Sự học của ngày hôm nay

Thứ Sáu, 01/12/2023, 16:11

Khi những náo nức của ngày tri ân các thầy cô đã qua đi, người viết mới nghiệm ra một điều: Khái niệm sự học có lẽ còn rộng lớn hơn những gì chúng ta đang bàn về giáo dục. Hay nói cách khác, sự học của ngày nay đã thành một chủ điểm văn hóa để xã hội bàn thảo thường xuyên chứ không còn là việc dạy và học của thầy và trò. Cùng với việc xây dựng một xã hội học tập, chúng ta đang có một nét văn hóa mới: tự đào tạo bản thân thông qua việc nhận diện các giá trị…

Nói đến sự học hôm nay, vẫn có người nhắc lại quan điểm của Anton Makarenko (1888 -1939), nhà sư phạm vĩ đại người Ukraina hay đến các quan điểm giáo dục mới như: môi trường học tập ảo; học tập nhập vai (công nghệ VR và AR); microlearning (học tập chia nhỏ)… Có lẽ vì sự đa dạng, phong phú của lí luận về giáo dục mà cách nhìn về lĩnh vực này cũng bị phân hóa bởi nhiều góc nhìn.

4-3.jpg -2
Giáo dục nay khác xưa nhiều lắm.

Trong lúc ấy, người viết đọc được một dòng tâm sự rất thấm thía của nhà giáo Giáp Tuấn Dương: "Con người có thể tự hào về trí tuệ của mình. Nhưng ở một chiều kích khác, con người là những sinh vật yếu đuối, không chỉ về sức khỏe mà còn về cảm xúc. Chúng ta đau khổ và bế tắc không phải vì chúng ta không nghe được những lời khuyên nhủ khôn ngoan và giải pháp chí lí, mà vì chúng ta không được nuôi dưỡng bởi những cảm xúc lành mạnh như sự yêu thương và sự chân thành".

"Yêu thương và sự chân thành" là những giá trị không hề mới thậm chí được coi là cũ kĩ trong suy nghĩ, mòn sáo trong câu từ nhưng tại sao vẫn lấp lánh trong sự suy cảm của một nhà giáo? Người viết cho rằng đó là lời khuyên mỗi chúng ta phải biết làm mới các phạm trù cũ. Người học ngày nay cần những yêu thương mới, chân thành mới, vừa mang bản sắc của thuần phong mỹ tục, vừa chứa đựng sự bao dung, dân chủ cởi mở được tiếp thu. Từ góc độ của một người vừa làm quản lý cơ sở đào tạo, vừa nắm bắt khoa học kĩ thuật, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT mới đây đã có một phát biểu trên Dân Việt: "Ngày nay, những nhà giáo dục cần phải đi học, kể cả giáo sư, bất kì lĩnh vực nào. Còn nếu vẫn cứ mang những sách vở, kiến thức cũ bọn trẻ sẽ không nghe đâu".

Câu nói này khiến người viết nhớ đến một trong các giá trị cốt lõi của FPT đó là sự đổi mới ("Tôn, Đổi, Đồng - Chí, Gương, Sáng"), cụ thể như: "Không ngừng học hỏi"; "Nỗ lực dẫn đầu công nghệ mới, sản phẩm mới"; "Tiếp thu các phương thức quản trị/kinh doanh mới". Có lẽ, từ cách tiếp cận này của ông Hoàng Nam Tiến, chúng ta có thêm một cách nhận diện mới về sự học: sự học bắt đầu từ chính người dạy học, từ nguồn cung cấp tri thức, kĩ năng chứ không chỉ dừng lại ở người đón nhận, tiếp thu. Để rồi từ đó, họ sẽ truyền đạt đến những học trò của mình cả sự tự giác học hỏi để có chính kiến và ngọn lửa đam mê.

Còn nhớ, G.Guibe đã từng nói một câu rất hay: "Dạy tức là học hai lần". Nếu bạn để ý kĩ, ngày nay khái niệm người dạy, người học chỉ còn mang tính thời điểm bởi bạn vừa phải thực hiện song song các hoạt động: học, vừa truyền đạt, chia sẻ. Lúc này làm thầy, lúc khác đã là trò, sự học này bổ trợ cho sự học kia và ngược lại. Học hỏi và truyền cảm hứng chính là giá trị văn hóa mà sự học ấy mang lại, chúng ta cùng cống hiến và thụ hưởng.

4-2.jpg -1
Lễ ký kết và đọc sách trên TikTok.

Mới đây, Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2025, trong có các nội dung như: Hỗ trợ quảng bá sách và văn hóa đọc tại Việt Nam; triển khai "Ngày #BookTok" định kỳ mỗi tháng trên nền tảng TikTok; ngăn chặn các hoạt động mua bán sách giả, sách lậu trên nền tảng; tổ chức chương trình đào tạo về khai thác hiệu quả TikTok Shop (theo: Tình Lê-vietnamnet.vn). Đề cập đến sự kiện này, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ: "Song hành với các hoạt động trực tuyến, TikTok cũng tích cực hợp tác với các đơn vị xuất bản ra mắt hạng mục Tủ sách Trending #BookTok đặt tại các cửa hàng trực tiếp và website, góp phần gia tăng doanh số cho các đơn vị phát hành, đồng thời tạo điều kiện phát triển cho những tác giả mới".

Chúng ta đều biết, những năm gần đây, TikTok được "mặc định" là nguồn "oxy" của thế hệ GenZ. Giới trẻ không chỉ hứng thú với các drama, nghiện lướt TikTok mà còn hình thành một tư duy TikTok. Theo một thống kê: tháng 1 năm 2018, TikTok mới chỉ có 55 triệu người dùng trên toàn cầu nhưng đã tăng lên 507 triệu người dùng (gần gấp 9 lần) vào cuối năm 2019. Đến tháng 7 năm 2020 là 700 triệu người dùng hàng tháng trên toàn cầu và vào tháng 5 năm 2022 đã đạt tới 1/8 lượng dân số trên toàn thế giới…

Nhìn vào con số ấy, các nhà sư phạm sẽ nghĩ gì về sự cạnh tranh của nền tảng này so với các bài giảng trên lớp? Câu trả lời không hề dễ dàng. Tuy nhiên, sự thắng thế của một trào lưu, xu thế nếu được khai thác đúng cách sẽ đem lại lợi ích như cách mà Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam đã thực hiện. Sự học ngày nay cần linh hoạt, biến chuyển để bắt nhịp cùng xu thế nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi ở mục tiêu mà chúng ta muốn đạt tới.

4-1.jpg -0
Thế hệ tương lai cần phải hiểu giá trị của yêu thương và sự chân thành.

Có lẽ sau khi đọc nhiều, đi nhiều và nghĩ nhiều, con người vẫn tự hỏi một câu hỏi cũ: Chúng ta cần học gì cho cuộc sống hôm nay? Đôi khi, tri thức mà ta tiếp thu chưa thể chuyển hóa được thành năng lực trong công việc trong khi bản thân ta lại thiếu những kĩ năng cơ bản nhất trong giao tiếp, ứng xử. Đó là một sự khủng hoảng của con người trong xã hội ngày nay chăng? Còn nhớ, gần chục năm trước, dư luận từng bất ngờ về một nhân vật có tên là tiến sĩ "chửi bậy"; cách đây hai năm là vụ một thầy giáo tát, đá học sinh trên bục giảng ở một Trung tâm GDNN-GDTX của tỉnh Bắc Giang; hay gần đây nhất là việc một bác sĩ vi phạm nồng độ cồn, gây tai nạn ở TP Hồ Chí Minh… Họ đã học và đã từng ý thức được sứ mệnh của người có tri thức hay không?

Tạm gác lại điều đó, chúng ta hãy đọc những dòng chia sẻ của nghiên cứu viên Lang Minh trên vnexpress.net: "Vấn đề lạm phát điểm (grade inflation) đang là tình trạng toàn cầu. Từ này ám chỉ việc khi có quá nhiều bằng giỏi thì tức là bằng cấp mất giá trị, hay việc kiểm tra đánh giá trở thành vô nghĩa. Nó cũng cảnh báo việc người học được nhận đánh giá cao hơn công sức học tập thực, từ đó mất đi động lực học thuật".

Thật đáng tiếc khi một người có học vấn, có hiểu biết lại vi phạm trong chính lĩnh vực chuyên môn của mình. Điều ấy không chỉ giúp ta nhận ra sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa mà còn nhận ra bản chất nằm ở việc họ đã đánh mất các giá trị. Để trở thành một thầy giáo, kĩ sư, bác sĩ… đâu chỉ cần có kiến thức mà còn cần đạt tới các giá trị sống. Điều cốt lõi làm nên văn hóa của một dân tộc Việt khoan dung, chuộng hòa bình, ổn định, uyển chuyển, linh hoạt chính là các giá trị sống ấy.

Sự học chính là một giá trị trong hệ giá trị của thời đại mới mà mỗi người cần có cho mình. Khi chúng ta đã có được những điều cảm thấy ý nghĩa và chia sẻ là lúc bản thân mình cảm thấy hạnh phúc nhất. Triết gia thời Hy Lạp cổ đại Socrates (470-399 TCN) đã nói: "Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình". Phải chăng, cho đến hôm nay điều đó vẫn còn nguyên giá trị…

Lâm Việt
.
.