“Sỏi đá” có “thành cơm”?

Thứ Bảy, 27/11/2021, 10:49

Nhiều người thuộc hai câu thơ mang đậm tinh thần triết học của Hoàng Trung Thông trong "Bài ca vỡ đất": "Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

Câu thơ trở thành chân lý nhờ tính khái quát cao và đảm bảo tính hàm súc tối đa của biểu tượng: "bàn tay" biểu tượng cho sức lao động; "sỏi đá" biểu tượng cho đất đai hoang hóa khô cằn; "cơm" biểu tượng cho thành quả lao động. Ý thơ bật ra: có sức lao động là có tất cả. Một đời thơ chỉ cần hai câu rực sáng như thế là đủ "bảo hiểm" cho tác giả vị thế một nhà thơ!

Là thành quả lao động nên "cơm" cũng là biểu tượng của hạnh phúc: "Cơm ai người nấy ăn/ Việc ai người nấy làm" nghĩa là ai lo phận nấy, phúc ai người ấy hưởng. "Cơm nhà má vợ" ý nói hạnh phúc của ai người ấy trân trọng, người ấy giữ gìn, đừng có lăng nhăng léng phéng...Nhưng chỉ đến Hoàng Trung Thông biểu tượng mới bay vào bầu trời văn hóa đương đại. Để có thơ hay thật khó. Ngôn ngữ của chung nhưng muốn chưng cất thành của riêng thì phải cần tài năng. Còn là "trời" cho nữa!!!

“Sỏi đá” có “thành cơm”? -0
Cơm “âm phủ” xứ Huế!

Văn minh nông nghiệp lúa nước ăn cơm. Văn minh thảo nguyên ăn mì. Chả có gì mới. Nhưng cái thú vị là điều ấy quy định các ứng xử văn hóa thông qua cơ chế sử dụng biểu tượng rất khác nhau. Người Việt trọng tình, quý người. Cơm nuôi sống người nên cơm rất quý. Nếu hạt thóc được gọi là "hạt vàng" thì gọi cơm là "ngọc thực", trong trắng như ngọc, quý giá như ngọc. Các cụ dạy trẻ con nếu để cơm rơi cơm vãi thì sau này sẽ hóa kiếp quỷ đói chuyên đi nhặt cơm rơi mà sống. Đứa trẻ nào cũng sợ nên cố mà giữ. Tính chắt chiu có từ đấy!

Cơm gắn liền với đời sống mỗi người "Cơm ba bát, áo ba manh, đói không sợ xanh, rét không sợ chết" tức có cơm mới tồn tại được, đủ cơm mới chống chọi lại được với môi trường đói rét khắc nghiệt. Cơm với người như là mối quan hệ ruột thịt "Cơm tẻ mẹ ruột". Cơm no thì ít quan tâm đến thứ khác "No cơm tẻ nhỏ nhẻ khoai lang"... Có cơm là có hạnh phúc, dù giản đơn, đời thường: "Cơm ba bát tắm mát hôm mai". Là biểu trưng cho sang trọng vương giả: "Cơm bạc đũa ngà". Là cảnh trưởng giả phú quý: "Cơm bưng nước rót"; "Cơm bưng tận miệng, nước rót tận mồm". Câu ca dao "Cất nhời là chửi phủ đầu/ Nước rót cơm hầu mẹ vẫn còn chê" là cảnh con nuôi cơ cực. Con nuôi nhưng thực chất là con ở. Là cảnh sinh hoạt đầy đủ, không sang trọng nhưng chu đáo: "Cơm ăn rượu uống". Câu "Cơm no rượu say" là nói về chuyện đãi khách bình dân. Còn "Cơm gà cá gỏi" là nói chuyện đãi khách quý, khách trọng...

Cơm là biểu tượng cho cảnh sống. Như cảnh tạm bợ nay đây mai đó thì "Cơm hàng cháo chợ". Cảnh cô đơn trống trải: "Cơm niêu nước lọ". Cảnh vất vả lam lũ: "Cơm chéo áo, gạo chéo khăn". Cơm để chỗ góc vạt áo, gạo để góc chéo của khăn là quá ít ỏi. Tức ăn bữa nay lo bữa mai. Cảnh nghèo khó: "Cơm hẩm áo manh", "Cơm hẩm cà meo". Cô Tấm trong cổ tích gọi con cá Bống: "Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người". "Cơm hẩm cháo hoa" là nhà nghèo, đói rách, khó khăn...". "Truyện Kiều" có câu: "Phong trần mài một lưỡi gươm/ Những phường giá áo túi cơm sá gì" là sự đối lập giữa anh hùng dọc ngang sơn hà vẫy vùng thiên hạ (Từ Hải) và những kẻ bé mọn chỉ biết bo bo lo nghĩ cái ăn (túi đựng cơm) cái mặc (giá để mắc áo).

Cơm là biểu tượng cho quan hệ: "Cơm chẳng lành canh chẳng ngọt", chủ yếu nói về quan hệ vợ chồng trong gia đình nhưng vẫn được hiểu rộng ra là cả những mối quan hệ không êm ấm, hục hặc ngoài xã hội.

Cơm là biểu hiện thời điểm, cơ hội phải nắm bắt: "Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà nhảy ổ". Câu này chỉ hơi khó hiểu ở "gà nhảy ổ". Đây là nói gà mái tơ nhảy ổ lần đầu. Gần nghĩa có câu: "Cơm chín tới vợ mới về" tức vợ mới cưới. Trái nghĩa là câu: "Cơm chờ canh đợi", "Bực như ngồi chực nồi cơm" tức phải chờ người khác mất đi cơ hội thưởng thức...Dân gian giáo dục sâu sắc tính cách chần chừ, ý đồ, dự định phải thống nhất với hành động, đừng kiểu: "Ăn cơm gà gáy cất quân nửa ngày"!

Các nhà nghiên cứu văn hóa giải thích rất hay tục ngữ "Ăn trông nồi ngồi trông hướng". Tức khi ăn phải biết "nồi cơm" đầy vơi, còn hết thế nào. Người đơm cơm cũng ý tứ tùy người mà đơm, bát cơm vừa phải không đầy không vơi. Người ăn cũng tế nhị...Các cô dâu ngày xưa phải ngồi đầu nồi, nhà đông người có khi đơm cơm hết cho mọi người, đến lượt mình thì...hết. Chỉ còn khóc thầm... Câu tục ngữ trên là nhắc những nhà có con dâu mới cần ý tứ... Quả là trình độ văn hóa người thể hiện rõ trong bữa ăn. Chả thế mà có câu: "Trời đánh tránh miếng ăn".

“Sỏi đá” có “thành cơm”? -0
Nồi cơm quê!

Là người Việt ai cũng biết đến niêu cơm Thạch Sanh ăn hết lại đầy. Đó không còn là niêu cơm nữa mà là khát vọng được sống no ấm đủ đầy. Còn là khát vọng hòa bình, khát vọng dư thừa của cải để giúp người khác, dù người đó từng không tốt với mình. Nhân văn, vị tha cao đẹp biết bao! Mẫu gốc niêu cơm này theo thời gian đẻ ra biết bao niêu/nồi cơm khác. Niêu cơm của Nguyễn Minh Không (trong chùm truyện về Nguyễn Minh Không) cũng đủ ăn cho cả một đoàn sứ giả đến mời ông đang ở trong rừng về giúp nhà vua. Câu chuyện cổ anh học trò nghèo mượn nồi cơm nhà hàng xóm, ngày nào cũng mượn. Láng giềng ngạc nhiên tìm hiểu, thì ra anh mượn về vét những hạt cơm thừa, còn không thì cố kiếm cái "hơi hồ" ở đáy nồi để lấy sức mà học. Biết ý, chủ nhà để nhiều hơn cơm nguội thừa. Anh ta có chí thi đỗ Trạng sau đó trả ơn rất hậu cho hàng xóm... Ý chí và nhân tình biết bao!

Bên bờ Nam sông Lam, ở thị trấn Xuân An (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) có ngọn núi mang tên núi Cơm. Đó là sự tích huyền thoại ông Đùng khổng lồ có sức khỏe phi thường sắp đặt lại núi sông để chống lũ. Mải làm quên cả ăn, đùm cơm ông Đùng mang theo biến thành hòn núi lớn chặn dòng nước dữ. Cái ý chí khát vọng chinh phục tự nhiên của người cảm động đến cả sự vật. Ở xã Đăk Blô (Đăk Glei, Kon Tum) cũng có núi Nồi Cơm. Huyền thoại của đồng bào Giẻ-Triêng kể ngày trước hạt gạo rất to đến nỗi mỗi hạt nấu được một nồi cơm cho 5- 6 người cùng ăn. Nghe nhầm lời mẹ chồng mà cô con dâu nấu cả 1 lon gạo. Nồi cơm nở bùng lên thành một quả núi. Ông trời lấy cái kiếm chém, ngọn và thân núi văng xa còn cái gốc là núi Nồi Cơm bây giờ.

Cùng văn minh "ăn cơm", xứ Trung Hoa có hai câu chuyện đáng suy ngẫm. Một là điển cố "bát cơm Phiếu mẫu". Hàn Tín thuở cơ hàn, đương cơn đói bỗng gặp một người đàn bà đập vải (từ cổ gọi là "phiếu mẫu") cho bát cơm. Về sau nổi cơ đồ Hàn Tín tìm gặp tạ ơn bà ngàn vàng. Vật chất có khi giá trị chẳng đáng bao nhưng đúng thời điểm thì giá trị, ý nghĩa vô cùng. Tất nhiên còn là dạy về cách ứng xử biết ơn. Truyện nữa là của thầy trò Khổng Tử. Một lần thầy sửng sốt bắt gặp Nhan Hồi ăn vụng. Đến bữa Nhan Hồi không ăn và thú thực khi nấu cơm thì bụi rơi vào, bỏ đi thì tiếc nên đã ăn chỗ cơm bụi ấy còn dành cơm ngon cho mọi người. Vô cùng vui sướng vì có học trò ngoan nhưng Khổng Tử lại than rằng ngay việc chính mắt mình trông thấy cũng chưa biết đúng sai thế nào, huống hồ việc đánh giá con người thật khó thay, "sông sâu còn có kẻ dò"...!!!

Có thể khẳng định từ khi biết lao động thì cơm là hình bóng của con người. Nhìn cơm sẽ biết con người giàu nghèo, sang trọng, nhất là biết phương thức canh tác. Chỉ đồng bào miền núi, không gì ở Việt Nam mà khắp châu Á đều có cơm lam. Vì ngày trước du canh du cư nay núi này mai núi khác, nên cuộc sống tạm bợ. Bà con nghĩ ra cách làm cho gạo chín thành cơm mà không cần đến xoong nồi là ngâm gạo, cho vào ống nứa rồi nướng trong lửa... "Lam", tiếng Thái nghĩa là "nướng"!

Ngày nay ở các tỉnh cực Nam có món cơm tấm được coi là đặc sản, còn ngày xưa là món ăn của dân nghèo được nấu từ các hạt gạo vỡ ra thành những mẩu nhỏ. Cơm tấm thường ăn cùng với thịt heo nướng, chả trứng, dưa chua và nước mắm pha. Ngày nay đĩa cơm tấm có thêm sườn heo nướng thơm vàng ươm rất hấp dẫn. Ở Huế có món cơm âm phủ, là một trong những món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến đậm nét văn hóa ẩm thực Huế. Truyền thuyết kể vua đi vi hành tối trời vào nhà bà góa được bữa ăn có cơm trắng cùng một ít rau các loại xếp xung quanh. Ăn thấy rất ngon, về cung vua sai đầu bếp làm theo và đặt tên là "cơm âm phủ"!

Nguyễn Thanh Tú
.
.