Sòng phẳng

Thứ Năm, 08/05/2025, 17:11

Màn trình diễn drone đêm 30/4 tại bờ sông Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh đáng lẽ đã là một trong những sự kiện được trông đợi nhưng lại kết thúc trong tranh cãi lớn giữa hai phe: bảo vệ nhà tài trợ và phe góp ý về văn hóa quảng cáo.

Nhưng, điều đáng nói nhất chính là giữa bão tranh cãi này, cộng đồng không hề biết được thực chất ai mới là đơn vị tổ chức và chịu trách nhiệm trước mọi phát sinh liên quan tới chương trình.

Sòng phẳng -0
Màn trình diễn drone đêm 30/4 tại bờ sông Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh.

Lục tìm theo thông báo về kỷ lục Guiness mà màn trình diễn này được ghi nhận, trên website chính thức của Guiness, chúng ta có thể thấy 2 cái tên đơn vị được tổ chức kỷ lục này nhắc tới. Đó là Prowtech International Vina JSC và LoonEyes Studio, 2 đơn vị hoàn toàn của Việt Nam và cũng là 2 đơn vị tư nhân. Như vậy, có thể khẳng định, cuộc trình diễn 10.518 drones trên sông Sài Gòn vừa qua đã được tổ chức bởi một liên danh 2 công ty tư nhân.

Song, trên trang cá nhân có tên Phan Hải Linh, người được biết đến là giám đốc kỹ thuật của drones show này, có một cái tên khác được nhắc tới nữa là Damoda, một doanh nghiệp Trung Quốc được xem là đang dẫn đầu thế giới về công nghệ kiểm soát bay và cũng từng lập kỷ lục ở nhiều drones show đó đây tầm vóc quốc tế. Như vậy, chúng ta cũng có thể khẳng định thêm một chi tiết nữa: drones show vừa qua được tổ chức bởi 2 công ty Việt Nam mà nhà thầu cho thuê thiết bị lẫn công nghệ là một công ty nước ngoài. Gắn với chương trình là một nhãn hàng tham gia quảng cáo dưới uyển ngữ “đơn vị đồng hành”.

Điều đáng nói là chương trình drones show này đã được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đưa vào trong danh sách các chương trình chào mừng đại lễ và đệ trình lên UBND TP Hồ Chí Minh cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Như vậy, có vẻ như đây là một trong những chương trình đồng hành phục vụ đại lễ và được thực hiện nhờ xã hội hóa hoàn toàn. Với các thông tin kể trên, cùng với những gì được tiết lộ với giới truyền thông suốt một thời gian dài, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi về tính sòng phẳng trong việc thực hiện buổi trình diễn này.

Sẽ sòng phẳng hơn nếu ngay từ đầu, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh công bố đây là chương trình xã hội hóa đồng hành cùng đại lễ thay vì để công chúng hiểu lầm rằng nó là một chương trình phục vụ đại lễ do Nhà nước tổ chức giống như các chương trình cầu truyền hình ca nhạc, các đêm bắn pháo hoa cả tầm cao lẫn tầm thấp. Chính sự thiếu rõ ràng về thông tin đã dẫn tới việc không một đơn vị nào công khai và chính thức nhận trách nhiệm sau các sai sót của đêm trình diễn. Tất cả chỉ gói gọn trong 3 chữ chung chung: Ban tổ chức.

Sẽ sòng phẳng hơn nữa khi chương trình cũng đừng quá đề cao việc xác lập kỷ lục thế giới như một niềm tự hào Việt Nam. Cơ bản, xác lập một kỷ lục liên quan tới hành động “xác lập” rất cụ thể. Ở đây, hành động “xác lập” ấy không được thực hiện bởi 2 công ty Việt Nam mà chính xác hơn, nó được thực hiện bởi Damoda, một nhà thầu nước ngoài cung cấp cả trang thiết bị bay lẫn công nghệ, kỹ thuật bay. Bỏ tiền ra thuê người khác lập kỷ lục để ghi danh mình trong đó không phải là cách để tự hào và nói thẳng, đó là hành vi không sòng phẳng.

Một điểm cuối, nhưng quan trọng không kém, chính là việc thay đổi lịch trình trình diễn một cách thất thường. Việc này đặt ra câu hỏi về giấy phép bởi hoạt động bay không người lái, điều khiển từ xa liên quan rất lớn tới an ninh và an toàn. Hoạt động này luôn phải có sự hiệp thương cho phép của 3 cơ quan: Công an, Quốc phòng và ngành Giao thông. Liệu có hay không sự qua mặt các cơ quan quản lý nhà nước kể trên khi lịch trình diễn luôn thay đổi bất ngờ và từ đó mới dẫn tới tình trạng nhiễu sóng khiến nhiều drone rơi tự do?

Sòng phẳng là điều rất cần đối với xã hội Việt Nam hiện nay, khi càng ngày những đòi hỏi về minh bạch càng lớn. Đơn giản, chính sự sòng phẳng ấy sẽ chỉ ra rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên tham gia ở mức độ nào, đồng thời tránh được những ồn ào tranh cãi không cần thiết.

Hà Quang Minh
.
.