Tản mạn chuyện đón Tết

Thứ Sáu, 26/01/2024, 10:52

Nếu được thưởng Tết bạn sẽ làm gì? Một câu hỏi thú vị nhưng để trả lời lại vô cùng rắc rối. Bằng chứng là sau mỗi cái Tết, sau khi ngồi kiểm đếm lại mọi khoản chi tiêu, chúng ta lại phải thốt lên đầy nuối tiếc về sự tốn kém. Hóa ra, được thưởng Tết cũng đâu có sung sướng gì bởi nghĩ cách chi tiêu hợp lý cũng đến nhọc.

Có chuyên gia kinh tế cho rằng: “nên chia khoản thưởng theo quy tắc 50-30-20, tức 50% dành để trả khoản cố định, 30% phục vụ nhu cầu và 20% đầu tư” (theo: Phan Dương-vnexpress.net).

Nhưng thật ra, Tết đâu chỉ có chuyện tiền thưởng, chuyện mua sắm và di chuyển về quê đón Tết, thăm hỏi họ hàng bè bạn, chúc tụng… mà còn đầy ắp những cảm xúc khác nữa. Cái gọi là ăn Tết, sắm Tết, đón Tết… hình như đã và đang vận động, kéo theo nhiều hệ lụy văn hóa mà ngẫm ra mỗi người chúng ta đang nắm giữ một phần trách nhiệm và tương đương với đó là thái độ cảm xúc của mình.

Tản mạn chuyện đón Tết -2
Du khách tìm đến những cái tết của đồng bào Mông để tận hưởng không khí Tết trong thực tiễn. ảnh: Hoàng Tâm

Nếu ngày hôm nay có người hỏi bạn: Tết có nhàm chán không? Có cần ăn Tết không? Và, có nên bỏ Tết? Bạn hãy mời họ xem bộ ảnh “xuyên không” Tết thập niên 80 của nhóm bạn trẻ Hoàng Anh Hiển (30 tuổi, huyện Đan Phượng, Hà Nội) thực hiện ngày 8/1/2024 tại tại một số địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như: Chợ Đồng Xuân, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trụ sở Báo Hà Nội mới và Tràng Tiền Plaza. Nói về ý tưởng này, anh Hiển chia sẻ: “Mỗi năm, chúng tôi đều thực hiện một bộ ảnh Tết kỷ niệm, hướng đến những giá trị xưa, mang lại nhiều cảm xúc cho các thế hệ. Những thành viên Gen Z sẽ một lần thử cảm giác mà chỉ được nghe nói hay xem qua ti vi, báo đài" (theo: Minh Nhân-Báo Dân trí). Hóa ra, lớp trẻ đâu đã chán Tết mà đang tỉnh táo chắt lọc những giá trị trong quá khứ.

Người trẻ ngày nay vẫn tiếp nối dòng chảy hoài niệm như: sưu tầm tem thư, radio, đồng hồ, xe đạp cổ… và nhiều thứ đồ cổ khác nữa. Tuy nhiên, sống lại không khí Tết xưa như một cách “sưu tầm” cảm xúc thì thật sự hiếm. Nhưng tại sao sống giữa thời của công nghệ, giữa thời kỷ nguyên 4.0 với bao sự hấp dẫn, mà Tết xưa vẫn có một sức sống như thế.

Hàng năm, chúng ta còn có những cái Tết đặc sắc được thể hiện trong: Lễ hội Gầu Tào đón năm mới của đồng bào Mông ở Mộc Châu, Tà Xùa (Sơn La); Mai Châu (Hòa Bình); Krông Bông (Đắk Lắk)… lại có sức hút như thế với du khách. Không hẳn vì đó là cái “Tết sớm” đến trước tết cổ truyền của dân tộc Kinh mà còn bởi sự đặc sắc trong trang phục, ẩm thực, nghi lễ, trò chơi dân gian, cảnh quan… người ta cần ở Tết không khí ấy dẫu phải bỏ ra một khoản tiền chi phí sinh hoạt, phải vượt qua chặng đường đèo dốc hay chịu cái giá lạnh miền sơn cước. Tết làm hồi sinh các giá trị tinh thần. Người viết cho rằng, Tết vẫn còn hấp dẫn bởi chính tính thực tiễn của nó, điều mà không hoạt động giải trí nào tạo ra được. Khi mà Tết Nguyên đán của người xuôi đã thưa thớt những nghi thức, kể cả việc chúc Tết đầu năm, cũng như sa đà vào giá trị mừng tuổi, cầu lộc, cầu tài.

Nhưng cũng trên một trang báo khác, người viết đọc được một bài báo có cái tít rất thẳng thắn: Tự làm khổ mình vì suy nghĩ năm nào cũng phải về quê ăn Tết. Trong bài viết, tác giả Liên Hoa cho rằng: “Nhìn chung vẫn phải có một biểu mẫu cơ bản cho mối quan hệ gia đình, để dựa vào đó mà cân bằng, từ trong rồi mới ra ngoài được. Chứ tôi không thể coi họ hàng, thông gia hơn con đẻ, hơn cha mẹ ruột của mình được” (theo: vnexpress.net).

Tản mạn chuyện đón Tết -0
Thiệp cưới có in mã QR chuyển tiền có thể sẽ trở thành xu thế tương lai. ảnh: T.H.V

Thực ra, Tết không phải là một nghi thức tôn giáo, Tết không bị quy định nghiêm ngặt trong hương ước, luật tục. Tết nằm trong chính đời sống tinh thần chúng ta, tồn tại trong sự rung động tâm hồn của mỗi người. Khi đọc các status về Tết Nguyên đán bày tỏ tình cảm chân thành của nhiều người, chúng ta cảm nhận được giá trị cốt lõi nằm ở sự hướng nội nhưng không phải sự ích kỉ, cục bộ mà đó là cách nhận thức lại, đánh giá lại bản thân sau một năm mưu sinh vất vả. Quá trình ấy bắt đầu từ những tín hiệu sắp đến Tết cho đến giao thừa.

Không còn mơ hồ gì nữa, Tết chính là văn hóa, là một hiện tượng văn hóa có khả năng tiếp biến uyển chuyển linh hoạt, bền bỉ trong mọi thời đại. Người Việt có thể thay đổi về không gian sống (ly hương hay thậm chí ra nước ngoài định cư); có thể thay đổi việc sử dụng văn tự (từ chữ Hán, chữ Nôm chuyển sang chữ quốc ngữ), có thể thay đổi cách ăn mặc, thay đổi tập quán canh tác… nhưng chúng ta luôn có Tết trong lòng.

Tết là cách để chúng ta thể hiện tình yêu với cội nguồn, để bồi đắp truyền thống yêu nước, một đất nước hòa bình, ổn định độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ… Bởi thế, ngày Tết ở nhiều nhà dân có ảnh Bác Hồ đặt nơi trang trọng. Có những người dâng hương nơi tượng đài Bác ngày đầu năm mới với bao tình cảm thao thiết trong lòng. Từ đó, hình thành nên ý thức yêu chuộng hòa bình, cùng góp phần xây dựng sự ổn định chính trị, xã hội. Các dân tộc đều có tục đón năm mới thiêng liêng và nhân văn tạo ra các giá trị văn hóa tốt đẹp.

Tản mạn chuyện đón Tết -0
Giới trẻ và những sáng tạo tìm lại cảm xúc Tết. Ảnh: Hoàng Anh Hiển

Gác lại chuyện Tết, người viết muốn tham chiếu một tục lệ khác đã khắc sâu trong tâm trí chúng ta. Cách đây chưa lâu, báo chí có đưa tin về sự xuất hiện của những tấm thiệp cưới điện tử có mã QR tài khoản ngân hàng để tiện cho việc chuyển khoản mừng cưới. Bên cạnh đó còn xuất hiện những bạn trẻ “dũng cảm” tổ chức “Đám cưới không cồn” gây nhiều tranh cãi.

Việc mời cưới qua tin nhắn, công khai mã tài khoản hay tiệc cưới không có rượu đương nhiên sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía nhiều người bởi nó đi ngược lại với nếp truyền thống. Nhưng, bạn thử nghĩ xem, hàng ngày trong công việc chúng ta vẫn trao đổi qua nhóm chat, thanh toán qua mã QR đấy thôi. Cách làm này vẫn thể hiện sự nghiêm túc, sự tin cậy, thuận tiện, theo xu thế chuyển đổi số. Hơn nữa, dù phong tục nào cũng cần đứng trên lập trường của tư tưởng tiến bộ, văn minh, thượng tôn pháp luật.

Người viết nghĩ rằng sẽ đến lúc chúng ta hướng đến tiệc cưới văn minh, gọn nhẹ, giảm thiểu gánh nặng chi phí. Tiệc cưới có thể tinh giản theo kiểu tiệc buffet, khách mời có thể gửi một chút tiền mừng đôi uyên ương mang tính tượng trưng nhưng vẫn ấm áp. Tiệc cưới không có cồn có thể tránh được hậu quả của mất an toàn giao thông và trật tự xã hội. Biết rằng đó là một việc khó nhưng để không phải nhìn thấy 2.970.000 kết quả của từ “mâu thuẫn tại đám cưới” khi gõ cụm từ này trên mạng. Thiết nghĩ cần một sự quả quyết như thế để không làm chệnh hướng các giá trị tốt đẹp của văn hóa.

Còn nhớ, cố Thủ tướng Canada John Joseph Caldwell Abbott (1821-1893) từng nói: “Năng lực của mỗi người có thể gia tăng hoặc mạnh mẽ hơn nhờ văn hóa”. Thoạt nhìn, văn hóa khác với tài nguyên khoáng sản bởi luôn có khả năng tái tạo nhưng thật ra văn hóa còn có nguy cơ “cạn kiệt” hơn bất kể một nguồn tài nguyên nào.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ từng chỉ ra các giá trị của Tết: “tinh thần bình đẳng, ai cũng có Tết dù là già trẻ gái trai, nghề này nghiệp nọ, giàu nghèo sang hèn”; “đoàn viên cộng đồng (trên thực tế hoặc trong tâm tưởng)” và "sự tri ân tổ tiên, tâm thức hướng về cội nguồn, hướng đến truyền thống văn hóa"; "giá trị hướng mỹ và hướng thiện”; “giá trị hướng đến đạo đức và ứng xử tốt đẹp; “giá trị thôi thúc kỳ vọng tốt đẹp và những dự định tương lai”; “giá trị quốc gia - dân tộc”; “giá trị phổ quát toàn dân” (theo: Xuân Anh-Báo Hà Nội mới).

Suy cho cùng, cũng như lễ cưới hỏi, dựng nhà, mừng cơm mới, lễ xuống đồng… mọi giá trị tinh thần ấy tạo ra cho chúng ra môi trường để thực hành văn hóa. Văn hóa chỉ có thể sống trong từng tâm hồn bởi tính thực tiễn đó và sẽ còn đem lại những giá trị tốt đẹp cho mỗi chúng ta…

Thu Trang
.
.