Tạo động lực để công nghiệp văn hóa phát triển

Thứ Năm, 09/11/2023, 09:32

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, việc UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có quyết định phê duyệt "Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án phát triển CNVH) đã mang đến một động lực mới trong đời sống văn hóa của thành phố mang tên Bác.

Theo đề án này, từ nay đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn phát triển ngành CNVH của TP. Hồ Chí Minh được xác định là 14.668 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước sẽ chi 9.615 tỷ đồng, còn lại là vốn từ nguồn xã hội hóa. Nguồn vốn 14.668 tỷ đồng này sẽ được sử dụng để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng sản phẩm, thương hiệu và thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác phát triển các ngành CNVH; tổ chức quản lý, điều hành và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNVH… 8 ngành mà đề án tập trung thực hiện sẽ gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.

Tạo động lực để công nghiệp văn hóa phát triển -0
Thị trường âm nhạc Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc.

TP. Hồ Chí Minh lâu nay được xem là "đầu tàu" về kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, để có con số tổng thu ngân sách trên địa bàn với suýt soát 500.000 tỷ đồng/năm như những năm vừa qua, nhiều người vẫn nghĩ nhiều đến các hoạt động kinh tế mà chưa nhìn nhận thỏa đáng về những đóng góp của sản xuất CNVH.

Thu từ các hoạt động kinh tế dĩ nhiên là lớn, không chỉ với điều kiện của TP. Hồ Chí Minh mà hầu hết các tỉnh thành khác trong cả nước cũng vậy. Nhưng, trong bối cảnh nguồn thu từ CNVH vẫn mờ nhạt ở nhiều tỉnh thành, thì tại TP. Hồ Chí Minh đã có những con số rất ý nghĩa, đặc biệt là giai đoạn từ những năm 2010 đến nay.

Theo số liệu thống kê được TP. Hồ Chí Minh công bố, nếu năm 2010 giá trị sản xuất của các ngành CNVH ở thành phố này đạt trên 36.094 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số này đã trên 84.123 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh thu của ngành có sự sụt giảm, nhưng vẫn đạt 77.135 tỷ đồng. Chưa thấy công bố số liệu thống kê về thu từ CNVH của những năm 2021, 2022, nhưng số liệu đã dẫn của những năm trước đó cho thấy nguồn thu từ ngành CNVH là không nhỏ trong bức tranh tổng thể về GRDP của TP. Hồ Chí Minh.

Con số 17.670 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm tỷ lệ 7,74% trong tổng số doanh nghiệp của toàn thành phố cũng rất ấn tượng khi nghĩ đến tiềm năng phát triển nếu có chiến lược đầu tư và cơ chế phù hợp.

Cho nên, ngay trong giai đoạn đầu (2021-2025), Đề án phát triển CNVH xác định phấn đấu đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm CNVH của cả nước và khu vực, với việc đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP của thành phố, cụ thể gồm: Quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa. Các ngành như nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm được định hướng và từng bước phát triển để trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

Trước khi Đề án phát triển CNVH được phê duyệt, TP. Hồ Chí Minh cũng đã có Đề án "Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2035". Điều này cho thấy: Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI ban hành Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 "Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" thì TP. Hồ Chí Minh đã và đang có những bước đi rất cụ thể cho việc phát triển CNVH.

CNVH là lĩnh vực phát triển nhanh chóng và là trọng tâm được nhiều nước quan tâm, coi đó là lĩnh vực đột phá trong chiến lược phát triển quốc gia. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển CNVH ở mức chuyên nghiệp, áp dụng mô hình văn hóa mở đường cho các hoạt động kinh tế.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tổ chức đầu năm 2021), Đảng ta đã nhấn mạnh việc "khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam". Tuy nhiên, để CNVH phát triển thì việc khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng phải sớm được thực hiện để từ đó nhận diện đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh có thể phát triển và cả những hạn chế, thách thức cần đối mặt, khắc phục.

Một chiến lược cụ thể cho việc phát triển CNVH, vì thế không chỉ trong điều kiện của TP. Hồ Chí Minh mới là việc cần làm ngay, mà với tất cả các địa phương trong cả nước. Khi việc lựa chọn loại hình, lĩnh vực trọng tâm và có cơ chế, chính sách phù hợp thì sẽ tạo động lực để CNVH phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn cho chính các địa phương và góp phần phát huy giá trị văn hóa trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước.

Lương Duy Cường
.
.