Sát thực tiễn để gần dân hơn
Cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri vào sáng 8/7, sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khi trao đổi về những việc cần làm trong thời gian tới, một trong những yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra là chính quyền phải tăng cường đi cơ sở tìm hiểu thực tế; phải sát dân, bám dân, doanh nghiệp, định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; cùng giải quyết khó khăn, ách tắc.
Yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ đối với lãnh đạo của một địa phương, cụ thể ở đây là TP Cần Thơ, thực ra là yêu cầu chung cho toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước, mà đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các địa phương cũng như các bộ ngành, để giải quyết một trong những “căn bệnh kinh niên” lâu nay.
“Căn bệnh kinh niên” ấy là gì? Là quan liêu, xa rời thực tiễn.
Cán bộ, nhất là cán bộ quản lý mà xa rời thực tiễn thì chỉ quản lý trên giấy, quản lý theo kiểu ngồi đọc báo cáo của cấp dưới. Mà báo cáo thì không phải cái nào cũng phản ánh đúng thực tiễn. Làm quản lý mà như thế, làm sao đưa ra được các quyết định đúng và cần thiết để giải quyết vấn đề. Làm sao biết được dân chúng, doanh nghiệp cần gì?
Tình trạng xây dựng trái phép hay sai phép, lấn chiếm đất rừng hay đất nông nghiệp đã diễn ra tràn lan khắp nơi, là một ví dụ. Người dân đặt câu hỏi: Dân đổ một xe cát sửa hàng rào cũng bị cán bộ quản lý đô thị vào hạch sách, sao cả cái biệt phủ, thậm chí cả hàng dãy biệt thự xây trái phép thì không ai biết? Hay có những dự án chưa được cấp phép, chưa có đánh giá tác động môi trường mà đã phá rừng thi công rầm rộ?
Nói thẳng, nếu không tiếp tay vì một “lý do khó nói” nào đó thì những chuyện như thế chỉ có thể xảy ra khi cán bộ trong bộ máy quản lý địa phương và cơ quan chức năng đã không sâu sát thực tế, không biết chuyện gì đang xảy ra. Đó chính là quan liêu, xa rời thực tiễn.
Ở TP Hồ Chí Minh, mới đây, nhiều người bất ngờ vì sao việc giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai 3 lại nhanh gọn đến vậy, trong đó có cả những nơi lẽ ra rất khó như huyện Hóc Môn nhưng lại là một trong 4 địa phương bàn giao 100% mặt bằng cho dự án từ hồi cuối tháng 6. Có phải vì TP Hồ Chí Minh nhiều tiền nên chi bồi thường “khủng”? Không đúng. Vì tất cả đều phải theo đúng các nguyên tắc và qui định về tài chính.
Thực ra, chuyện giải phóng mặt bằng xưa nay chưa bao giờ là chuyện dễ. Với TP Hồ Chí Minh cũng vậy, mà chính ở dự án đường Vành đai 3 ban đầu cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khi Thành ủy TP Hồ Chí Minh chỉ đạo quyết liệt, đưa cán bộ có đủ trách nhiệm, xuống tận nơi, gặp dân, gặp doanh nghiệp, ngoài việc tuyên truyền thì để biết ai khó cái gì, khó chỗ nào… để giải quyết, vấn đề mới được hóa giải. Cho nên, căn bệnh quan liêu, xa rời thực tiễn, nói cho cùng là một thứ “bệnh kinh niên” của đội ngũ cán bộ, làm xói mòn lòng tin của dân vào Đảng, Nhà nước, rất cần phải “bắt mạch, kê toa” để trị cho tận gốc.
Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Trong đó, phân công cán bộ là thành viên Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp làm Tổ trưởng của 1 trong số 13 Tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp, thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện từng dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm của thành phố. Những cán bộ này phải kịp thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để chỉ đạo tháo gỡ trong việc thực hiện các dự án trọng điểm.
Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Quy chế làm việc số 09-QC/TU thay thế Quy chế làm việc số 05-QC/TU, ngày 15/6/2022. Quy chế này có nhiều điều cụ thể hóa nhằm tăng cường trách nhiệm tập thể, cá nhân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đặc biệt trong nội dung nêu rõ giảm họp, tăng cường đi cơ sở, tập trung giải quyết công việc. Theo yêu cầu của Chính phủ trong việc khẩn trương, nỗ lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, gần đây nhiều Chủ tịch UBND các tỉnh, thành đã “xuất quân”, trực tiếp đảm nhiệm vai trò phụ trách bộ phận tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Dĩ nhiên, nói chuyện xóa bỏ quan liêu, xa rời thực tiễn thì là cả một vấn đề lớn, không đơn thuần chỉ mệnh lệnh hay làm theo kiểu phong trào mà được. Cốt lõi, vẫn là ở chỗ thay đổi được tư duy của đội ngũ cán bộ. Một nền hành chính phục vụ, chỉ có thể được vận hành đúng nghĩa khi có đội ngũ cán bộ tận tụy, biết rõ bổn phận công bộc của mình.
Bản chất “của Dân, do Dân, vì Dân” của một Nhà nước dân chủ có tồn tại trên thực tiễn sinh động của đất nước chúng ta hay không, cũng phải từ chính từ đội ngũ cán bộ trực tiếp vận hành bộ máy Nhà nước.