Tấm vé của tương lai

Thứ Năm, 23/06/2022, 14:35

Tôi có nhiều năm sống ở một thành phố lớn khá vất vả. Có không ít lần đi làm về, sau khi giặt đồ tôi mới nhận ra một tấm vé xem phim đã ướt sũng trong túi áo từ lúc nào. Người này mời tôi đến xem chương trình nghệ thuật, người kia muốn tôi rủ bạn gái đi xem phim; lại có khi tôi tự mua cho mình rồi quên lãng... Những tấm vé cứ thế bị lãng quên suốt những năm tuổi trẻ của mình.

Nhưng đến một ngày, tôi nhận ra để có được một tấm vé cho cuộc đời mình lại không đơn giản. Nó không chỉ chứng thực cho chúng ta quyền được bước lên một chuyến xe, một chiếc máy bay hay thưởng thức, du lãm trong khu giải trí… mà có những chiếc vé còn là thách thức với mỗi người. Thậm chí, lại có những chiếc vé cho thấy nhận thức của cộng đồng với chất xám và tài năng. Đó là một tấm vé không cần người soát, không ghi mệnh giá nhưng vô cùng quan trọng.

Có lẽ là chưa bao giờ, chuyện các cây bút trẻ (trong đó có những người đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) dự Hội nghị Những người viết văn trẻ lại sôi nổi trên báo chí và mạng xã hội đến thế. Sự sôi nổi đến từ sự chuẩn bị và quảng bá của các nhà tổ chức, từ sự háo hức của người trẻ được tham dự. Nhưng, điều mà người viết muốn nói đến chính là cách nghĩ của nhiều người đã và đang "cứ ngỡ" mình thật sự yêu văn chương, nghệ thuật.

Tấm vé của tương lai -0
Rất cần những chương trình hỗ trợ các cây bút trẻ, nghệ sĩ trẻ. 

Mới đây, trên báo chí và mạng xã hội đã xuất hiện tin tức về một số địa phương từ chối, hoặc chậm hỗ trợ kinh phí đi lại cho các đại biểu đi dự sự kiện này. Ở một diễn biến khác, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tìm cách hỗ trợ tấm vé đi lại cho các đại biểu tham dự. Nếu thật sự bình tĩnh phân tích, bỏ ngoài tai những bình luận cảm tính, chúng ta nhận ra một điều: Nghệ thuật và các giá trị sáng tạo vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức trong suy nghĩ của không ít người. Hay nói cách khác, để có một tấm vé vào tương lai với nhiều người viết còn khó khăn hơn tấm vé từ các sân bay đến Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trong tháng 6 này…

Cách đây chưa lâu, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã mong muốn "xã hội hóa càng nhiều càng tốt vì kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động của hội quá eo hẹp, không làm được gì". Cách lựa chọn hướng đi mà ông Chủ tịch Hội nêu ra rất phù hợp với xu thế chung của thế giới và xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi nhận thức của xã hội mà đối tượng gần nhất chính là những người đang thụ hưởng các sản phẩm sáng tạo.

Bất giác, khi hoài niệm về những nhạc sĩ tên tuổi, tôi nhớ đến những chiếc đĩa VCD, DVD fake một thời được bày bán khắp nơi với giá thành "bình dân" đến bất ngờ. Không biết những nhạc sĩ Phú Quang, Trần Tiến, Dương Thụ, Thanh Tùng… nhận được bao nhiêu tiền bản quyền, nhuận bút sau khi công bố tác phẩm, nhưng ca khúc của các ông được phát ở khắp nơi, từ những chiếc xe bán hàng rong đến bến xe, quán nước… Vì thế, đã có lúc tôi tự hỏi: có phải chúng ta quá yêu văn nghệ khi phải dành dụm bao lâu mới đủ tiền mua một chiếc đài cassette, một chiếc tivi hay nhịn ăn sáng để mua một cuốn sách; nhiều người đứng chồn chân đọc sách trong các nhà sách… như thế đã là chúng ta trân trọng sáng tạo?

Tấm vé của tương lai -0
Người trẻ và khát vọng có được tấm vé của tương lai.

Đọc lại trang báo cũ, bất chợt người viết gặp những dòng chia sẻ của nhạc sĩ Quốc Bảo trên Báo Nhân dân, ông nói: "Chúng ta đã có một quá trình dài hồn nhiên hưởng thụ những sản phẩm văn hóa giải trí mà không hề để tâm tới công khó nhọc của nghệ sĩ cũng như nhà sản xuất. Và định dạng lại thói quen này, chẳng phải là chuyện ngày một ngày hai".

Còn theo một thống kê đáng lưu tâm khác của tác giả Huyền Nga (Niềm vui... "miễn phí") đã cung cấp cho chúng ta một ví dụ khác: "Ngày Apple Music đổ bộ vào thị trường Việt Nam, giới trẻ Việt đã rất hào hứng đón nhận khoảng thời gian ba tháng dùng thử miễn phí. Nhưng dù mang lại trải nghiệm âm thanh đạt chuẩn quốc tế, tác phẩm có bản quyền đầy đủ, số rất đông người dùng đã quyết định hủy đăng ký dịch vụ, khi Apple Music thông báo thu phí (65 nghìn/tháng) để quay lại với những ứng dụng nội địa quen thuộc trước đây. Lý do là bởi chất lượng âm thanh mà Apple Music cung cấp cũng chỉ đạt 256kbps ACC, trong khi với bản thu phí của Zing MP3 hoặc nhaccuatui, người dùng được trải nghiệm chất lượng 320kbps MP3 hoặc lossless…".

Vấn đề ở đây không phải là giá thành cho một tấm vé, một cuốn sách, cho phí sử dụng mà ở thói quen khai thác miễn phí và trả giá chưa tương xứng với sản phẩm sáng tạo. Một bà mẹ sẵn sàng bỏ ra số tiền mấy trăm ngàn đồng để cho con cái tấm vé đi xem ca nhạc nhưng lại tiếc mười mấy ngàn đồng để mua một quyển truyện. Có lẽ, họ quan niệm sự sáng tạo, chất xám như quả rừng, như nước suối và các tài nguyên sẵn có khác, không cần/ phải đầu tư và chi trả thù lao. Nghệ thuật và sáng tạo là vui vẻ, là phi lợi nhuận, là không nhắc đến kinh phí chăng?

Nếu làm một cuộc khảo sát về sự hiểu biết trong lĩnh vực sáng tạo, hẳn nhiều người hôm nay vẫn quan niệm nghệ sĩ là người "lãi" nhất bởi hoạt động của họ chẳng tốn kém gì. Chỉ cần anh ta nghèo đói, buồn bã, suy tư, thất tình… thì cầm bút viết văn, cầm cọ vẽ, gảy đàn, ghi lại nốt nhạc… thế rồi cung cấp cho cộng đồng sản phẩm văn hóa. Sáng tạo là bản năng sẵn có của anh ta. Bởi thế, việc tiến tới xã hội hóa các tổ chức và hoạt động sáng tạo không dễ dàng.

Không hiểu sao khi nhắc đến những tấm vé của các đại biểu đến dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng, người viết lại liên tưởng đến tấm vé để đi tới sự thành công. Cũng như các cầu thủ trẻ tham dự các giải bóng đá trẻ, người viết văn trẻ, nghệ sĩ trẻ là nguồn của tương lai. Mai sau, trong số họ có người sẽ rẽ sang hướng khác, có người sẽ vượt qua những thách thức để tiếp bước trở thành nhà văn có tên tuổi.

Đương nhiên, để có được tấm vé để ghi tên mình vào tương lai là không dễ dàng, đòi hỏi năng khiếu thiên bẩm, vốn văn hóa, quan niệm sống, sự dấn thân và cả sự may mắn… Tuy nhiên, để đủ tiền in một cuốn sách, để phối khí, thu âm một ca khúc, đủ tiền mua màu, mực vẽ, toan, giá vẽ… với nhiều nghệ sĩ trẻ lại không hề đơn giản. Giá trị của đồng nhuận bút, của phí dịch vụ khi nghe một bản nhạc, thưởng thức vở kịch, đọc một bài thơ, truyện ngắn… đâu thể xếp chung với bảng giá trị với các mặt hàng khác. Việc chúng ta có tạo nên bệ phóng cho những người trẻ thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách suy nghĩ đó.

Bất chợt, nhớ đến hình ảnh khán giả chen chúc để mua tấm vé xem trận thi đấu của Đội tuyển bóng đá Việt Nam, U23 Việt Nam và những bàn thắng của các đội tuyển, người viết thấy có một sự liên quan, chi phối. Khi xã hội chưa thực sự trân trọng sản phẩm sáng tạo thì chưa thể mong sản phẩm chất lượng và ngược lại. Khi chúng ta đã chú ý đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa thì hãy thật sự quan tâm đến các "mỏ vàng" của tương lai để nguồn tài nguyên đó ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

Một tấm vé của ngày mai có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào hôm nay…

Lương Việt
.
.