Tạo đà cho một năm mới đầy hy vọng

Thứ Năm, 03/11/2022, 07:23

Ông cha ta có câu "Liệu cơm gắp mắm" để khuyên con cháu phải biết liệu khả năng mà chi tiêu, đừng để thiếu hụt trở nên túng bấn. Kho tàng tục ngữ nước ta cũng có câu "Khéo làm thì no, khéo co thì ấm", nhắc nhở về cách sống, cách ứng xử sao cho phù hợp, khôn khéo với hoàn cảnh của chính mình, tập lối sống tiết kiệm để hôm nay no ấm mà ngày mai cũng no ấm và sẽ no ấm hơn.

Đó là mỗi chuyện cho mỗi người, mỗi nhà, nhưng suy rộng ra thì chuyện của một quốc gia cũng phải vậy.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp điều hành để hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến 5 cân đối lớn của nước ta vừa qua là: "Thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, cung cầu lao động, an ninh năng lượng được bảo đảm".

ảnh tráng 2.jpg -0
Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng.

Chúng ta đều biết, cả nước bước vào năm 2022 với muôn vàn khó khăn sau 2 năm vất vả phòng, chống đại dịch COVID-19. Ở thời điểm đầu năm, mọi dự báo cho việc phục hồi kinh tế - xã hội đều rất khó trong bối cảnh dịch đã tạm qua giai đoạn căng thẳng nhưng vẫn tiếp tục với những diễn biến khó lường, ảnh hưởng thì còn quá nặng nề đối với sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực của sự phá sản, chưa kể những diễn biến phức tạp của thị trường bất động sản, chứng khoán… cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã làm được gì thì kết quả sau 10 tháng nỗ lực đã chứng minh rất rõ, cụ thể:

Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, với số ca mắc, ca tử vong giảm sâu. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm xuống ở mức 0,38%, thấp hơn mức trung bình thế giới 1,04%.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó là các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%; xuất siêu đạt 9,4 tỷ USD. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Sản xuất lương thực đủ ăn mà còn xuất khẩu 45 tỷ USD, xuất khẩu gạo hơn 6 triệu tấn.

Vốn FDI thực hiện 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD (tăng 15,2% so cùng kỳ 2021). Số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178,5 ngàn (tăng 38,3% so cùng kỳ năm 2021 và gấp gần 1,5 lần số doanh nghiệp rút lui).

Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên (từ tháng 7-2021 đến nay đã hỗ trợ hơn 87,5 ngàn tỷ đồng cho hơn 55,26 triệu lượt người lao động và gần 851 ngàn người sử dụng lao động). Các hoạt động văn hóa, thể thao tiếp tục diễn ra sôi động; nhiều sự kiện được tổ chức thành công, ý nghĩa. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện và hiệu quả; quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững…

Một vài số liệu cụ thể qua công tác thống kê đã cho chúng ta có cơ sở để khẳng định thành quả trong việc thực hiện phục hồi kinh tế - xã hội ngay trong năm 2022 chứ không phải chờ đợi lâu hơn. Những thành quả này cũng đã cho thấy rõ sức mạnh của sự đoàn kết tổng hợp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước. Năng lực điều hành của Chính phủ, của hệ thống chính trị cũng được thể hiện rõ hơn bằng các con số cụ thể.

 Rõ ràng là chúng ta hoàn toàn có cơ sở để vui với những gì đã đạt được. Nhưng không vì thế mà quên rằng vẫn đang phải đối diện với quá nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn và thách thức ấy cũng rất cụ thể, buộc chúng ta phải đối mặt, xử lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức ấy, cụ thể như sức ép về lạm phát, tỷ giá, năng lượng trong khi kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm, một số nền kinh tế lâm vào suy thoái. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh chưa được xử lý triệt để. Công tác phối hợp của một số bộ, ngành có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh "càng khó khăn, càng phức tạp, càng có nhiều thách thức thì chúng ta càng phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ lẫn nhau. Nhà nước chia sẻ với người dân, doanh nghiệp; doanh nghiệp chia sẻ với Nhà  nước cùng nhau vượt qua khó khăn. Chúng ta phải đoàn kết trong ngoài, đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới và phối hợp hết sức chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương".

Đây chính là thông lệnh của thực tiễn, là chìa khóa để giúp chúng ta tiếp tục khơi dậy niềm tin, cùng nhau đoàn kết nỗ lực hơn nữa trong những ngày tháng cuối cùng của năm 2022 để tạo đà cho một năm mới đầy hy vọng.

Lương Duy Cường
.
.