Sự điên rồ của những tấm vé

Thứ Năm, 01/12/2022, 09:28

"Ca sĩ mặt nạ" - The Masked Singers - chắc chắn là show xuất sắc nhất, cuốn hút nhất và có sức tạo xu thế mạng xã hội nhất của năm 2022. Nói chắc chắn là bởi nó không chỉ được chia sẻ, vang lên khu biệt ở phạm vi mạng lưới tin tức (newsfeed) trên trang cá nhân của một cộng đồng có xu hướng quan tâm chung nào đó mà nó còn lan tỏa đến nhiều cá nhân vốn dĩ không chơi Facebook, TikTok và đặc biệt hơn, nó kéo được người xem tới sân khấu diễn ra đêm gala trao giải của mùa 1.

Gala trao giải của "Ca sĩ mặt nạ" cháy vé đã cho thấy sự thính nhạy của ban tổ chức chương trình khi biết cách kết hợp giữa ảo (mạng xã hội, truyền hình) với thực (đời sống sân khấu). Đỉnh điểm của nó là những tranh cãi ồn ào xoay quanh một vài cá nhân mua vé hạng nhất của show diễn ở nhà thi đấu Phú Thọ - TP Hồ Chí Minh nhưng lại không có ghế ngồi.

Trong tranh cãi này, đừng vội chỉ trích ban tổ chức bởi không phải tất cả những ai mua hạng vé ấy đều "mất chỗ". Chỉ có cá biệt nhỏ những người tới muộn hơn thông báo trước đó là bị mất chỗ ngồi mà thôi. Song, điều đọng lại đáng để suy ngẫm chính là con số liên quan đến những tấm vé, hay nói thẳng ra là giá vé. Mười hai triệu đồng cho một cặp vé hạng nhất, tương đương mức lương tháng trung bình phổ thông của một nhân viên ở thành thị hôm nay và gấp nhiều lần thu nhập của người dân ở vùng nông thôn. Ngoài ý nghĩa rõ rệt là chương trình chỉ khu biệt phục vụ khách hàng mục tiêu là dân đô thị có tiền ra, giá vé ấy còn mang ý nghĩa nào khác hay không? Có, nó cho thấy sự điên rồ của giá vé ở Việt Nam hôm nay, chi phí đầu vào quá khủng khiếp để sản xuất một chương trình hay lòng tham của nhà tổ chức?

Trước khi nói về giá vé, chúng ta cần nói về địa điểm trước đã. Những địa điểm truyền thống (tạm gọi) như nhà hát thường có giá vé cao hơn các địa điểm rộng như sân vận động, nhà thi đấu bởi hạn chế về số lượng ghế ngồi. Chính vì thế, như liveshow 20 năm ca hát của Tùng Dương mới tổ chức ở Trung tâm Hội nghị quốc gia gần đây, mức giá vé có biên độ rất rộng, từ vài trăm ngàn (vé ngồi tít trên lầu cao) tới 8 triệu đồng (hạng siêu VIP). Giữa biên độ ấy là các mức 6 triệu, 5 triệu, 3 triệu, 2 triệu, 1,5 triệu. Nếu concert này của Tùng Dương diễn ra ở sân vận động hoặc một nhà thi đấu sức chứa khoảng 20 ngàn người như nhà thi đấu Phú Thọ, giá vé đưa ra có thể thấp hơn rất nhiều bởi nó đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho ban tổ chức. Do đó, so sánh giá vé kiểu concert của Tùng Dương với "Ca sĩ mặt nạ" là khá khập khiễng.

Nhưng nếu so sánh giá vé của "Ca sĩ mặt nạ" với các concert của các ngôi sao hàng đầu quốc tế diễn ra ở Singapore hay Thái Lan hiện nay, chúng ta sẽ giật mình. Cũng diễn ra ở các địa điểm rộng, có sức chứa cao, các ngôi sao đình đám như Maroon5, Jose Carreras, Justin Beirber… có mức giá hợp lý hơn rất nhiều. Điển hình, show diễn nằm trong world tour của Maroon5 diễn ra ở Bangkok đầu tháng 12 tới có vé siêu VIP chỉ ở mức 340 USD; show diễn của Justin Bierber sẽ diễn ra ở Manila có giá vé siêu VIP là 500 USD… Nói chung, với mức giá dao động từ 150 cho tới 500 USD, người xem có thể mua 1 vé siêu VIP để xem các siêu sao thế giới trình diễn ở Singapore, Thái Lan, Phillippines rồi. Và từ gần 20 năm nay, chuyện người Việt bay sang các quốc gia láng giềng xem show xịn cũng đã là chuyện quá bình thường.

Phi lý này đến từ lòng tham của ban tổ chức (đẩy giá vé lên cao thu lời) kết hợp với lòng tham của chính nghệ sĩ. Cát sê Việt hiện đang ở mức chóng mặt khi một ca sĩ vừa thắng bài hit có thể đòi cát sê hai ba trăm triệu cho một suất diễn vài ba bài. Như vậy, giá vé không nhảy múa mới là điều lạ.

Câu hỏi cuối cùng đọng lại cho sự nhảy múa giá vé này chỉ nằm ở đúng một chữ "thuế". Kể từ sau Hồ Ngọc Hà với việc công khai mức nộp thuế thu nhập cá nhân khủng hồi 2007 tới nay, dường như showbiz im ắng vô cùng khi khai nộp thuế. Nếu bây giờ truy thu, giá vé còn nhảy múa theo điệu điên rồ ấy hay không?

Văn  Đoàn
.
.