Quản lý kênh truyền thông cá nhân
Sự xuất hiện và phổ cập của các nền tảng mạng xã hội trong khoảng 20 năm vừa qua đã thay đổi diện mạo báo chí thế giới rất mạnh mẽ. Nhiều phóng viên lớn của những tờ báo, hãng tin, kênh truyền hình uy tín thậm chí đã nghỉ việc ở nơi mình thành danh để tập trung đưa tin, bình luận trên tài khoản cá nhân của mình.
Câu chuyện của biên tập viên Tucker Carlson có lẽ là ví dụ điển hình nhất của truyền thông hiện đại. Khi Fox News sa thải ông vào năm 2023, nhiều người tin rằng ông sẽ ngụp lặn dưới đáy của truyền thông bằng các podcast, các kênh streaming như nhiều biên tập viên tiếng tăm trước đó. Song, thời đại khác đã có định nghĩa rất khác so với 10 năm trước. Tucker Carlson trở nên hút khách ngang ngửa chính Fox News nhờ các nội dung sâu sắc của mình. Thậm chí, có những nội dung podcast, streaming của ông còn có rating cao hơn nội dung tương tự của Fox News.
Tất nhiên, không phải phóng viên, biên tập viên nào cũng có năng lực để tạo ra một kênh cá nhân mạnh mẽ trên mạng xã hội chứ đừng nói đến tầm vóc của Tucker Carlson. Song, điều đáng quan tâm ở thế giới truyền thông hiện đại chính là xu hướng đọc tin của người dùng đã thay đổi hoàn toàn. Người dùng hiện nay đọc tin đầu tiên từ mạng xã hội chứ không phải từ báo chí và các nền tảng mạng xã hội cũng đã thay đổi thuật toán để phần hiện tin (news feeds) chủ yếu từ các tài khoản cá nhân chứ không phải từ fanpage của các tòa soạn. Thay đổi đó tạo ra áp lực buộc các chính phủ phải có biện pháp để kiểm soát, tránh hỗn loạn thông tin cũng như khả năng lan truyền tin giả.
Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là các chính phủ đang xem xét khả năng yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, X, YouTube, TikTok... để quản lý các kênh cá nhân được xem là kênh truyền thông. Điều đó có nghĩa là có sự phân biệt rất rõ giữa một tài khoản cá nhân không mang mục đích truyền thông công cộng với một tài khoản có định hướng truyền thông. Những tài khoản chuyên bình luận các vấn đề thời sự, với định hướng rõ ràng là lôi kéo sự đồng thuận hoặc các tranh luận từ độc giả, khán giả của mình, tài khoản ấy sẽ được xem là “kênh truyền thông cá nhân độc lập” và được yêu cầu đặt dưới sự quản lý, kiểm duyệt của cơ quan có thẩm quyền thông qua sự hợp tác của nền tảng mà kênh đó đang khai thác.
Xu hướng tìm cách quản lý các kênh truyền thông cá nhân như vậy chắc chắn sẽ phổ biến trong tương lai gần, khi mà tầm quan trọng của thông tin ngày càng mang tính quyết định trong đời sống xã hội. Việt Nam không thể chậm nhịp xu hướng này và việc yêu cầu các nền tảng công nghệ phải hợp tác với cơ quan quản lý thông tin của Chính phủ cũng là việc cấp bách cần được đặt ra và thực thi trong thời gian sớm nhất.
Năm 2016, trong cuộc chính biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ một cuộc livestream qua gọi điện thoại video giữa phóng viên Hande Firat với Tổng thống Erdogan đúng lúc nước sôi lửa bỏng đã giúp chính quyền của ông Erdogan yên được lòng dân và xử lý tốt khủng hoảng. Chiếc điện thoại của cô Firat đã được đề xuất mua lại với giá 25 ngàn USD nhưng thực tế, thứ đắt giá nhất cô Firat làm được chính là cách cô sử dụng công cụ truyền thông hiện đại.
Ở Việt Nam hiện nay cũng có nhiều cá nhân không làm việc trong bất kỳ tòa soạn nào nhưng đang có các kênh truyền thông cá nhân thu hút người xem, người đọc rất lớn. Tại sao không tạo ra một quy định các kênh như vậy cần phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, một thủ tục đăng ký gọn nhẹ nhất, tiện lợi nhất cho chính họ? Việc đăng ký ấy không phải để kiểm soát, áp đặt mà để chính những chủ kênh phải cam kết chịu trách nhiệm với những thông tin mà mình đưa ra và từ đó, chính họ sẽ kiểm soát mình nhằm tránh đưa tin thất thiệt vào cộng đồng.