4 năm, tác phẩm "Edmond de Belamy" đã được bán đấu giá tại Christie's với giá 432.500 USD”.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này người viết đồ rằng ChatGPT vẫn dừng ở mức độ dự báo, lo âu về cái gọi là trí tuệ nhân tạo làm chúng ta đáng lo tới đâu. Nhà nghiên cứu Ngô Di Lân đã phân tích về sự tác động của ChatGPT với giáo dục - lĩnh vực sẽ chịu tác động nhiều nhất của ứng dụng này: “Trong thời gian trước mắt, AI sẽ khiến nhiều người làm giáo dục phải đau đầu bởi với cách ra đề bài và chấm điểm hiện nay, việc phân biệt học sinh giỏi và học sinh khá, sinh viên chăm và sinh viên lười đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Khi mà nền tảng của nền giáo dục hiện đại vẫn là xếp loại và đánh giá năng lực của học sinh, sinh viên dựa trên các bài luận và bài kiểm tra thì AI sẽ đặt ra thách thức không nhỏ”.

Rõ ràng, thách thức ở đây không chỉ đến từ việc AI sẽ làm hộ, làm thay những bộ não của người trẻ mà còn chiếm cứ luôn cả tâm hồn, cảm xúc của họ. Thử hỏi, nếu một ngày bạn nhận được 30 bài luận trong lớp do bạn dạy để chấm điểm mà 100% số bài luận đó đều do người viết sử dụng ChatGPT, 100% lời lẽ của trí tuệ nhân tạo thì sẽ đáng sợ như thế nào? Liệu bạn sẽ cho điểm ứng dụng hay cho điểm học trò? Liệu những câu văn về tình yêu gia đình, quê hương có phải tự đáy lòng hay chỉ đến từ thuật toán được tạo ra từ phương trời xa xôi.

Từ một ý kiến khác, Ông Lê Quốc Vinh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Le Invest Corporation) cho rằng: “ChatGPT không (hoặc là chưa) có khả năng suy nghĩ, cảm nhận và tư duy như con người. Chính nó đã nói điều này trong một hội thoại thử nghiệm với tôi. Như vậy, cho đến nay, ChatGPT không thể thay thế con người trong các công việc cần đến tư duy, cảm thụ và sáng tạo đột phá. Nhưng nó sẽ là trợ thủ hữu dụng và hiệu quả cho những người lao động tư duy, những người có thể đặt ra những câu hỏi đúng, những yêu cầu hay, hoặc có khả năng dẫn dắt ChatGPT xử lý các văn bản theo chủ ý của con người”.

tác phẩm nghệ thuật edmond de belamyđược tạo ra từ công nghệ kỹ thuật số-ảnh afp-getty images.jpg -0
Tác phẩm nghệ thuật Edmond de Belamy được tạo ra từ công nghệ kỹ thuật số.

Xin thưa rằng, trước khi có xuất hiện của AI, chúng ta cũng từng đối phó với những “công nghệ” phi cảm xúc mà “văn mẫu” là một ví dụ cụ thể nhất. Ở đây, người viết không dùng khái niệm “văn mẫu” với nghĩa hẹp trong giáo dục mà muốn chỉ muôn vàn thứ “mẫu” khác. Bạn thử kiểm chứng lại trong cuộc sống xem: Một đám cưới tưng bừng vì có MC liến thoắng “khua môi, múa míc” với những mẫu câu, kịch bản rập khuôn máy móc và biến cô dâu, chú rể và quan viên hai họ thành những con rối.

Có lẽ, ai trong số chúng ta cũng đã từng nghe đoạn văn rườm rà, sáo rỗng đại khái như thế này: “Mời các vị khách quý ổn định chỗ ngồi và hướng lên sân khấu để chứng kiến giây phút hạnh phúc của đôi uyên ương, của hai họ gia đình. “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Mời ông bà… là thân sinh của chú rể bước lên sân khấu và tiến về phía bên phải. Tiếp đến mời ông bà... là thân sinh của cô dâu tiến lên bên trái sân khấu...". Trong khi người dự đám cưới có thể là giáo sư ngôn ngữ, nhà xã hội học, nhà văn… họ đang bị một thứ “mẫu” lấn lướt nhưng lại không thể tự mình thoát ra được.

“Văn mẫu” còn là những lời chúc năm mới đầy sáo rỗng mỗi dịp Tết đến xuân về thông qua những bộ lời chúc đã soạn sẵn. Trong hoàn cảnh đó thường thì, người viết bài này chỉ vội vã cảm ơn trước những lời chúc như “sơn son, thếp vàng” kia mà không hề thấy rung động hay bất ngờ gì. Tác giả Tuệ Nhi từng viết: “Lời chúc mỹ miều, nghe "bùi tai" ấy cũng phần nào phản ánh thực trạng đáng buồn của giới trẻ ngày nay. Dường như chúc Tết "chúc cho có lệ" chứ không cần toàn tâm toàn ý. Có những trường hợp sượng sùng như, khi sao chép, chưa kịp đọc lại đã ấn gửi đi, chủ ngữ - vị ngữ hoàn toàn không phù hợp một chút nào cả”. Vậy bạn thử nghĩ xem, những câu chúc ấy chứa nội dung gì (biểu đạt) ý nghĩa gì hay chỉ là sự giả tạo nghiễm nhiên được thừa nhận? Trước khi đứng trước thử thách của công nghệ chúng ta đã từng đánh mất cảm xúc chân thực như thế.

Luận bàn về những thể thức “văn mẫu” đó để nói rằng, sự xuất hiện của ChatGPT trong những ngày gần đây (và có thể bùng nổ trong thời gian tới) trong cộng đồng cũng đâu có gì bất ngờ. Cũng như chiếc điện thoại từng thay thế thư tay; Internet thay thế cho bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, thủ thư… AI thêm một lần nữa làm tăng thêm độ khó của bài test tâm hồn con người. Liệu cảm xúc, suy nghĩ, chính kiến có chiến thắng những thói quen, xu thế bầy đàn? Cái gì thực sự là văn hóa, là giá trị cốt lõi; cái gì chỉ là phương tiện, công cụ nhất thời?

Với hơn 605.000.000 kết quả tìm kiếm với từ khóa ChatGPT đã cho chúng ta thấy “cơn sốt” mà nó tạo ra vẫn chưa dừng lại cũng như bạn chưa thể hình dung hết mức độ tác động của nó. Tuy nhiên, như câu nói phổ biến ở Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ): "Cái gì chúng ta dùng và có trả tiền thì cái đó là sản phẩm. Cái gì chúng ta dùng mà không phải trả tiền, chúng ta chính là sản phẩm".

Nguy cơ lớn nhất mà ChatGPT hay một ứng dụng nào mà AI tạo ra chính là sự sụp đổ của tư duy học thuộc thụ động nếu như không có quá trình xây dựng tư duy, xây dựng hệ thống kiến thức bằng tư duy. Nguy cơ sụp đổ này không chỉ đến từ những người đang đi học mà ở chính bản thân mỗi người chúng ta. Trước công nghệ, trước ứng dụng chúng ta có sự lựa chọn sử dụng để tìm kiếm, để giúp ích cho sản xuất, nghiên cứu, kinh doanh, tiêu dùng… nhưng bạn đừng bao giờ nhầm lẫn nó với những giá trị cốt lõi bởi dẫu Transforme có vi diệu đến đâu cũng khó thể thay thế được văn hóa, không thể tạo ra một ngữ pháp chứa đựng văn hóa ứng xử với con người, thiên nhiên, cũng như tình cảm, tâm lý, giọng điệu của mỗi con người chúng ta hôm nay…

Mai Phương
.
.