Sức hút của hình tượng người chiến sĩ Công an
Gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích của nhân dân lên trên hết, họ là “Thanh bảo kiếm” sắc bén, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Suốt những năm tháng đó, hàng vạn cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, bị thương trong quá trình bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Chiến công của lực lượng CAND đã được khắc họa rõ nét qua các tác phẩm văn học, trong đó có những nhà văn, tác giả không công tác trong lực lượng, bằng ngòi bút và khả năng văn phong đa dạng, họ đã vẽ nên hình tượng người chiến sĩ CAND khách quan và chân thực.
Đề tài văn học về lực lượng CAND trước đây đa phần là sân nhà của những nhà văn, tác giả công tác trong lực lượng CAND, ngược lại là điều bí ẩn, khó khai thác đối với những nhà văn, tác giả bên ngoài. Cho dù đã có nhiều tác phẩm hay về đề tài này nhưng ở một khía cạnh nào đó, số lượng tác phẩm còn hạn chế, vẫn có sự khiên cưỡng trong một số tác phẩm, hình tượng người cán bộ, chiến sĩ Công an chưa được lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân qua các tác phẩm văn học.
Vấn đề dần được hé mở và ngày càng trở nên phong phú hơn khi nhiều cuộc thi văn học về đề tài CAND được tổ chức, tiêu biểu là cuộc thi “Cây bút vàng” và cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Chi hội Nhà văn Công an, Nhà xuất bản CAND phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ giữa những năm 90 thế kỷ XX được duy trì cho đến nay.
Đây là hai cuộc thi uy tín được phát động nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà văn, người viết trong cả nước sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh trung thực, sinh động hình tượng người chiến sĩ công an vì nhân dân phục vụ, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, làm cho nhân dân “hiểu công an, yêu công an và giúp đỡ công an”; tạo nguồn bản thảo sách văn học để xuất bản và nguồn dữ liệu để xây dựng các kịch bản điện ảnh, phim truyền hình. Đồng thời, tôn vinh những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, phản ánh yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay với sự xuất hiện của tội phạm phi truyền thống; những diễn biến của biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Từ hai cuộc thi này, nhiều cuộc thi văn học viết về các lực lượng trong CAND được tổ chức vào những dịp kỷ niệm ngày truyền thống, như cuộc thi “Người chiến sĩ Công an Hà Nội vì Thủ đô bình yên, vì nhân dân phục vụ”, cuộc thi viết văn học kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh vệ CAND, cuộc thi viết văn học kỷ niệm 50 năm lực lượng Cảnh sát cơ động, cuộc thi viết văn học kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, cuộc thi viết văn học về lực lượng Công an xã, lực lượng Ngoại tuyến... kèm theo đó là nhiều trại sáng tác văn học được tổ chức, đưa các tác giả tiếp cận với thực tế công tác của cán bộ chiến sĩ từng lực lượng với những đặc thù riêng biệt. “Cánh cửa” của lực lượng CAND thực sự mở rộng chào đón các nhà văn, tác giả cùng chất liệu và cảm hứng sáng tác phong phú, đa dạng.
Nhiều tác phẩm ra đời từ hai cuộc thi đã đóng góp cho kho tàng văn học Việt Nam nói chung và văn học công an nói riêng những tài sản quý báu, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tại cuộc thi “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, nhà văn Nguyễn Đình Tú với tác phẩm “Hồ sơ một tử tù” đoạt Giải B giai đoạn 1995-2005, tác phẩm “Phiên bản” đoạt Giải B giai đoạn 2007-2010, tác phẩm “Cô Mặc Sầu” giai đoạn 2012-2015; nhà văn Hữu Mai đạt Giải A tác phẩm “Đêm yên tĩnh" giai đoạn 1995-2005; nhà văn Hồ Phương đoạt Giải B với tác phẩm “Yêu tinh” giai đoạn 1995-2005; nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đoạt Giải A với tác phẩm “Sát thủ online” giai đoạn 2007-2010; nhà văn Di Li đoạt Giải C với tác phẩm “Trại hoa đỏ” giai đoạn 2007-2010; nhà văn Phong Điệp với tác phẩm “Vực gió” đoạt Giải B giai đoạn 2012-2015; nhà văn Phạm Thanh Khương đoạt Giải B với tác phẩm “Giáp mặt” giai đoạn 2017-2020; tác giả trẻ Đức Anh đoạt Giải C với tác phẩm “Đảo bạo bệnh” giai đoạn 2017-2020...
Cuộc thi “Cây bút vàng” hai lần gần đây có thể kể đến các nhà văn, tác giả như nhà văn Tống Ngọc Hân với các tác phẩm “Đường biên giới màu đỏ”; “Đòn phản gián” của nhà văn Lương Sĩ Cầm; “Tấm thẻ” của nhà văn Phùng Văn Khai; “Đi qua giấc mơ” của nhà văn Mai Thị Hồng Quế; “Công an xã” của nhà văn Nguyễn Duy Liễm; “Hiên chờ” của nhà văn Tống Phước Bảo; “Gió xước” của nhà văn Nguyễn Hiệp...
Nhiều tác phẩm đã chạm đến các đề tài nóng, khó và nhạy cảm từ các vụ án về kinh tế, tham nhũng đến các lực lượng cảnh vệ, ma túy, trại giam..., được các nhà văn, tác giả khai thác triệt để, dũng cảm dấn thân đi đến tận cùng thân phận con người, cùng văn phong đa màu sắc. Một số tác phẩm đã phản ánh cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm mới, tội phạm phi truyền thống. Thông qua sự đa dạng của tác phẩm, hình ảnh người chiến sĩ CAND được khắc họa khách quan, chân thực, đẹp - xấu, bi tráng - hào hùng, nhưng trên hết các tác phẩm đã toát lên vẻ đẹp chân, thiện, mỹ của văn học.
Đề tài về Công an hiện nay đang trở thành mảnh đất màu mỡ đối với người viết. Tôi ấn tượng với một số nhà văn như Nguyễn Hiệp, Nguyễn Xuân Thủy là những nhà văn kỳ cựu với đề tài Công an, thường xuyên giành giải thưởng cao trong các cuộc thi văn học Công an. Hình tượng người chiến sĩ CAND trong các tác phẩm của hai nhà văn được miêu tả sinh động, nhân văn, không pha màu sắc tuyên truyền. Đối với nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, người đã có nhiều tác phẩm ấn tượng, bằng ngòi bút khéo léo, tỉnh táo và công tâm, hình ảnh người chiến sĩ Công an trong các tác phẩm của anh luôn được khắc họa chi tiết từ nhân cách tới tâm hồn, gần gũi, mộc mạc và rất đời dễ tạo ra những rung động thẩm mỹ. Ngoài ra, nhà văn Tống Phước Bảo còn là tác giả của nhiều bài viết, truyện ngắn hay liên quan đến đề tài CAND trên ấn phẩm VNCA.
Tại một cuộc hội thảo về văn học, tác giả rất tâm đắc với quan điểm của Đại tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội khi cho rằng “Vẻ đẹp của người chiến sĩ CAND luôn phải được đặt một cách công bằng bên cạnh hình tượng bộ đội Cụ Hồ”. Hình tượng bộ đội Cụ Hồ trong văn học nghệ thuật là hình tượng cao quý, biểu hiện sâu sắc đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Khoảng hai mươi năm trở lại đây, sự phát triển văn học đã và đang tạo ra những hình tượng mới đặc sắc, trong đó có hình tượng người chiến sĩ CAND. Điều này vừa góp phần khẳng định sự trưởng thành của một nền văn học đi đúng hướng, vừa khẳng định và xác lập những giá trị cao quý hình tượng người chiến sĩ CAND.
Trong thời đại công nghệ số, việc truyền tải, cập nhật thông tin trên mạng xã hội đã trở nên phổ biến, người dân làm chủ công nghệ, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, họ như những phóng viên tường thuật trực tiếp những sự kiện, điểm nóng. Các hành động đẹp được lan tỏa, việc làm xấu bị lên án, người chiến sĩ công an vì thế ngày càng trở nên gần gũi với nhân dân, nhà văn, tác giả ngày càng có nhiều chất liệu viết về “Thanh bảo kiếm”. Hình ảnh người chiến sĩ Công an chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quên mình lao vào lửa cứu người, tuyến đầu trong phòng chống COVID-19, truy bắt những kẻ khủng bố ở Đắk Lắk, hay miệt mài ngày đêm làm dữ liệu dân cư... đã trở thành cảm hứng để các nhà văn, tác giả xây dựng hình tượng nhân vật văn học, khắc họa chiến công của lực lượng CAND.
Văn học luôn tôn trọng hiện thực khách quan, ngày càng có nhiều nhà văn, tác giả ngoài lực lượng dấn thân vào mảng đề tài này và đóng góp các tác phẩm chất lượng, có giá trị cho văn học về đề tài CAND. Đây là tín hiệu tích cực không những góp phần mài sáng “Thanh bảo kiếm” mà còn đẩy mạnh phát triển một nền văn học giàu truyền thống.