Quốc hội và chương trình giám sát lời hứa
Ngày 27/5/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề nghị: “Tiếp tục quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ. Đây là vấn đề cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm”.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã tham gia chất vấn 4 nhóm vấn đề, gồm: Xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ và thanh tra. Qua phần trả lời chất vấn, các tư lệnh ngành đều thể hiện sự am hiểu, nắm chắc lĩnh vực phụ trách, trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Hầu hết tồn tại, hạn chế cũng được Bộ trưởng, trưởng ngành thẳng thắn nhận diện nguyên nhân, trách nhiệm cũng như đưa ra các giải pháp trong việc chỉ đạo xử lý, giải quyết và lộ trình khắc phục trong thời gian tới.
Trên thực tế liệu những lời hứa, những cam kết trên nghị trường Quốc hội đã làm yên lòng cử tri và nhân dân chưa? Chắc chắn là chưa đủ. Qua theo dõi nhiều cuộc chất vấn, sau nhiều lời hứa “kiên quyết xử lý dứt điểm”, “đã có kế hoạch, nhất định sẽ làm và nhanh chóng tháo gỡ…”, nhưng người dân và các doanh nghiệp vẫn bị gây khó khăn, sách nhiễu, những vấn đề quốc kế dân sinh chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, thỏa đáng vẫn diễn ra như trêu ngươi, như thử thách lòng kiên nhẫn của người dân.
Liệu trong Kỳ họp thứ 5 này, những vấn đề về chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp bao giờ được cải thiện? Bao giờ người dân mới hết vất vả khi phải xác nhận cư trú để xin học cho con, vay ngân hàng, mua bán tài sản... Làm gì để chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng và loại bỏ dần được 30% đến 40% công chức “Sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”... liệu có được các Bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước về sự chuyển biến trong lĩnh vực đó như thế nào?
Chúng ta đều biết, không phải lời hứa nào cũng có thể được thực hiện trọn vẹn, không phải lời hứa nào cũng có thể thực hiện được trong một sớm, một chiều, nhưng người dân và cử tri cả nước có quyền được biết về tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và lộ trình, giải pháp cụ thể giải quyết từng nhóm vấn đề cho đến khi có kết quả cuối cùng. Mọi thứ cần phải được công khai, minh bạch dưới sự giám sát đánh giá không chỉ của cơ quan chuyên môn mà là của toàn dân.
Chưa có một nghiên cứu, thống kê, đánh giá những cam kết, hứa hẹn của Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện được bao nhiêu phần. Bởi vậy, tới kỳ họp sau không thấy nhắc đến việc lần trước ai, đồng chí nào đã cam kết, đã hứa mà chưa làm và lý do tại sao? Phải chăng cam kết, hứa nhưng chưa thực hiện đã được sử dụng triệt để, như một biện pháp nhằm làm "hạ nhiệt" nghị trường Quốc hội cũng như dư luận xã hội. Đã hứa với dân rồi mà không làm thì không chỉ có cá nhân, cơ quan công quyền mất uy tín mà uy tín của Đảng và Nhà nước cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì “Một lần bất tín, vạn sự bất tin”. Vì thế mới cần giám sát, nhắc nhở để các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục nỗ lực, trách nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực mình quản lý, quyết tâm thực hiện đến cùng các lời hứa trước cử tri.
Sống trong thời đại mà các phương tiện truyền thông có mặt mọi lúc, mọi nơi, thì dù có muốn hay không muốn, chúng ta cũng buộc lòng phải thấy sự khập khiễng, độ vênh nhất định giữa “nói và làm” đang diễn ra quanh ta. Vẫn biết để biến những khẩu hiệu, những bài diễn văn thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan, nhưng trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về người đưa ra lời cam kết.
Cử tri cũng đề nghị và mong muốn qua mỗi kỳ họp Quốc hội có báo cáo giám sát riêng, đánh giá cụ thể, thực chất hơn về việc thực hiện lời hứa, không chỉ ở phiên chất vấn. Như vậy sẽ rõ ràng việc nào làm được, việc nào chưa làm được. Đại biểu Quốc hội cũng cần có trách nhiệm trước cử tri về việc giám sát tới cùng việc thực hiện lời hứa đó của lãnh đạo các bộ, ngành.
Trong năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc này sẽ được thực hiện tại Kỳ họp thứ 6 tới đây. Hy vọng, qua lần lấy phiếu tín nhiệm này, nếu vị tư lệnh ngành, người đứng đầu cơ quan, địa phương có thời gian lãnh đạo, chỉ đạo được nửa nhiệm kỳ mà ở đó vẫn trì trệ, lẹt đẹt, không sửa chữa, khắc phục được những yếu kém, không sáng tạo để đột phá vươn lên được thì dứt khoát phải bị thay thế bởi những người có đủ tâm, đủ tầm, đủ bản lĩnh chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quốc hội, Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.