Thận trọng với danh tính

Thứ Năm, 27/10/2022, 07:00

Khi những tranh luận xoay quanh bộ phim tiểu sử “Em và Trịnh” đã lắng lại thì một sự cố nho nhỏ lại được khơi ra. Lần này, ồn ào bắt đầu từ chính một nhân vật trong phim, bà Michiko Yoshii. Nữ giáo sư người Nhật đã yêu cầu nhà sản xuất, đoàn làm phim phải xin lỗi chính thức vì sử dụng đời tư của mình trong phim mà chưa xin phép.

Câu chuyện ồn ào kể trên rồi cũng lắng lại nhanh bởi thứ mà giáo sư Michiko cần chỉ là lời xin lỗi. Vả lại, là một người có cảm tình với âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng như văn hóa Việt, bà Michiko không muốn tạo ra sóng gió mà thực chất, việc bà làm lại vô cùng tích cực. Đến từ Nhật Bản, quốc gia đầu tiên ở châu Á xây dựng luật sở hữu trí tuệ và tham gia vào các công ước liên quan đến sở hữu trí tuệ, bà Michiko đã dạy cho những người làm nội dung ở Việt Nam một bài học về một trong các yếu tố cơ bản của luật sở hữu trí tuệ là quyền nhân thân và danh tính cá nhân.

Nếu say mê điện ảnh, đặc biệt là dòng phim tiểu sử, hẳn không ít khán giả đã xem qua bộ phim mới ra mắt trên Netflix hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa rồi của Hollywood có tên “Blonde” (Tóc vàng) dựa trên cuộc đời của minh tinh Maryline Monroe. Trong phim, ngoài đa số các nhân vật có danh tính trùng khớp 100% với những cá nhân có thật ngoài đời còn có vài nhân vật không có tên.

Cụ thể, người chồng thứ hai của Monroe được gọi là “Cựu vận động viên” và vai Kenedy thì chỉ được gọi chung chung là “Ngài tổng thống”. Sở dĩ có những nhân vật không tên như thế cũng bởi nhà sản xuất đã không có được sự chấp thuận từ các cá nhân đó hoặc thân nhân hợp pháp của họ. Giả sử, nhà sản xuất “Blonde” mà liều lĩnh sử dụng tên thật của hai nhân vật kể trên, e rằng họ sẽ phải vô cùng mệt mỏi với những cuộc chiến pháp lý dai dẳng và tốn kém.

Nói như thế để thấy những người làm phim ở Việt Nam quá may mắn. Họ may mắn khi bà Michiko chỉ yêu cầu xin lỗi và nhiều nhân vật khác không đưa sự việc ra tòa. Thực tế, có tin đồn cho rằng nhà sản xuất không hề đạt được bất kỳ một thoả thuận pháp lý bằng văn bản nào với các nhân vật liên quan hoặc thân nhân hợp pháp của họ. May mắn thóat khỏi các trách nhiệm do cẩu thả với danh tính này nên là một bài học lớn để nhiều nhà làm phim sau này thận trọng hơn khi bắt tay vào một dự án phim tiểu sử nào đó. Nghe nói, sắp tới, sẽ có phim sản xuất về nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn và hi vọng rằng những nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn sẽ không lặp lại sai lầm từ “Em và Trịnh”.

Thận trọng với danh tính của người khác cần phải là một nghĩa vụ mà chính chúng ta, mỗi khi định viết, nói, làm nội dung… về ai đó cần thực hiện nghiêm túc. Không thể có sự xuề xoà, thậm chí cho rằng “được lên phim là vinh dự” hoặc tự xem mình có quyền năng của kịch tác gia muốn làm gì thì làm. Nói không đâu xa, may hơn nữa cho “Em và Trịnh” là lược bỏ vài chi tiết rất quái gở trong kịch bản ban đầu, khi mà hai nhân vật có thật, còn sống, nổi tiếng được kịch bản mô tả có hành vi rất “lả lơi” ở đoạn cuối. Hình ảnh ấy mà lên màn ảnh, có lẽ cuộc cãi vã sẽ còn kéo dài đến tận hôm nay.

Văn Đoàn
.
.