Sính chữ vô lối

Thứ Năm, 29/12/2022, 10:48

Showbiz cuối năm 2022 lại dậy sóng bởi vụ tranh cãi ồn ào giữa ca sĩ mới thăng hạng sau 1 show (Ca sĩ mặt nạ) O Sen Ngọc Mai với nữ nhạc sĩ là Xesi. Xesi tố Ngọc Mai đã trình diễn ca khúc có tên "Tuý âm" do Xesi sáng tác tại Lễ hội âm nhạc Hò Dô 2022 (Hozo) và phòng trà Bến Thành mà chưa xin phép tác giả. Phía ngược lại, Ngọc Mai cho biết Ban tổ chức đã xin phép Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi Xesi đã uỷ quyền khai thác và quản lý tác phẩm.

Các bên đều hiểu luật theo cách riêng của mình và chắc chắn sẽ có phân định sớm bằng pháp lý. Nhưng nó đủ để đọng lại một điều đáng suy ngẫm sâu hơn, đó chính là thói sính, chuộng dùng chữ ngoại lai mà thực tế chưa nắm bắt hết được ý nghĩa của con chữ.

Xesi, trong bài đăng tố Ngọc Mai, cũng có nhấn mạnh về ý nghĩa của "Tuý âm". Theo cô, mọi người đang hiểu sai về chữ "túy" trong bài hát này. Cô nhấn mạnh rằng trạng thái say (túy) mà tác giả muốn thể hiện là say thanh âm, say nhạc điệu chứ không phải say rượu, say bia hay say thuốc. Chính vì thế tên bài hát mới là "Túy âm".

Đến đây, chắc chắn không ít người sẽ giật mình. Chúng ta từng được nghe nhiều từ có sử dụng chữ "túy" gốc Hán. Ví dụ như "Túy quyền" là bài quyền được trình diễn theo hình thức mô phỏng chuyển động của người say rượu. Hay "Túy ca" là bài ca được tấu lên trong trạng thái say rượu hoặc tụng ca trạng thái lâng lâng say men ấy. Bản thân chữ "túy" (?) cũng đã mang hàm nghĩa "say rượu" (xem từ điển Thiều Chửu) và khó có thể nào gượng ép "Túy âm" là "say thanh âm" được.

Xesi còn trẻ, có thể còn chưa có đủ kiến thức để nắm bắt sâu sắc nên đã hiểu "Túy âm" một cách ngây ngô đơn giản. Xesi không đáng bị trách vì sự ngây ngô ấy. Nhưng cô, cũng như rất nhiều người trẻ khác, đang rất đáng trách khi hồn nhiên sa vào thói sính dùng chữ ngoại một cách vô tội vạ trong khi tiếng Việt trong sáng hoàn toàn có lối viết, lối nói khác thay thế đủ rõ nghĩa và dễ hiểu. Trường hợp báo chí hiện nay chuộng dùng từ "phong sát" chẳng hạn. "Lệnh cấm" là một từ dễ hiểu hơn tại sao lại không sử dụng? Từ nhiều năm trước đã xuất hiện những từ lai căng như "đam mỹ", "chân ái", "soái ca"… nghe thì rất êm tai nhưng hiểu đúng đắn thì ít người có khả năng. Chúng được sử dụng nhiều khi lệch pha đi rất xa so với nghĩa gốc ban đầu. Nặng nề hơn là môi trường tiếng Việt lành mạnh đã bị ô nhiễm một cách đáng sợ.

Tiếng Việt, cũng như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, vẫn chưa bao giờ đạt trạng thái hoàn thiện. Có những khái niệm mới mà ngôn ngữ chưa kịp cập nhật nên nhiều khi phải sử dụng tiếng nước ngoài để thay thế. Điều này cũng là bình thường. Nhưng trong quá trình phát triển, nếu có sự thay thế thì cần ưu tiên sử dụng phương án thay thế bằng tiếng mẹ đẻ, sự phát triển ấy mới góp phần để ngôn ngữ có đời sống của nó, có sức sống thực sự. Bảo tồn tiếng mẹ đẻ không chỉ là việc tập trung phát triển mà còn cần cả củng cố nó, với những gì có sẵn, dễ hiểu.

Việc lai căng vô tội vạ như hiện nay đã và đang góp phần làm nghèo nàn đi khả năng sử dụng tiếng Việt của giới trẻ, cũng là một nguyên nhân sâu xa mà giới trẻ ngày càng xa rời văn học. Việc đơn thuần chỉ đổ lỗi cho giáo dục là một sai lầm khi ngành giáo dục không hề liên quan đến các câu chuyện phổ biến trên các nền tảng xã hội như Youtube, TikTok, Facebook… Những câu chuyện ấy đủ tạo ra những trào lưu, đủ để dẫn dắt người trẻ sa lầy trong thói sính chữ ngoại lai vô lối.

Văn  Đoàn
.
.