Tạo môi trường đầu tư lành mạnh

Thứ Sáu, 01/07/2022, 11:49

Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 tổ chức vào hồi cuối tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định “Việt Nam cam kết xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai để nhà đầu tư đến đầu tư”.

Đây không phải lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ đưa ra thông điệp này, mà đó là quan điểm xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, để từng bước hồi phục kinh tế - xã hội sau 2 năm ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã luôn đồng hành, hỗ trợ cùng Việt Nam trong hơn 2 năm phòng chống dịch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định những vấn đề toàn cầu thì phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, các bên đều chiến thắng.

Tạo môi trường đầu tư lành mạnh -0

Đại dịch COVID-19 gây ra những hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dù vậy, điều đáng mừng là trong bối cảnh đó, làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao hơn cả những năm trước.

 Điều đó cho thấy: Các doanh nhân nước ngoài vẫn nhìn vào Việt Nam bằng niềm tin vào một môi trường đầu tư nhiều triển vọng, trong đó có những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam từ việc cởi mở cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi trong chính sách và đảm bảo mục tiêu kiên định, hướng tới một môi trường đầu tư an toàn, minh bạch và hiệu quả.

Không chỉ việc 98.600 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đầu năm 2022 (cao nhất từ trước tới nay) là một con số ấn tượng, mà thông số FDI thực hiện tăng 7,8% so cùng kỳ cũng đã nói lên một phần về “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

Tại hội thảo đầu tư được tổ chức nhân dịp chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm 2021, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết 45 biên bản ghi nhớ trị giá 12 tỷ USD. Đồng thời, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida vào tháng 5 vừa qua, hai bên cũng đã trao đổi văn kiện, tiến hành ký kết 22 biên bản ghi nhớ trị giá 910 triệu USD.

Trong cuộc tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào ngày 26/6/2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary Istvan Jakab nhấn mạnh, nhân dân Hungary luôn quý trọng và sát cánh với nhân dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh và nay tiếp tục là người bạn ủng hộ Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary cũng khẳng định, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi, với truyền thống hữu nghị, hợp tác lâu đời, Hungary sẵn sàng tiếp tục chia sẻ những giá trị, kinh nghiệm phát triển của mình với Việt Nam.

Công ty Mirelite Mirsa - một doanh nghiệp điển hình của thành phố Albertirsa - Hungary về sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, với 41 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm cấp đông rau, củ quả với công suất mỗi năm 40 ngàn tấn củ quả đông lạnh và khẩu hiệu “làm lạnh bằng trái tim ấm áp” đang có chiến lược mở cửa sang thị trường có 650.000.000 dân của Đông Nam Á, cũng đã bày tỏ với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn được đầu tư, hợp tác tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ công nghiệp chế biến thực phẩm.

Đó chỉ là vài thông tin mới về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Dĩ nhiên, chúng ta không tự mãn, không quá hào hứng với những thành quả, nhưng đó là những con số cụ thể - kết quả của những nỗ lực từ nhiều phía, từ Trung ương đến bộ máy hành chính của từng tỉnh thành và cả người dân.

Niềm tin của nhà đầu tư chỉ được xây dựng trên những gì thấy được và cụ thể. Mà muốn làm được điều đó, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Nỗ lực từ chính trong tư duy lẫn những việc làm cụ thể trong cải cách hành chính, trong đổi mới cơ chế lẫn duy trì một môi trường lành mạnh, bình đẳng, thân thiện, an toàn.

“Hết mưa trời lại sáng”. Rất nhiều kỳ vọng vào sự vượt lên từ chính nỗ lực của mỗi chúng ta.

Lương Duy Cường
.
.