Quy định mới về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Để danh hiệu là động lực cống hiến

Thứ Năm, 18/07/2024, 16:46

Từ ngày 22/7/2024, Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 6/6/2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú gồm 5 chương và 19 điều bắt đầu có hiệu lực. Được đánh giá là nghị định với một số quy định mới, chặt chẽ, chi tiết và phù hợp hơn trong việc xét tặng danh hiệu, tuy nhiên, vẫn còn đó băn khoăn...

Bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu

Nghị định mới nhất của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) mang đến một số quy định mới. Theo đó, cá nhân hoạt động văn hóa nghệ thuật được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT bao gồm: diễn viên, đạo diễn, biên đạo múa, chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch, chỉ đạo nghệ thuật, quay phim, họa sĩ, phát thanh viên, nhạc sĩ sáng tác tác phẩm âm nhạc và nhà nhiếp ảnh.

một số nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nsưt tại lễ trao danh hiệu lần thứ 10.jpg -0
Một số nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSƯT tại Lễ trao tặng danh hiệu lần thứ 10.

Như vậy, một điểm mới, cũng là điểm nhấn của nghị định lần này chính là việc bổ sung thêm đối tượng “Quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình” (thuộc hoạt động nghệ thuật biểu diễn) còn “Nhạc sĩ sáng tác tác phẩm âm nhạc” và “Nhà nhiếp ảnh” (thuộc người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật). Trong đó, đối tượng “Quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình” nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân cũng như những người làm chuyên môn. Bởi, quay phim giữ một vai trò quan trọng để làm nên sự thành công của những tác phẩm phim ảnh.

Thực tế, đã có những nhà quay phim được trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND nhưng chưa nhiều. Đa phần, khi đánh giá sự thành công của một bộ phim, người ta thường nhắc tới vai trò của đạo diễn. Việc luật hóa sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của quay phim và tránh thiếu sót không đáng có. Tuy nhiên, quá trình bàn thảo, lấy ý kiến về việc để đối tượng “Nhạc sĩ” và “Nhà nhiếp ảnh” được trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND đã tạo nên một cuộc tranh luận khá dài. Cuối cùng, hai đối tượng này được bổ sung trên cơ sở đề xuất của một số hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành. Việc bổ sung đối tượng để phù hợp với thực tiễn hoạt động văn hóa nghệ thuật của một số lĩnh vực và đảm bảo quyền lợi của cá nhân hoạt động văn hóa nghệ thuật trong xét tặng danh hiệu.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định cụ thể hơn đối với cá nhân là người cao tuổi, cá nhân là giảng viên các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật. Ví dụ cá nhân là NSƯT, là giáo viên, giảng viên, tiếp tục đào tạo trực tiếp từ 3 học sinh tham gia đoạt giải vàng tại các cuộc thi nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế, Giải thưởng quốc tế của học sinh, sinh viên do cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, hiện vẫn tích cực tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình nghệ thuật được tôn vinh... được phong tặng NSND.

Nghị định mới cũng được cho là quy định chi tiết, cụ thể hơn về cách tính thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật và cá nhân sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, bổ sung bảng quy đổi giải thưởng cho tác phẩm âm nhạc và tác phẩm nhiếp ảnh. Ví dụ, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND: thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên nhưng riêng loại hình xiếc, múa yêu cầu thấp hơn, chỉ cần 15 năm. Cá nhân đã được tặng danh hiệu NSƯT, sau đó tiếp tục đạt một trong các tiêu chí sau đây: có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, trong đó có 1 giải vàng quốc gia cá nhân. Hoặc, ít nhất 3 giải vàng quốc gia được quy đổi cho cá nhân theo quy định tại phụ lục.

Đối với danh hiệu NSƯT: cá nhân phải có thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên hoặc 10 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa. Có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, trong đó có 1 giải vàng quốc gia cá nhân. Giải vàng trong nước của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại phụ lục. Việc giảm năm cho loại hình xiếc, múa là phù hợp bởi nghệ sĩ biểu diễn thuộc hai ngành này có tuổi nghề thấp, thời gian đào tạo rất lâu.

Ngoài ra, Nghị định 61 quy định rõ hơn điều kiện hoạt động của cá nhân được xét danh hiệu gồm: cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các đơn vị văn hóa, nghệ thuật công lập, ngoài công lập hoặc cá nhân đang làm công tác giảng dạy hoặc quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhưng vẫn tham gia hoạt động biểu diễn và cá nhân hoạt động tự do. Quy định này giúp cho hội đồng cấp cơ sở tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu của cá nhân phù hợp với thực tiễn.

Còn băn khoăn về tiêu chí, thủ tục xét tặng

Mặc dù Nghị định 61 đã có những điểm mới chỉnh sửa phù hợp, sát thực hơn với đời sống văn hóa nghệ thuật nhưng vẫn không tránh khỏi những băn khoăn. Ví dụ như việc nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh đưa vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được cho là góp phần đảm bảo quyền lợi cá nhân nghệ sĩ nhưng vẫn không ít ý kiến cho rằng, hai đối tượng này đã được xét Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác giả, nên tiếp tục được xét tặng NSND, NSƯT sẽ dẫn đến chồng chéo. Nhiều người cho rằng, những đóng góp của nghệ sĩ nhiếp ảnh khó tiếp cận với công chúng. Tuy nhiên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh thì kiên quyết bảo vệ quan điểm việc này không chồng chéo vì xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là vinh danh cho tác phẩm xuất sắc, còn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là vinh danh những đóng góp tài năng nghệ thuật của tác giả, là vinh danh con người. Đây là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau. Rồi, hiện nay, vẫn có những ý kiến chưa đồng ý với nghị định mới mà cho rằng nên đồng hóa giá trị của huy chương giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với huy chương của các hội chuyên ngành nghệ thuật.

thời gian quy định để xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ xiếc đã được rút ngắn hơn so với các loại hình nghệ thuật khác.jpg -1
Thời gian quy định để xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ xiếc đã được rút ngắn hơn so với các loại hình nghệ thuật khác.

Có thể nói, nhìn từ đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gần đây nhất (lần thứ 10) đã phải lùi lịch từ tháng 9/2023 sang tháng 3/2024 với rất nhiều tranh luận đã cho thấy đây luôn là vấn đề không đơn giản. Những tranh cãi đều xoay quanh tiêu chí, thủ tục xét duyệt hồ sơ... Theo quy định, nghệ sĩ phải đủ huy chương, đủ số năm lao động, gắn bó trong nghề diễn mới được làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu. Nhưng, đời sống văn hóa nghệ thuật vốn đa sắc, phức tạp, đôi khi không chỉ đo giá trị, chất lượng bằng những quy định cứng. Đợt nào cũng vậy, mỗi khi danh sách nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu công bố, luôn có những ý kiến cho rằng nhiều nghệ sĩ có thâm niên, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật lại không có tên trong danh sách. Ngược lại, một số người đạt danh hiệu NSƯT, NSND nhưng chỉ một số lượng ít công chúng biết tới...

Từng có thời điểm, việc quy đổi huy chương trong tiêu chí xét duyệt danh hiệu còn cứng nhắc đã gây nên nhiều bất cập. Có những nghệ sĩ chỉ chăm chăm đi thi giành huy chương với mục đích để thuận lợi xét tặng danh hiệu. Người trong nghề gọi nghệ sĩ đó là “nghệ sĩ của những cuộc thi”. Ngược lại, có những nghệ sĩ hoạt động lâu năm vì lý do nào đó ít tham gia thi thố nên dù được công chúng biết đến nhưng xét về tiêu chí cứng thì lại thiếu. Hoặc, những nghệ sĩ cao tuổi, không có cơ hội tham gia các hội diễn, liên hoan nên không có huy chương.

Ngoài ra, sự chênh lệch về số lượng các cuộc thi ở những lĩnh vực ngành nghề khác nhau dẫn đến có ngành nhiều hội diễn nên nghệ sĩ được lợi vì nhiều huy chương, trong khi có ngành ít cuộc thi nên nghệ sĩ cũng thiệt thòi vì không đủ tiêu chuẩn xét danh hiệu. Đây cũng chính là một trong những lý do dẫn đến tình trạng “mưa huy chương” hoặc “bệnh thành tích” với suy nghĩ “để ngành mình không thua kém ngành khác”. Sự chênh lệch về quy mô mỗi cuộc thi ở các lĩnh vực khác nhau cũng chính là điều mang đến sự thiếu công bằng trong các hồ sơ. Tuy nhiên, với những quy định chi tiết, kỹ lưỡng ở nghị định mới thì sẽ khắc phục được điều này.

Nghị định 61 ra đời sau nhiều lần bàn thảo, lấy ý kiến. Điều đó cho thấy sự cầu thị, cân nhắc kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với một thực tế đời sống văn hóa nghệ thuật luôn sôi động nên khó có thể chính xác tuyệt đối. Nhưng, quan trọng nhất làm thế nào để mỗi danh hiệu đều đúng người, đúng thành tích. Có như vậy, bản thân nghệ sĩ được vinh danh mới cảm thấy tự hào, mong mỏi tiếp tục cống hiến. Cũng như sẽ là động lực để các nghệ sĩ chưa danh hiệu không ngừng phấn đấu.

Khánh Thảo
.
.