Quảng bá di sản trực tuyến: Không chỉ là hướng đi tạm thời

Thứ Năm, 23/09/2021, 10:42

Đại dịch COVID-19 đã khiến cho hoạt động của các bảo tàng đóng băng. Việc quảng bá di sản văn hóa, lịch sử gặp nhiều khó khăn. Nhưng thay vì “án binh bất động”, các bảo tàng đang chuyển đổi sang hình thức trực tuyến để đưa di sản tiếp cận với công chúng.

Bước chuyển đổi kịp thời

Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã được thực hiện trong nhiều năm qua, hướng tới xây dựng di sản số (E- Heritage) cho di sản văn hóa Việt Nam.

Tại buổi ra mắt giới thiệu ứng dụng công nghệ số trong các trưng bày ở Bảo tàng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử, tiến sĩ Nguyễn Văn Đàn cho rằng: Nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng ngày càng cao. Trong bối cảnh dịch bệnh, ảnh hướng đến việc tham quan, trải nghiệm của du khách, việc thay đổi góp phần đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những sản phẩm đa dạng, mang lại trải nghiệm khác biệt, làm phong phú hơn hoạt động của bảo tàng và thu hút khách du lịch.

Quảng bá di sản trực tuyến: Không chỉ là hướng đi tạm thời -0
Dự án tái hiện chùa Một Cột bằng công nghệ VR3D trở thành điểm nhấn mới trong công tác bảo tồn di sản.

Không phải đến bây giờ mà ngay từ năm 2013,  Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ứng dụng công nghệ này giới thiệu, trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Từ năm 2020, bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và hoàn thiện giới thiệu trưng bày ảo 3D chuyên đề "Bảo vật quốc gia" với 20 bảo vật đang lưu giữ tại bảo tàng. Nội dung trưng bày được cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận.

Trong lần nâng cấp gần đây nhất, việc cập nhật ứng dụng 3D và đổi mới hình thức giới thiệu mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, sản phẩm tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online) miễn phí, do Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện từ năm 2017 định kỳ theo mùa với 12 buổi, đã đón 820 khách tham quan, trong đó có 30% khách quốc tế đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội.

Mới đây nhất, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh, Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng đã nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến với chủ đề “Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần” và đã thu hút gần 100 khách tham dự. Không gian trưng bày về hai triều đại Lý- Trần được tái hiện một cách chân thực, sinh động giúp khách tham quan tiếp cận với lịch sử một cách dễ hiểu, hấp dẫn không kém những buổi tham quan trực tiếp.

Không chỉ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhiều đơn vị khác cũng đang có sự thích ứng trong việc quảng bá các di sản trên nền tảng công nghệ. Đơn cử như, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam với triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại”; Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội với trưng bày trực tuyến “Gió lành Đoan Dương”, “Trung thu sum vầy”; Bảo tàng Hồ Chí Minh đang thực hiện trưng bày chuyên đề “Người đi tìm hình của nước” trên website và các trang mạng xã hội của bảo tàng, phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử của công chúng khi phải thực hiện giãn cách xã hội; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu 2 bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan Âm và tác phẩm tranh sơn mài “Bình phong” của danh họa Nguyễn Gia Trí…

Quảng bá di sản trực tuyến: Không chỉ là hướng đi tạm thời -0
Số hóa di sản là hướng đi tất yếu của các bảo tàng.

Đặc biệt, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I mới đây đã tổ chức triển lãm 3D tài liệu lưu trữ “Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại” giới thiệu đến công chúng hơn 100 tài liệu đặc sắc về Giáo dục dưới triều Nguyễn (1802 - 1945), được lựa chọn từ khối Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, cùng một số hình ảnh minh họa. Tại mỗi chủ đề, người xem sẽ được theo dõi chi tiết hơn thông qua hình ảnh, tư liệu được ban tổ chức cung cấp.

Ví như, chủ đề “Khai giảng”nói về chuyện lễ mừng năm học mới dưới triều Nguyễn sẽ được cử hành theo ngày tốt mà Khâm thiên giám chọn, sau ngày khai ấn. Lễ sẽ được tổ chức tại Quốc Tử Giám với các nghi thức đặc biệt. Đây là một triển lãm trực tuyến thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhất là trong thời điểm học sinh đang bước vào năm học mới. Triển lãm cũng cho thấy sự kết nối của những giá trị truyền thống của quá khứ đến hiện tại của một dân tộc luôn đề cao tinh thần học hành.

Trong thời gian qua, có một sự kiện gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng, đó là sự xuất hiện của Nhà tù Hỏa Lò trên các nền tảng số và công nghệ. Một di tích nhà tù Hỏa Lò khá lặng lẽ ở ngay Thủ đô bỗng dưng có sức hút kỳ lạ, đặc biệt là với giới trẻ do cách tiếp cận hoàn toàn “lột xác của họ.

Ban quản lý đã ứng dụng chuyển đổi số trên nền tảng Spotify để nâng cao hiệu quả truyền thông, đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng. Lần đầu tiên trên kênh phát thanh độc quyền với nền tảng Spotify, giúp công chúng tìm hiểu lịch sử một cách dễ dàng, thú vị và mới mẻ hơn.

Ngoài ra, trên fanpage của nhà tù cũng có họat động trưng bày hấp dẫn, mới mẻ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng, hiện nay fanpage của di tích đã thu hút hơn 60.000 lượt yêu thích. Đây là lần đầu tiên một kênh truyền thông về lịch sử Việt Nam thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ như vậy.

Đổi mới để nhập cuộc

Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ để quảng bá các di sản văn hoá, lịch sử không còn là điều quá mới. Ở Việt Nam, thời gian qua, công chúng yêu nghệ thuật cũng may mắn được thưởng lãm các tác phẩm của Van Gogh, Rembrant trên công nghệ 3D do các đại sứ quán Hà Lan và đại sứ quán Đức tổ chức... Di sản Việt Nam khá phong phú và đa dạng, những người yêu di sản đang nỗ lực ứng dụng công nghệ để mang đến cho di sản một sức sống mới, tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng.

Ngoài các bảo tàng, các viện nghiên cứu, thời gian qua, có những nhóm cá nhân cũng đang ứng dụng công nghệ số hóa di sản. Nhóm Sen Heritage của nhà nghiên cứu, PGS, TS Trần Trọng Dương vừa trình làng dự án số hóa Chùa Một cột, và họ tiếp tục đưa công nghệ VR3D vào các dự án số hóa di sản.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương nói, công nghệ này cho phép người xem được “đứng ở trong di sản, bước đi trong di sản, chạm và ngắm di sản”. Anh cho rằng: “Việc đưa số hóa vào bảo tồn di sản giúp con người không chỉ tiếp xúc bằng thị giác, mà người xem còn được ngắm nhìn không gian lộng lẫy với mái vàng, mái bạc, cột vẽ rồng sơn son đỏ… Điều này có thể tạo ra những cảm giác mới với cộng đồng vì nhiều người vẫn nghĩ, di tích chỉ hiện lên với những gì cổ kính, rêu phong”.

Còn bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng Phòng Hướng dẫn - Thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: Trong điều kiện các di tích tạm dừng đón khách, phương thức duy nhất đưa di sản đến với công chúng vào thời điểm này chính là giới thiệu qua hình thức trực tuyến. Và điều đáng mừng là nhiều du khách đã truy cập vào trang tìm hiểu, tham quan di sản Hoàng Thành Thăng Long. Đó cũng là cơ hội để di sản tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng. “Nếu ngày trước phải đến tận Hoàng thành Thăng Long mới được ngắm nhìn di sản, thì bây giờ, du khách có thể ngồi ở nhà và chỉ một cú nhấp chuột là có thể khám phá tất cả các di sản. Điều này góp phần mở rộng biên độ khách tham quan ở mọi vùng miền và cả các du khách quốc tế”.

Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ không còn là giải pháp tạm thời mà là cầu nối hữu hiệu để đưa các di sản từ các bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng. Cuộc sống và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã làm thay đổi thói quen nghe nhìn, thưởng thức của du khách. Di sản cũng phải thay đổi phương cách tiếp cận để không bị lãng quên trong dòng chảy mạnh mẽ đó.

Bảo Linh
.
.