Thay đổi tư duy du lịch

Thứ Năm, 14/07/2022, 15:45

Du lịch và trải nghiệm luôn là một định đề mà nhiều người nhắc đến trong cuộc sống hôm nay. Thay vì chọn xây nhà to, đi xe sang hay cho con vùi đầu vào các lớp học thêm, nhiều người đã chọn du lịch như một phương án vừa khoa học vừa hiệu quả cho gia đình mình. "Xách ba lô lên và đi" không chỉ là tên một cuốn sách được giới trẻ yêu thích mà đã trở thành khát vọng của nhiều người, những miền đất mới sẽ dạy cho chúng ta nhiều điều thú vị.

Nhưng để bước vào bài học ấy cũng cần một vốn liếng nhất định. Vốn ở đây đâu phải là chi phí, kinh nghiệm hiểu biết về luật pháp, quy định, hạn chế, khó khăn của từng vùng đất mà đôi khi từ chính bản thân mình: khi đến nơi không ai biết mình, mình không còn vai trò xã hội, liệu bản thân còn tiết chế hay không, có còn là mình không?

Những tưởng, cùng với sự phát triển theo thời gian, trên thế giới chỉ có những loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái; Du lịch văn hóa; Du lịch nghỉ dưỡng; Du lịch thể thao; Du lịch mạo hiểm... nhưng không phải thế, bên cạnh đó, tình trạng vi phạm của khách du lịch với pháp luật, văn hóa, gây tổn hại cho các di sản trên thế giới cũng không ít. Vụ việc du khách người Nga vẽ lên tường thành Đấu trường La Mã (Colosseum) của Italy; người đàn ông Australia khỏa thân chạy trên các đường phố của hòn đảo Bali năm 2019; một nữ du khách Mỹ cũng đã ném chiếc xe scooter điện xuống bậc thang nổi tiếng dẫn từ quảng trường Pizza di Spagna lên nhà thờ Trinita dei Monti (Tây Ban Nha) năm 2022…

Thay đổi tư duy du lịch -0
Các thành viên của VEO và du khách dạy học cho trẻ em.

Sau những sự việc như thế buộc lòng, các nhà nghiên cứu phải đưa ra khái niệm "Du lịch độc hại" như nhan đề của một cuốn sách của Giáo sư Phaedra C. Pezzullo - chuyên gia du lịch. Ông viết: "Chừng nào con người còn đi du lịch, các nền văn hóa còn xung đột thì mọi chuyện còn tiếp diễn. Tôi chỉ không dám chắc những hành vi có ngày càng tệ đi hay không?". Liệu du lịch có thực sự tạo ra sự xung đột giữa các nền văn hóa như vị giáo sư trên khẳng định? Cuộc sống có những điều tưởng như rất vĩ mô, phức tạp nhưng nếu được nhìn nhận ở góc độ khác chúng ta lại tìm ra căn nguyên từ những điều thật đơn giản.

Mấy ngày qua, hình ảnh một ông cụ nằm khóc bên ruộng dưa hấu chín đỏ rộng hơn 250m2 vừa bị phá nát được chia sẻ khá mạnh. Chuyện phá hoại ao cá, vườn tược, giết hại gia súc… gây thiệt hại kinh tế của người khác không còn xa lạ trong cuộc sống. Nhưng, sự phản ứng vừa đáng thương vừa có phần lạ lẫm của ông cụ Phan Tôn, trú tại xóm 2, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lại mở ra một câu chuyện khác và cách để ông cụ vượt qua sự mất mát ấy mới thật quý giá. Sau khi cơ quan công an tìm ra 5 nghi can, ông Tôn sẵn sàng tha thứ: "Vụ việc xảy ra như thế vợ chồng tôi cũng đã được mọi người giúp đỡ bớt thiệt hại rồi. Chúng nó đang nhỏ dại, nỏ biết nên phá ruộng dưa của nhà tôi. Vợ chồng tôi sẽ tha thứ cho các cháu".

Nếu xét ở góc độ của những người trưởng thành, ông Tôn thật sự nhân ái. Chẳng rõ, 5 nghi can bị Công an huyện Diễn Châu bắt giữ có thật sự "nỏ biết nên phá ruộng dưa" như ông nghĩ hay họ thực sự vô cảm, vô trách nhiệm và coi thường pháp luật nhưng ai cũng thấy ông Tôn đã để lại bài học về lòng nhân từ. Biết đâu, sự thua thiệt của ông hôm nay lại giúp những cậu bé thức tỉnh mai sau. Trên con đường trưởng thành về nhân cách, đôi khi con người ta cũng cần một lối thoát cho danh dự, một sự tha thứ thay vì trừng phạt sẽ có ích hơn. Nhiều khi sự kém hiểu biết, không ý thức, chưa lường được hậu quả… là nguyên nhân để người trẻ gây ra những hậu quả lớn mà họ không lường được. Bản thân giữa các thế hệ đã nảy sinh xung đột về suy nghĩ chứ chưa nói đến sự khác biệt về địa văn hóa. Phải chăng ngay dưới chân mình, ngay tại nơi mình đang đứng cũng có vô vàn bài học ứng xử cần đối diện để thay đổi chứ chưa nói đến những chuyến đi xa để khám phá chính bản thân mình. Nhưng liệu điều đó chỉ xảy ra ở người trẻ…

Người viết đã nhiều lần đọc những thông tin về vấn nạn "tiếng ồn" đến từ những điểm du lịch. Nhưng rồi nghĩ lại thấy chẳng có gì bất ngờ bởi ngay trong khu phố của mình cũng có không ít những "lò phản ứng" karaoke, những hội nhậu nhẹt. Phải chăng, những người đó cũng từng không ít lần đi du lịch và tổ chức các đợt trải nghiệm để dạy bảo con cái… nhưng nhìn vào cách họ sống thì hoàn toàn trái ngược. Đi đến một vùng đất khác khi bản thân bạn chưa hoàn thiện thì chẳng khác nào một sự gieo rắc những thói xấu cho cộng đồng.

Bất giác, người viết nghĩ đến câu chuyện không ít người trưởng thành khi được đặt vào hoàn cảnh, môi trường sống khác, bỗng hoá trẻ con như cách mà Tiến sĩ Peter E. Tarlow, đã lý giải: Một số du khách thường có khuynh hướng hành xử khác khi đặt chân tới một nơi mới vì sự phấn khích và cho rằng không ai biết mình. Khó ai có thể biện minh cho sự phóng túng, tự do ấy nhưng ngoài sự phán xét, lên án, cũng chẳng dễ dàng gì để tìm ra nguyên nhân.

Thay đổi tư duy du lịch -0
Du lịch tình nguyện ở Lô Lô Chải.

Để trở thành người du lịch thông minh, bạn chỉ cần đến những quy tắc như: Tìm hiểu tất cả các thông tin về địa điểm du lịch; chuẩn bị tâm lý trước khi đi; luôn giữ ví tiền cẩn thận; "nhập gia tùy tục"; quan tâm đến văn hóa và lịch sử địa phương… Thế nhưng để góp phần tạo ra du lịch bền vững, du khách phải cần: "Việc di chuyển và tham quan đến các vùng tự nhiên một cách có trách nhiệm với môi trường để tận hưởng và đánh giá cao tự nhiên (và tất cả những đặc điểm văn hóa kèm theo, có thể là trong quá khứ và cả hiện tại) theo cách khuyến cáo về bảo tồn, có tác động thấp từ du khách và mang lại những lợi ích cho sự tham gia chủ động về kinh té xã hội của cộng đồng địa phương (World Conservation Union, 1996).

Rõ ràng, giữa hai tiêu chí "thông minh" và "bền vững" chúng ta nhận ra một giá trị lớn lao hơn sự tận hưởng, thư giãn, khám phá thông thường. Không thể coi thường du lịch để rồi tự cho phép bản thân phóng đãng và khinh xuất. Bạn phải coi những chuyến đi là một bài học mới, đầy thú vị nhưng không dễ tiếp thu. Có lẽ, giải pháp bền vững, hữu hiệu nhất và an toàn với chính người đi du lịch (để họ không phạm vào những sai lầm nghiêm trọng) là hình thức "du lịch tình nguyện".

Cách đây hơn một thế kỉ, sau sự tàn phá của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, du lịch tình nguyện đã được khởi phát tại Strasbourg- Pháp. Theo TS. Phương Mai (Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch): "Ngày nay, loại hình du lịch tình nguyện đang phát triển một cách nhanh chóng và đã trở thành một trong những xu hướng hàng đầu thu hút hơn 1,6 triệu tình nguyện viên du lịch, là ngành công nghiệp đạt doanh thu gần 200 tỷ USD mỗi năm. Theo điều tra của Marriot International và ngân hàng Chase, 84% thanh niên từ 18 - 34 tuổi sẵn sàng đi du lịch nước ngoài để tham gia vào các hoạt động tình nguyện, con số này ở lứa tuổi từ 35 - 49 là 68% và ở lứa tuổi 50 - 67 là 50%".

Phải chăng, đó là hướng đi đầy triển vọng mà chúng ta đang bỏ quên chưa khai thác triệt để. Có thể gặp khó khăn trong việc sụt giảm lợi nhuận nhưng đã đến lúc du lịch cần "nói không" với nhiều sở thích thiếu khoa học, thiếu văn hóa và ích kỉ của du khách. Tuy nhiên, đó là câu chuyện dài của ngành du lịch, là cách để các địa phương, để ngành văn hóa giải được bài toán giữ gìn và phát huy di sản văn hóa. Còn với mỗi chúng ta hãy học cách đi du lịch, thay đổi từ trong ý nghĩ của mình. Bạn cần thay đổi tư duy du lịch trước khi "xách ba lô lên và đi"…

Mai Phương
.
.