Sức sống từ thường thức

Thứ Sáu, 10/11/2023, 09:35

Có một câu hỏi mà nhiều nghệ sĩ giao hưởng thính phòng Việt Nam vẫn hay đặt ra là "Làm thế nào để nền âm nhạc kinh viện của chúng ta có thể vươn tầm so với khu vực và thế giới?". Câu hỏi này không thể chỉ được giải quyết bởi vấn đề cơ sở vật chất hạ tầng (thiếu nhà hát tầm cỡ) hay câu chuyện của đào tạo chuyên nghiệp. Nó cần một ''sinh quyển'' rộng hơn để đặt vấn đề. Đó chính là khán giả, với thường thức được nâng tầm.

Câu chuyện thường thức cho cộng đồng vẫn luôn là những gì đau đáu nhất của những nhà giáo dục, các chuyên gia và cả giới trí thức Việt Nam nhiều thập niên qua. Phần lớn thường thức của cộng đồng người Việt được xây dựng từ chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau chứ chưa được hệ thống hóa để giáo dục trong học đường.

Hãy thử hỏi những đứa trẻ xung quanh ta về những cái cây trong thành phố, chúng ta sẽ nhận được những câu trả lời giật mình. Đa số trẻ chỉ biết một vài cây cơ bản, phổ biến mà thôi. Phần lớn, chúng đều không có một chút hiểu biết nào về phân loại cây cối xung quanh mình. Hiểu biết thường thức ấy, trẻ em các nước trong khu vực được học bằng sách vở, theo dạng bách khoa toàn thư bằng hình ảnh, và từ khi còn ở cấp mầm non, tiểu học. Thường thức về những sự vật, hiện tượng xung quanh chỉ là chuyện nhỏ với họ. Những thường thức khác hơn, cao cấp hơn, như âm nhạc, hội hoạ, văn học, kịch nghệ đều được "bơm" vào trong các môn học bổ sung trên ghế giảng đường. Từ đó, công dân bước vào đời với một vốn hiểu biết cơ bản nhất định đủ để có thể thích nghi với nhiều hoàn cảnh.

Một giáo viên dạy violin cho cấp trung học ở Nhật Bản đã chia sẻ lại kinh nghiệm cho chúng tôi về những học viên của mình. Nhìn cách các em chơi violin, ngay cả những người chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng phải giật mình. Ở trình độ đó, các em hoàn toàn có thể sẵn sàng cho một chọn lựa bước vào thế giới âm nhạc chuyên sâu sau khi tốt nghiệp phổ thông. Giới nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhật Bản luôn có một lực lượng dự bị sẵn sàng để tuyển sinh với trình độ, năng lực nền tảng là rất cơ bản.

Đó cũng là những gì đang được tiến hành ở nhiều quốc gia khác, kể cả các quốc gia Đông Nam Á. Điều đó mang lại lợi ích rất to lớn là mặt bằng thẩm mỹ, mặt bằng hiểu biết của cộng đồng được nâng cao. Chính mặt bằng được nâng cao ấy mới tạo ra “sinh quyển” cho các ngành nghề phát triển, đặc biệt là nghệ thuật, khi luôn tồn tại một lực lượng công chúng lớn với nhu cầu hưởng thụ thường xuyên.

Trong buổi tổng duyệt vở Opera "Công nữ Anio" ở Tokyo, ban tổ chức mở cửa cho sinh viên vào xem tổng duyệt miễn phí. Và 2.000 ghế ngồi đã không có một chỗ trống nào. Cả khán phòng nghiêm túc theo dõi y như đang xem một buổi công diễn thực thụ. Nếu như ở Việt Nam có một vở opera mở cửa cho sinh viên xem tổng duyệt, không biết có thể lấp được một nửa khán phòng nhà hát 600 chỗ ngồi hay không?

Nếu không quan tâm thực sự đến thường thức trên ghế nhà trường, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội trong tương lai khi đã tạo ra những thế hệ thực sự còn thiếu khuyết nhiều so với thế giới trong thời đại toàn cầu này.

Văn Đoàn
.
.