Sang chảnh như... Mèo
Kể nói đến chuyện mèo thì dường như ai cũng cảm thấy rằng quá ư quen thuộc. Mà đúng, quen thật; nếu chúng ta biết loài mèo đã được thuần hóa, đồng hành chia bùi sẻ ngọt với con người qua một chiều dài lịch sử ngót nghét… 9.500 năm!
Ấy là nói con số tối thiểu; chứ thực tế có thể còn lâu hơn; từ lúc giống mèo rừng Phi châu Felis silvestres lybica được con người bắt về nuôi, lìa rừng xanh núi đỏ để từ từ biến thành Felis silvestris catus - hay ngắn gọn hơn thì gọi là Felis catus tức F.catus, tức mèo nhà - những ông/bà chúa sơn lâm thu nhỏ có ngoại hình (đa số) khá mĩ miều kia đã giúp đỡ con người không ít; từ việc làm lính gác kho đến vật trang điểm phòng khách; và sau rốt là pet, tức thú cưng, đảm nhận trọng trách làm nơi xả xì trét, bầu bạn, sẻ chia cho các chủ nhân bà, chủ nhân ông vơi bớt nỗi cô đơn. Dày công như thế nên dòng giống nhà mèo thường được con người đối xử khá tử tế: ăn uống đầy đủ, không phải làm việc nặng nhọc, còn được chủ nhân nựng nịu….
Tuy nhiên, ngoài chuyện "dày công" còn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng: bộ dạng, tính cách mèo khá… dễ thương so với các giống vật khác. Mềm mại uyển chuyển, cộng thêm “chiêu”… giỏi nịnh giúp mèo ta dễ được lòng chủ nhân.
Chưa hết; nói đến những tập tính (tốt) của mèo khiến người ưa, còn có một điểm cực kì không loại gia súc, gia cầm nào có thể đem so: tính sạch sẽ! Một con mèo khỏe mạnh hầu như không cần tắm mà thân thể vẫn không bốc mùi. Vuốt ve mèo, ta có cảm giác lông mèo luôn mềm mại, trơn tru. Kết quả ấy là nhờ mèo thường xuyên liếm láp, chải chuốt, phơi nắng bộ lông. Ai có nuôi mèo hãy để ý mà coi: trong quá trình di chuyển, bắt mồi, mèo luôn rón rén, cẩn thận tránh né những chỗ ẩm ướt, lầy lội có nguy cơ làm vấy bẩn lông. Ấy vậy mà, đi đâu về, hơi có tí mùi lạ trên thân là mèo đã xoay ra hí húi rửa, chải!
Ngủ cũng chẳng phải bạ đâu ngủ đó. Một con mèo luôn rất kĩ lưỡng trong việc lựa chỗ ngủ. Chỗ ấy thường là những nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng đãng nhất trong nhà. Lợi dụng cái ưu thế được cưng chiều nên mèo cũng hơi bị “dễ ngươi”; đôi khi chúng lén phóng lên bàn thờ hoặc… chui thẳng vào giường mà ngủ! Vẫn chưa hết, thói quen sạch sẽ của mèo còn biểu hiện ở hành vi độc nhất vô nhị không loài nào có: đào lỗ và… lấp kín chất thải sau khi đi vệ sinh xong! Chẳng cần dạy dỗ tuyên truyền lôi thôi; “ý thức bảo vệ môi trường” của mấy chú mèo đương nhiên các giống loài khác phải chắp tay mà kêu… sư phụ!
Có điều lạ, mặc dù đồng hành cùng con người lâu thế, nhưng mèo vẫn chỉ là nửa gia súc - tức thị tập tính hoang dã và khả năng sống độc lập của mèo cứ được bảo lưu. Ngoại trừ các giống mèo cảnh lông dài lười biếng, mất hết khả năng săn mồi ra, còn đại bộ phận lũ mèo nhà ít có con nào ỷ y hoàn toàn vào chuyện ăn bám chủ. Tại các vùng nông thôn hoặc những địa bàn dân cư thưa, lũ mèo có thể tự lực cánh sinh (ít nhất) đến 50% lượng thức ăn giúp chúng tồn tại!
Đương nhiên, khả năng ấy cũng gây hệ quả hơi… tiêu cực: mèo ta rất khoái (và thường xuyên) chơi trò… bỏ nhà đi bụi. Chỉ cần một em mèo cái tơ (đang kì động dục) xuất hiện là đủ để chàng tít mắt, sẵn sàng “xách gói” bỏ ngủ bỏ ăn theo nàng mà tang bồng hồ hải - cho đến khi “hết xí quách”, hoặc bị nàng chán bướm chê ong xua đuổi, mới thất thểu thất thơ vác mặt bò về! Đã nuôi mèo, ai cũng phải chấp nhận chuyện chúng “đi hoang” là hiện tượng bình thường, đừng lo (như mấy cậu ấm cô chiêu) cái nguy cơ bị “xã hội đen” rù rến!
…Ấy vậy; nhưng đó là nói chuyện đời xưa, cái thời lũ mèo còn độc quyền làm kẻ săn mồi, chưa biến thành mồi săn như hiện tại! Giờ, mèo cũng như chó, phiêu lưu xa nhà chút sẽ lập tức thành mồi ngon cho đám Cẩu/Miêu Tặc! Còn may, lũ mèo nhờ sinh sản nhanh nên không phải quá lo vấn đề tuyệt chủng.