Tận tâm cống hiến cho những giá trị Chân - Thiện - Mỹ

Thứ Năm, 28/12/2023, 11:38

Trên VANVN.VN (cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam) và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí khác vừa có những bài viết tiễn biệt nhà văn, dịch giả Mai Sơn. Nhà văn, dịch giả Mai Sơn (tên thật Nguyễn Minh Sơn) sinh năm 1956 tại Quảng Ngãi, sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, mất lúc 0 giờ ngày 25/12/2023.

Nhà văn, dịch giả Mai Sơn đã có hơn 30 năm sống bằng nghề viết văn, dịch và biên tập sách báo, xuất bản 12 tên sách thuộc nhiều thể loại văn xuôi, biên soạn, dịch thuật, trong đó có “101 triết gia” (2007), “Vật lạ ở trên đầu” (tập truyện, 1997), “Hư cấu” (tập truyện, 2003), “Vũ trụ trong một nguyên tử” (2008), “Câu chuyện triết học” (2005), hay cuốn “Sự quyến rũ của chữ” với gần 300 trang tập hợp những bài phê bình, cảm nhận của Mai Sơn về các tác giả, tác phẩm trong nước và nước ngoài. Nhà văn, dịch giả Mai Sơn từng tham dự Liên hoan văn học Á - Phi lần thứ nhất, năm 2007, tại Hàn Quốc.

Tận tâm cống hiến cho những giá trị Chân - Thiện - Mỹ -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Từ TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Từ Nguyên Thạch cho biết hồi trước, ở tỉnh Quảng Ngãi, Nguyễn Minh Sơn, Bùi Văn Cang, Nguyễn Minh Phúc, Dương Thành Vinh (Trầm Thụy Du) là bốn bạn cùng học ban C (văn chương), cùng lớp, cùng chọn văn chương làm lẽ sống và Nguyễn Minh Sơn là người cuối trong bốn bạn ra đi. Không phải là nhà văn hay dịch giả có nhiều sản phẩm từng đoạt giải thưởng nọ kia, nhưng những thông tin cả trên báo chí lẫn mạng xã hội cho thấy nhà văn, dịch giả Mai Sơn đã nhận được sự trân trọng từ công chúng, đồng nghiệp. Sự trân trọng ấy xuất phát không chỉ từ tài năng hay tính cách thiện lành của anh, mà còn bởi sự nghiêm túc trong các tác phẩm văn chương lẫn dịch thuật mà ông để lại.

Từ Tây Nguyên hùng vĩ, nhà thơ Văn Công Hùng thông tin là ít nhất tới giờ, có 3 địa phương đã khắc đá tác phẩm của các nhà văn như một biểu tượng văn hóa. Đấy là quê nhà văn Dương Hướng (xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) khắc tên tiểu thuyết “Bến không chồng” của ông vào một tảng đá rất lớn, đặt ở bến sông từng là không gian của “Bến không chồng”; phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa khắc bài thơ “Tre xanh” của nhà thơ Nguyễn Duy vào một tấm bia đá, bên cạnh là một bụi tre; Ngã ba Đồng Lộc lịch sử cũng có bia đá khắc bài thơ nổi tiếng “Lời thỉnh cầu từ nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng bằng hai thứ tiếng Việt và Anh... Ở xã vùng sâu Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, cộng đồng người dân nơi đây cũng vừa khắc lên đá một bài thơ của nhà thơ Đinh Xuân Trường (bút danh Trường Làng - cựu phóng viên Báo Lao động), đặt ở Khu danh thắng Lèn Choi - một địa chỉ du lịch tâm linh gắn với tuyến đường vận chuyển bí mật thời chống Mỹ của lực lượng TNXP.

Nói thế để thấy nhà văn nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung, ở thời nào cũng vậy, nếu lao động nghiêm túc, tận tâm cống hiến hết mình vì những giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc thì sản phẩm trí tuệ của họ luôn nhận được sự trân trọng của đồng nghiệp, công chúng và nhà nước. Kể cả khi họ đã mất, sự trân trọng ấy vẫn lưu mãi.

Ở nước ta, qua 75 năm xây dựng và phát triển, giới văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất (1987), Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 (2008) và Huân chương Sao vàng (2018). Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, chỉ tính đến tháng 5/2023, đã có 136 văn nghệ sĩ được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, 665 văn nghệ sĩ được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; hàng trăm văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang và các huân chương cao quý; 452 văn nghệ sĩ được tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 2.621 văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023), tổ chức ngày 25/7/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên truyền thống sâu sắc và độc đáo, đó là nền văn hóa, văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, trải qua năm tháng phát triển của đất nước và dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao trên nhiều lĩnh vực, góp phần xứng đáng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.

Những năm qua, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nền văn học nghệ thuật tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động của đất nước, có cái nhìn điềm tĩnh, tinh tế, tích cực ủng hộ sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin; có quan điểm biện chứng về đời sống; ca ngợi, khẳng định cái tốt đẹp, cổ vũ nhân tố mới, thành tựu mới, lấy ánh sáng để đẩy lùi bóng tối. Văn học nghệ thuật ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, mới mẻ, giàu tiềm năng; xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao, tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, có thành tựu to lớn và có bước tiến dài trong sự nghiệp.

Văn học nghệ thuật trước hết phải có những cốt lõi của nghệ thuật thì mới đạt đến cái thăng hoa, cái hay, cái đẹp. Nhưng chỉ khi phụng sự cho đời sống lành mạnh, cho sự phát triển của văn hóa, văn minh thì văn học nghệ thuật ấy mới có vai trò “vị nhân sinh” đúng nghĩa.

Lương Duy Cường
.
.