Sáng tạo tác phẩm tầm cỡ để hòa vào một ASEAN năng động
Với Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, tháng 10/2024 kết thúc bằng sự kiện đặc biệt, đó là Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật ASEAN lần thứ 11 (AMCA-11) và các hội nghị liên quan với các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, diễn ra từ ngày 23 đến 25/10, tại thành phố Melaka, Malaysia.
AMCA-11 với chủ đề "Kết nối văn hóa, xây dựng tương lai: Thống nhất trong đa dạng" đánh dấu một mốc rất quan trọng trong hoạt động của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN. Bởi lẽ, tại hội nghị này, Bộ trưởng phụ trách văn hóa, nghệ thuật của các nước thành viên ASEAN và đại diện các nước đối thoại đã rà soát quá trình hợp tác văn hóa và thảo luận về vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong nỗ lực chung để xây dựng Cộng đồng ASEAN, mong muốn tăng cường việc lồng ghép văn hóa vào các chính sách phát triển nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn chung ASEAN sau năm 2025.
AMCA-11 còn có những nội dung đặc biệt quan trọng khi thông qua khung chính sách bền vững nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ASEAN, trên cơ sở Tuyên bố Siem Reap về thúc đẩy Cộng đồng ASEAN sáng tạo và thích ứng để phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo; thúc đẩy doanh nghiệp văn hóa, đặc biệt là rà soát Kế hoạch chiến lược ASEAN về văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2016-1025 cũng như xây dựng một kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
Về việc hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2045, ông Dato Sri Tiong King Sing - Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia trên cương vị Chủ tịch AMCA giai đoạn 2024-2026, với bài phát biểu quan trọng đã xác định 3 lĩnh vực ưu tiên, gồm tập trung vào tương lai của ASEAN thông qua các sáng kiến giao lưu và văn hóa xuyên biên giới; Các đóng góp vào GDP, việc làm, doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, sở hữu trí tuệ và việc bảo tồn các tài sản văn hóa; Chuyển đổi số: tận dụng các công cụ và nền tảng số để nâng cao việc bảo tồn văn hóa và đổi mới sáng tạo. Đây đều là những vấn đề quan trọng chiến lược về phát triển văn hóa mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đang đặc biệt quan tâm và nỗ lực triển khai.
Tại AMCA-11, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trưởng đoàn Việt Nam cũng đã gây được ấn tượng tốt khi kêu gọi các nước ASEAN cùng hợp tác triển khai một số nhiệm vụ, bao gồm lồng ghép văn hóa vào các nỗ lực ứng phó chung ở cấp độ quốc gia cũng như khu vực; định hướng phát triển văn hóa số trong bối cảnh xã hội số, kinh tế số đang trở thành xu thế tất yếu và tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa mà các nước thành viên ASEAN có thế mạnh như ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, du lịch văn hóa..., hình thành và kết nối các không gian sáng tạo tại các thành phố, đô thị của các nước thành viên.
Năm 2024 chuẩn bị kết thúc, nên việc rà soát Kế hoạch chiến lược ASEAN về văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2016-2025 của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN có ý nghĩa đặc biệt trong việc hoạch định mục tiêu và chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.
Kế hoạch chiến lược ASEAN về văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2016-2025 của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa - nghệ thuật ASEAN lần thứ 6 và cuộc họp liên quan với các nước đối thoại, diễn ra tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), năm 2014. Hai năm sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/1/2016, phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025.
Đặc biệt, kể từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2021, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch hành động, tạo nguồn kinh phí... để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, sở hữu trí tuệ và việc bảo tồn các tài sản văn hóa, cùng với đó là thúc đẩy mạnh mẽ trong việc phát triển văn hóa số.
Hòa trong diễn biến sôi động đó, lĩnh vực văn học nghệ thuật của chúng ta cũng đã có những khởi sắc. Ở Giải thưởng Văn học ASEAN là một ví dụ. Giải thưởng này được trao hằng năm cho các nhà thơ và nhà văn của Đông Nam Á, kể từ năm 1979. Từ năm 1996, các nhà văn, nhà thơ của chúng ta bắt đầu được ghi tên vào danh sách trao giải, khởi đầu là nhà thơ Tố Hữu (1996) và sau đó là Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999)...
Dù vậy, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng, văn hóa của chúng ta nói chung, vẫn thiếu những tác phẩm tầm cỡ. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng trăn trở trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, rằng chúng ta đang “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”.
Sáng tạo tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ không chỉ dừng lại ở một gợi ý mà chính là một trong những mục tiêu quan trọng mà đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật của chúng ta hướng tới.