Quảng cáo: làm từ gốc hay từ ngọn?
Sau những sự việc gây dư luận bức xúc xoay quanh sữa giả, thuốc kém chất lượng, kẹo rau củ Kera..., chuyện "xưa như trái đất" là trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo sản phẩm lại được đặt ra. Và, ở kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, vấn đề này cũng được bàn luận trên nghị trường với những tham góp của nhiều đại biểu.
Trong tham luận của nhiều đại biểu Quốc hội lần này, phạm vi điều chỉnh đã được mở rộng cho khái niệm "người có ảnh hưởng trong xã hội" chứ không chỉ còn khu biệt ở khái niệm "người nổi tiếng" hay "nghệ sĩ" nữa.
Tất cả gần như đều chung những quan điểm như: có biện pháp chế tài với người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật; đòi hỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi quảng cáo sai sự thật; yêu cầu những người có ảnh hưởng trước khi nhận lời quảng cáo một sản phẩm nào đó cần phải nghiên cứu kỹ, thậm chí, còn có đề xuất (đã bị bác bỏ) đòi hỏi người nổi tiếng phải sử dụng sản phẩm trước khi quảng cáo...
Nói chung, tất cả đều cùng hướng đến một mục đích chung nhất mang lại lợi ích cho cộng đồng là "chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội" nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, giả sử chúng ta áp dụng tất cả các biện pháp mạnh nhất, kể cả là biện pháp cấm biểu diễn vĩnh viễn đối với người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, liệu rằng hành vi này có chấm dứt được hay không?
Mạng xã hội ở thời đại này đã bùng nổ vượt quá mức độ của một hệ thống tương tác đơn thuần giữa cá nhân với cá nhân và cộng đồng mà đạt tới cấp độ của một nền tảng cung cấp các kênh truyền thông cá nhân cũng như các gian hàng online. Lợi ích kinh tế mà nó mang lại càng dễ khiến con người chóng quên các tấm gương tày liếp đi trước để tiếp tục lặp lại sai lầm.
Thậm chí, sai lầm có thể ở cấp độ tinh vi hơn theo sự phát triển của các kỹ thuật và kỹ năng truyền tin. Do đó, thắt chặt quản lý hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chỉ mới giải quyết được phần ngọn mà thôi. Trong khi đó, vấn đề cần giải quyết hơn lại nằm ở phần gốc.
Vậy thì, phần gốc của hoạt động quảng cáo này là gì?
Chúng ta hãy thử lục lại các quảng cáo trên Facebook, YouTube, TikTok... xem có bất kỳ một nội dung quảng cáo nào liên quan tới thuốc lá, rượu hay chưa? Chắc chắn là chưa. Đơn giản, quảng cáo thuốc lá và rượu là hoạt động bị cấm ở đa số các nước trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia gần như đi đầu trong việc cấm quảng cáo rượu và thuốc lá. Chính vì hai loại sản phẩm ấy bị cấm nên không một ai dám nhận lời quảng cáo cho chúng cả. Thêm vào đó, nếu có trót dại, bản thân tính năng quét nội dung vi phạm của các nền tảng mạng xã hội cũng lập tức yêu cầu chủ tài khoản gỡ bỏ.
Phần gốc nằm ở chính điểm quan trọng này: chức năng quản lý nhà nước. Song song với việc luật hóa nghĩa vụ của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo, việc rất cần thực hiện là "cấp phép quảng cáo một lần duy nhất cho một mã sản phẩm".
Khi một doanh nghiệp muốn đưa một sản phẩm vào thị trường, tất nhiên doanh nghiệp phải tiến hành một số thủ tục để được cấp phép. Vậy thì, việc ngay trong lần cấp phép đó, phê duyệt sản phẩm có được quảng cáo với phạm vi nội dung như thế nào là việc cần được tích hợp vào. Từ đó, khi doanh nghiệp muốn thực hiện chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm của mình, mọi cá nhân, đơn vị liên quan như người nổi tiếng, công ty truyền thông, kênh truyền thông... hoàn toàn có thể tự tin trước quyết định nên nhận lời hay không.
Khi thực hiện được cái gốc này, ta cũng tạo ra một hành lang đủ để các cá nhân và tổ chức dễ dàng tham khảo thông tin sản phẩm được quảng cáo và từ đó có được hành động đúng đắn, không tác động tiêu cực tới cộng đồng.