"Sát hạch" phụ huynh
Hôm rồi, tôi đi qua một con phố xe cộ ùn tắc vì có đến hai trường học nằm trên phố này. Đang tập trung lái xe nhưng tôi vẫn nghe được nhiều người bên cạnh bàn tán, đại khái: "Hôm nay, phụ huynh mới bắt đầu… khai giảng". Nghe xong, tôi cứ băn khoăn: Không rõ bắt đầu khai giảng gì nữa đây? Nghe tôi kể xong, vợ tôi bảo: "Vì anh xem có ai sướng như anh đâu, vợ làm giáo viên được nghỉ hè ở nhà trông con chứ nhà người ta vợ chồng làm hành chính vất lắm. Hè, tức là kì… sát hạch phụ huynh đấy anh biết chưa?".
Chuyện tào lao ấy có thể không bao giờ nói lên chính xác bản chất của sự việc nhưng đôi lúc lại gợi ra những liên tưởng khá thú vị. Nhưng chẳng lẽ, các bậc làm cha, làm mẹ cứ phải "đối phó" mãi với sự nhàn cư của con cái mỗi kì nghỉ hè; chẳng lẽ nếu không đến trường, bọn trẻ sẽ chỉ gây rắc rối cho xã hội này. Hay, bản thân các em cũng có những "bài toán" khó mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến việc cùng tìm ra lời giải với con em mình. Nghỉ hè cùng con, chơi cùng con lẽ nào khó như hái sao trên trời?

Rất may, một người rất hiểu các thế hệ học trò như "anh Chánh Văn" (nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú) đã có nhận xét khá sâu sắc về vấn đề này trên Báo Dân trí: "Lên một kế hoạch cùng con tiêu hết mùa hè là thứ bạn cần bắt đầu bằng việc hiểu con mình thích gì, là đứa trẻ có tính cách thế nào thay vì chỉ bạn là kẻ bày trò. Đôi khi, một mùa hè… "bất động" cũng lại là một mùa hè ý nghĩa nếu như bạn biết con bạn đã phải trải qua áp lực suốt 9 tháng trên trường. Là hãy cho trẻ được tận hưởng đúng nghĩa một mùa hè rảnh rỗi thay vì cuống cuồng chạy hết từ lớp học này sang lớp học kia".
Hóa ra đôi khi chúng ta chỉ là "kẻ bày trò" vụng về. Bằng cái lập luận "trẻ con đứa nào chả lười", phụ huynh đã quên mất trong cuộc sống này cũng cần cả một văn hóa ứng xử với chính con em mình. Làm sao để tốt nhất cho cả hai, để bố mẹ sẽ hóa giải được những vướng mắc ấy? Mấy tháng hè sẽ chính là "kì sát hạch" đặc biệt như thế với mỗi gia đình.
Để hiểu được các em, nhất thiết người lớn phải sống với cuộc sống của lũ trẻ. "Sống" ở đây không có nghĩa chỉ là lo ăn ngon, mặc đẹp, đóng học phí, thăm nom giáo viên… cho con mà phải thấu hiểu được cái khó, cái vô lý, bất quy tắc mà chúng đang phải đối mặt từng ngày. Nhìn vào hiện tượng bạo lực học đường, vào nỗi lo con được/ bị nghỉ hè của phụ huynh mới thấy hình như hai phía đều chưa tìm thấy có tiếng nói chung. Chẳng lẽ, người lớn cứ việc rao giảng những cái lớn lao còn trẻ con cứ tự xử theo cách của riêng chúng. Chừng nào ta và con vẫn là đường thẳng song song trong ý nghĩ thì còn những điều đáng lo ngại.
Tác giả Phạm Quang Vinh trong bài: "Bạo lực học đường và thành tích "chuyên môn"" đã viết: "Học sinh đến trường, không phải chỉ để học kiến thức, các cháu còn đến trường để được học về cách cư xử, về các mối quan hệ trong xã hội, và ở độ tuổi trung học, có rất nhiều diễn biến tâm lý phức tạp của học sinh đòi hỏi sự quan tâm đúng mực và can thiệp kịp thời của nhà trường và gia đình" (theo: Dân Việt).
Như vậy, thời gian nghỉ hè đâu phải là khoảng trống, là trang giấy thừa để chúng ta điền cho đủ, ghi cho đủ, tiêu cho hết thời gian. Nên nhớ rằng, từng giờ từng phút bên con là vô cùng quý giá bởi trong giai đoạn đi học kiến thức, hình thành nhân cách một sự tác động nhỏ cũng ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Hay nói cách khác, mùa hè chính là lúc "đứng lớp" của cha mẹ học sinh, là khi "khai giảng" một khóa học đặc biệt của trường đời. Chẳng lẽ, con cái chúng ta sẽ không còn gì phải học ngoài tấm giấy khen, ngoài bảng điểm và những thành tích khác.

Thật ra, hiện tượng bạo lực học đường hay va chạm giữa học sinh và thầy, cô giáo gây nhức nhối xã hội bấy lâu một phần xuất phát từ sự đơn độc của những đứa trẻ. Nếu để ý kĩ bạn sẽ thấy các hoạt động ngoài giờ ở trường lớp tuy khá nhiều, có quy mô rầm rộ nhưng có thật sự cuốn hút người trong cuộc hay không thì lại là một dấu hỏi bởi điều quan trọng là các hoạt động này có tạo nên một "xã hội" học trò thật sự hay không và chúng ta nhận diện "xã hội" ấy như thế nào hay người lớn mãi chỉ là người đứng ngoài cuộc. Trẻ em nói dối, ẩu đả, quấy rối hay xâm hại tình dục… ngay trước mắt mà chúng ta vẫn lúng túng, những em bé yếu thế vẫn kêu cứu trong tuyệt vọng… phải chăng chúng ta đã nhận diện sai hay trẻ đang thiếu những hiểu biết và sự che chở?
Thiết nghĩ, không có nhà trường "ba đầu sáu tay" nào gánh vác được tất cả mà còn cần từ gia đình và xã hội. Mùa hè là cơ hội để mỗi phụ huynh hiểu thêm về con em mình từ tâm tính đến nhận thức, nhận biết và triển vọng phát triển trong tương lai của trẻ. Câu nói mà chúng ta thường hay nói đùa: "Cháu nó ở nhà ngoan lắm nhưng lại không hay ở nhà" đâu phải không có lí, việc phụ huynh đang phung phí cơ hội tiếp cận con cái không còn là chuyện hiếm nữa. Khi chính phụ huynh đã bỏ trống "môn học" giáo dục nhân cách đạo đức của mình thì sự lúng túng của nhà trường, hệ lụy cho xã hội là điều không tránh khỏi. Hay nói cách khác, bạn có sẵn sàng nghỉ hè cùng con, tháo gỡ những rắc rối mà 9 tháng qua con đã vẫy vùng mà chưa thể thoát thân?
Ở một phương diện khác, bạn hãy thử xem các gia đình đã xây dựng kế hoạch nghỉ hè cùng con như thế nào. Anh Tuấn Hùng (TP. Huế) đã dành thời gian dạy con học bơi, anh chia sẻ: "Sau hơn 2 tháng cháu đã biết bơi ếch, lại còn ăn ngủ tốt, tăng cân hơn trước. Mỗi buổi sáng, gia đình thức dậy cùng nhau ra sông bơi, trò chuyện, tôi lại có cơ hội gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu con hơn. Hết hè tôi sẽ thu xếp để cuối ngày có thể đi bơi cùng con". Nhưng không phải phụ huynh nào cũng có thời gian, điều kiện để tổ chức cho con các chương trình như gia đình anh Hùng. Việc loay hoay tìm chỗ chơi cho con, việc để con quanh quẩn với điện thoại, máy tính, trong bốn bức tường hẹp khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Bởi thế, các ý tưởng về các lớp kĩ năng sống như làm thủ công, sửa chữa thiết bị, nấu ăn… từ sự chung tay của các tổ chức sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để tháo gỡ.
Như nhà giáo dục học người Italia Maria Montessori đã từng nói: "Hãy để trẻ nhỏ tự do; hãy khuyến khích chúng, hãy để chúng chạy ra ngoài dưới trời mưa; hãy để chúng tháo giày khi tìm thấy một vũng nước; và khi cỏ trên cánh đồng ướt sương sớm, hãy để chúng chạy và dẫm lên cỏ bằng đôi bàn chân trần; hãy để chúng nghỉ ngơi yên bình khi cây cối mời gọi chúng ngủ dưới tán lá; hãy để chúng la hét và phá lên cười khi mặt trời đánh thức chúng dậy vào buổi sáng".
Bài toán về nghỉ hè sẽ được hóa giải nếu phụ huynh nỗ lực và cố gắng tìm ra ý tưởng cho con em mình. Nếu chúng ta buông xuôi, phó mặc, trẻ sẽ sa ngã, sẽ thiếu kĩ năng sống, lệch lạc trong suy nghĩ, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và ngược lại. Chỉ khi nào chúng ta coi đó là kế hoạch nghiêm túc, cùng xây dựng ý tưởng với chính quyền, đoàn thể, thậm chí cùng huy động nguồn lực xã hội hóa… thì khi ấy mới mong đạt được kết quả thật tốt trong kì "sát hạch" của mùa hè.