Sáng tạo trong thời công nghệ
Đáng ra, đây chưa phải là thời điểm để chúng ta nói về sáng tạo trong thời công nghệ. Bởi, chúng ta đang khẩn trương số hóa các dữ liệu, định danh tên tuổi và quan trọng hơn là dần thích nghi với thói quen số trong một viễn cảnh xã hội số cận kề. Tuy nhiên, bao giờ cũng thế, văn hóa là sự nhạy cảm, tinh tế dự cảm, như tiếng đàn ngân lên trước những biến động của lịch sử, dẫu những cung, nốt, dẫu những sợi dây đã định hình từ hàng trăm năm trước.
Để bắt đầu, cần một câu chuyện dài. Còn nhớ khoảng hơn 20 năm trước, thuật ngữ "chat" bắt đầu xuất hiện, đi kèm với sự có mặt của các quán “nét”. Sau đó ít lâu, thuật ngữ này đi vào đời sống, được nhiều người chấp nhận và nhanh chóng có một chỗ đứng vững chắc trong đời sống giải trí. Nhớ lại, ca sĩ Mỹ Linh từng có 2 album "Chat với Mozart"; VTV từng mở chuyên mục "Chat cùng thần tượng". Còn trong ngôn ngữ tiêu dùng, ngôn ngữ chat được chắp cánh cho tiếng lóng của giới trẻ khiến các nhà ngôn ngữ học hết sức lo ngại.
Nhưng, lần này, sự xuất hiện của thuật ngữ ChatGPT lại đem đến một sự tác động hoàn toàn khác. Chat không chỉ là cuộc nói chuyện giữa người mà đã có sự can dự của công nghệ vào thế giới tâm hồn. Nếu như ở 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước, sự thay đổi dừng lại ở năng suất, tiện ích, năng lượng... thì đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, sự can dự của AI (trí tuệ nhân tạo) khiến cả những người bàng quan nhất không khỏi lo lắng.
2 năm sau khi được Công ty OpenAI phát triển, ChatGPT đã cho thấy sự vượt trội trong việc xử lý ngôn ngữ. Tuy nhiên, AI không phải là một thực thể cảm xúc, nếu chỉ dựa trên "học máy", chúng ta sẽ có gì? Sự na ná, lỗi thời hay chắp vá từ những dữ liệu cũ? Còn nhớ, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo Muhammad Abdul-Majid, Đại học British Columbia từng nói: "Điểm yếu của ChatGPT là thu thập thông tin dựa trên dữ liệu lỗi thời, gần nhất là dữ liệu của năm 2021 hoặc 2022. Thông tin không được cập nhật như vậy có thể sẽ dẫn đến sai sót. Bên cạnh đó, nếu nhiều người hỏi cùng một câu hỏi trong ChatGPT, nó sẽ trả về câu trả lời gần như giống nhau cho mỗi người trong số họ" (theo: Hạ Thảo-Báo Vietnamnet).
Trước xu thế của AI và áp lực của AI, sáng tạo của cá nhân còn có chỗ đứng hay không, những cảm xúc mới mẻ có sức hấp dẫn hơn thuật toán? Trong một bài báo được "giật tít" rất hot: "Thơ của AI được chuộng hơn thơ người viết" của tác giả Phương Thảo trên vnexpress.net, có đoạn viết: "Thơ của AI chinh phục được nhóm độc giả phổ thông hơn do có lối viết đơn giản, trực diện cả khi mô phỏng phong cách sáng tác của những nhà thơ lớn. Nhiều cá nhân trong thí nghiệm cảm thấy thơ người viết quá khó để thưởng thức, bởi cần sự tìm hiểu, diễn giải, cần có tư duy sâu sắc để hiểu. Ngược lại, AI có thể "truyền tải thông điệp, hình ảnh, tâm trạng và chủ đề một cách rõ ràng".
Nếu độc giả tiếp tục ưa thích tác phẩm của AI thì văn học nghệ thuật, văn hóa sẽ phát triển theo xu thế nào? Người viết cho rằng, sáng tạo trong thời đại AI là một cơ hội hơn là thách thức. Thách thức đến từ sự tiện lợi, hấp dẫn, từ sức hút của nền tảng mới mẻ, từ sự tiện lợi và cơ hội đến từ việc bạn có thể dựa trên công nghệ, tận dụng công nghệ và vượt thoát khỏi sự chi phối bởi công nghệ. Những yêu cầu đó liệu có mâu thuẫn nhau?
Erich Seligmann Fromm (1900-1980) từng nói: "Sự sáng tạo đòi hỏi phải có can đảm để buông tay khỏi những điều chắc chắn". Sự "chắc chắn" mà triết gia người Đức nhắc đến từ thế kỉ trước không hề có ý ám chỉ trí tuệ nhân tạo ngày hôm nay nhưng nếu liên tưởng với "thuật toán" và "mô hình đào tạo" của AI hiện giờ thì sẽ tương đồng với tính ổn định khi nghệ thuật được sáng tạo hàng loạt thay cho tác phẩm độc bản. Thử hỏi, một bài thơ được "thi sĩ" trí tuệ nhân tạo viết ra dựa trên những thi hào: William Shakespeare, Emily Dickinson, Sylvia Plath, Geoffrey Chaucer, Samuel Butler, Lord Byron, Walt Whitman, TS Eliot, Allen Ginsberg và Dorothea Lasky thì dấu ấn tâm hồn cá nhân ở đâu, cảm quan thời đại nào và quan niệm thẩm mỹ ra sao? Hay, thơ ca (và nghệ thuật nói chung) sẽ phải chung sống với nghệ thuật công nghệ trong tương lai không xa.
Khi nhịp sống càng nhanh gấp, công nghệ càng hoàn thiện, nhịp nhàng lại càng tạo ra những khoảng lặng trong tâm hồn con người. Nếu giấc ngủ, dinh dưỡng, sự tập luyện... giúp tái tạo sức lao động cho cơ thể thì tâm hồn cũng cần sự phục hồi, thanh lọc bằng những ý tưởng chỉ có thể xuất hiện trong thực tại, trong hiện thực mới mẻ của ngày hôm nay, va đập với những ý nghĩ hiện thời. Chúng ta không thể viết thay cho lớp người sau, không thể nói hộ người đi trước, từng lớp người, từng thế hệ mới có thể viết cho chính bản thân và những người cùng trang lứa.
Một trạm gửi thư tay ở quán cà phê thuộc quận 1, TP Hồ Chí Minh được mở ra để khách có thể viết những lá thư "chia sẻ nỗi lòng của mình với người lạ, viết thư hồi âm người khác (khách ngẫu nhiên đến quán) hoặc viết thư gửi chính mình trong tương lai" (theo: Ngọc Ngân-vnexpress.net). Nhìn vào đó chúng ta nhận ra sự hoài niệm một thời với thư từ hay sự kì quái, lập dị của thế hệ Gen Z (tựa như việc họ ưa thích các dịch vụ: wellness spa, cho thuê tay, ngồi ăn cho mọi người xem...). Người viết cho rằng, nhu cầu được chia sẻ chính đáng là cội nguồn của sự tích lũy sáng tạo. Người trẻ còn nhiều cảm xúc nghĩa họ vẫn muốn đón nhận những luồng ý tưởng thuyết phục nhưng làm cách nào để giữa họ và người viết có một “tần số” thị hiếu chung?
Dù công nghệ có thay đổi cuộc sống đến đâu cũng sẽ có sự lắng đọng, định hình những giá trị văn hóa mới. Đó là nền tảng để phát triển của xã hội và sáng tạo của nghệ thuật. Văn hóa thời đại công nghệ không dừng ở những nỗ lực cá nhân nhỏ lẻ mà phải ở sự phát triển quy mô của công nghiệp văn hóa. Văn chương, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, điện ảnh... sẽ được phát triển trên nền tảng đó chứ không phải sự dựa dẫm, bám víu nhất thời vào sự xuất hiện của một vài tiện ích.
Xuyên suốt bên trong nền tảng của công nghệ là nguồn cảm hứng được gợi mở từ những kết nối. Có lẽ, khi quan sát lịch trình một ngày của kĩ sư tại Google, bạn sẽ nhận ra vì sao phải có sự hài hòa giữa làm việc và nghỉ ngơi để áp lực không hủy hoại sức sáng tạo. Hãy nắm vững công nghệ và say đắm với nghệ thuật, tinh tế quan sát cuộc sống, chắt lọc các giá trị và biến nó thành ý tưởng của bạn. Viết thế nào để khi đọc, chúng ta nhận ra dấu ấn cá nhân, thấy diện mạo một tâm hồn và những ý tưởng đầy sáng tạo đó đem lại sự hào hứng trong cuộc sống. Có điều, chưa bao giờ sự sáng tạo đứng trước đòi hỏi gắt gao, áp lực phải thật sự độc đáo đến thế. Khi công nghệ luôn đem đến những đột phá, nghệ thuật (nói riêng) và sáng tạo (nói chung) cần đến sự nhân văn, nhân ái, sự quan tâm, chia sẻ để lấp đầy những xa cách mà công nghệ tiên tiến tạo ra.
Máy bán hàng tự động, app kết nối, AI trong giao thông, sản xuất sẽ được bù đắp bằng những sáng tạo ấm áp thay cho sự khô cứng lạnh lùng. Và, ở phía ngược lại, biết đâu công nghệ cũng sẽ đáp lại tiếng gọi của sáng tạo đó...